Văn hóa - Giáo dục
Cầm cố thẻ học sinh sinh viên: Thực trạng đáng lên án
Thủ tục không rườm rà, chỉ cần thẻ sinh viên, giấy phép lái xe… là có thể cầm cố với số tiền từ 500.000 - 5.000.000 đồng. Dù biết đây là hoạt động trái pháp luật nhưng với lãi suất “khủng”, nhiều chủ tiệm cầm đồ vẫn sẵn sàng nhận cầm cố thẻ sinh viên.
Báo động tình trạng cầm cố thẻ HSSV
Trên địa bàn TP Vinh hiện có hơn 400 cơ sở dịch vụ cầm đồ có đăng ký kinh doanh và hàng chục cơ sở cầm đồ trá hình dưới dạng dịch vụ Internet, game. Các tiệm cầm đồ này tập trung chủ yếu ở khu vực xung quanh các trường ĐH, CĐ, trung cấp. Vừa qua, Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP Vinh kiểm tra 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ của ông Nguyễn Văn Do (SN 1970) và bà Nguyễn Thị Hiền (SN 1975) đều trú tại phường Hà Huy Tập, TP Vinh, qua đó phát hiện hơn 500 giấy tờ của học sinh, sinh viên (HSSV) được cầm cố.
Nhiều cửa hàng cầm đồ san sát nhau ở khu vực sau Trường ĐH Vinh |
Lực lượng chức năng đã thu giữ 100 giấy tờ gồm: 31 CMND, 28 thẻ sinh viên, 18 giấy phép lái xe, đăng ký xe môtô và 23 giấy vay nợ với tổng số tiền dư nợ hơn 150 triệu đồng. Trước đó, qua kiểm tra đột xuất tại cơ sở của bà Hiền, lực lượng Công an cũng đã phát hiện, thu giữ 411 loại giấy tờ của sinh viên. Trong đó có 126 thẻ sinh viên, 274 CMND, 10 giấy phép lái xe, đăng ký xe môtô và 205 giấy vay nợ với tổng số tiền dư nợ hơn 500 triệu đồng. Điều đáng nói, cả hai cơ sở cầm đồ này đều chưa có giấy phép hoạt động kinh doanh. Được biết, chủ nhân của các loại giấy tờ được cầm cố, tín chấp để vay tiền sai quy định này chủ yếu là HSSV của các trường trung cấp, CĐ, ĐH trên địa bàn.
Hiện nay, vì thiếu tiền tiêu xài nên nhiều HSSV đã đưa CMND, thẻ sinh viên… đi cầm cố. Mặc dù phải chịu mức lãi suất “trên trời” nhưng do thủ tục đơn giản, nhanh chóng nên ngày càng có nhiều HSSV tìm đến hình thức này. Qua tìm hiểu được biết, khi cầm cố các loại giấy tờ, mức lãi suất thấp nhất là 3.000 đồng/ngày đối với 1 triệu đồng và cao nhất là 8.000 đồng/ngày, tương đương với 292%/năm và mức lãi suất này đã vượt quá 10 lần mức lãi suất tối đa mà pháp luật dân sự quy định.
Thực trạng đáng lên án
Với nhiều sinh viên hiện nay, thẻ sinh viên đã trở thành vật “cứu cánh” khi các em cần tiền. Và có một thực trạng đáng báo động đó là tình trạng HSSV vi phạm pháp luật ngày càng tăng bởi khi không có tiền, các em sẽ mang thẻ sinh viên đi cầm cố. Tuy nhiên, với mức lãi suất cao thì việc trả lãi hàng tháng đã khó, đó là còn chưa nói đến việc lãi mẹ đẻ lãi con. Điều này sẽ khiến cho các em ngày càng bị cuốn sâu vào vòng xoáy của đồng tiền. Đến khi không có khả năng trả nợ, chủ nợ truy đòi, lo sợ bị đuổi học, báo gia đình nên không ít em đã liều lĩnh đi trộm cắp, cướp giật để lấy tiền trả nợ.
Số thẻ HSSV Công an TP Vinh phát hiện khi kiểm tra một tiệm cầm đồ |
Cho đến bây giờ, Nguyễn Văn Q. (SN 1989) vẫn chưa thể quên được cái ngày bị chủ tiệm cầm đồ bắt và giam lỏng vì quá hẹn mà Q. không có tiền trả nợ. Cuối năm 2014, khi đang là sinh viên năm thứ 3 Trường ĐH Vinh, Q. đã đến tiệm cầm đồ Trọng Phúc tín chấp thẻ sinh viên vay 2 triệu đồng, với lãi suất 5.000 đồng/ngày/triệu. Sau một thời gian, tiền lãi cộng với tiền gốc đã gần 8 triệu đồng - số tiền quá lớn đối với 1 sinh viên sống bằng trợ cấp của bố mẹ, vì thế Q. đã bỏ trốn. Chủ tiệm cầm đồ đã cho người đi truy tìm, bắt rồi giam lỏng và đánh đập Q. Khi Q. bị giam lỏng ở nhà nghỉ Ngọc Bích 2, phường Trường Thi, TP Vinh thì cơ quan Công an phát hiện nên đã may mắn được giải thoát.
Mặc dù hiện nay, các trường ĐH, CĐ trên địa bàn đều quy định HSSV khi đến lớp phải mang thẻ, thế nhưng, với muôn vàn cách đối phó, các em vẫn có thể qua khỏi sự kiểm tra của nhà trường. Trước thực trạng đáng báo động này, cần có sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng để dẹp bỏ tình trạng cho vay nặng lãi và các trường cần có sự quản lý chặt chẽ hơn nữa để chấm dứt tình trạng HSSV mang thẻ đi cầm cố.
Phương Thủy