Văn hóa - Giáo dục

Phối hợp giáo dục phạm nhân nữ: Quyền được quan tâm!

08:51, 29/03/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Bằng những việc làm thiết thực, cụ thể và nhân văn, Hội LHPN tỉnh Nghệ An đang xây dựng kế hoạch giáo dục, giúp đỡ phạm nhân nữ đang thụ án trong các trại giam, trước mắt là giúp đỡ cho gần 800 phạm nhân nữ đang thụ án tại Trại giam số 6. Qua đó giúp họ tìm được hướng đi đúng đắn cho bản thân ngay sau khi mãn hạn tù, tái hòa nhập cộng đồng.

Ký kết phối hợp giáo dục phạm nhân nữ giữa Trại giam số 6 với Hội LHPN Nghệ An
Ký kết phối hợp giáo dục phạm nhân nữ giữa Trại giam số 6 với Hội LHPN Nghệ An

Phạm nhân Vi Thị M. (SN 1991) trú tại xã Châu Kim, huyện Quế Phong, hiện đang thụ án tại phân trại số 3, Trại giam số 6 chia sẻ, bản thân học đến lớp 5 thì bỏ học, nhận thức về pháp luật hạn chế và bị người lạ rủ rê nên đã đưa người sang Trung Quốc bán lấy tiền tiêu xài.

Tương tự, phạm nhân Nguyễn Thị Thanh N. (SN 1982) trú tại Hà Nội, lấy chồng năm 16 tuổi, làm kinh doanh khách sạn nên hàng ngày tiếp xúc với đủ loại người, trong đó có nhiều khách hàng nghiện ma túy. Do không cưỡng lại được sự cám dỗ của đồng tiền nên N. đã trở thành “chân rết” đưa ma túy về khách sạn bán cho khách và bị kết án tù.

Sau khi mãn hạn tù chưa lâu, N. nhập trại lần thứ hai, cũng với tội danh cũ. Tâm sự với chúng tôi, phạm nhân N. cho rằng, bản thân sau khi mãn hạn tù trở về với cộng đồng, do mặc cảm quá khứ, không nhận được sự quan tâm, sẻ chia từ mọi người, lại không có công ăn việc làm ổn định nên đã đi trên vết xe đổ của quá khứ.

Đại tá Nguyễn Viết Hoàn, Giám thị Trại giam số 6 chia sẻ, câu chuyện của 2 phạm nhân M. và N. không phải là cá biệt. Trong số 760 nữ phạm nhân đang thụ án tại đây có nhiều thành phần xã hội khác nhau, trong đó phạm nhân nữ là người dân tộc thiểu số, mù chữ, nhận thức pháp luật hạn chế chiếm số lượng không ít.

Bởi vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải tạo, giáo dục và tái hòa nhập cộng đồng đối với phạm nhân nữ, giúp họ ổn định cuộc sống, có việc làm để giảm tỉ lệ tái phạm tội và vi phạm pháp luật, ngày 30/12/2015, Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an đã có Kế hoạch “Phối hợp giáo dục phạm nhân, trại viên nữ, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2016 - 2020”. Hiện thực hóa kế hoạch này, ngày 18/3 đã diễn ra lễ ký kết giữa Trại giam số 6 và Hội LHPN Nghệ An.

Bà Nguyễn Thị Huy, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN tỉnh Nghệ An cho rằng, giúp đỡ, giáo dục phạm nhân nữ đang chấp hành án phạt tù là quyền được quan tâm của mỗi phạm nhân.

Trước mắt, Hội LHPN sẽ chú trọng công tác tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ báo cáo viên, tuyên truyền viên cho cán bộ làm công tác quản lý, giáo dục phạm nhân nữ, qua đó giúp họ hiểu và chia sẻ, thông cảm hơn với các nữ phạm nhân đang cải tạo.

Bên cạnh đó, việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nữ phạm nhân về vai trò, vị thế của bản thân cũng như những phẩm hạnh của người phụ nữ, giáo dục về quyền và nghĩa vụ, bình đẳng giới, kỹ năng sống và kỹ năng phòng, chữa các loại bệnh khi tái hòa nhập cộng đồng là những nội dung sẽ được triển khai.

Một trong những nội dung quan trọng, theo bà Huy là sẽ phối hợp với Trung tâm dạy nghề và Giới thiệu việc làm của Hội LHPN Nghệ An để dạy nghề, giới thiệu việc làm cho phạm nhân nữ sắp chấp hành xong án phạt tù; đồng thời phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo điều kiện cho chị em được vay vốn, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Đối với nữ phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù, Hội LHPN Nghệ An và Trại giam số 6 sẽ tổ chức tư vấn pháp lý, tái hòa nhập cộng đồng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” và tham gia xây dựng “gia đình 5 không, 3 sạch”. Để nâng cao hiệu quả giáo dục phạm nhân nữ, sắp tới, Hội LHPN Nghệ An sẽ xúc tiến thành lập “Câu lạc bộ giúp đỡ người hoàn lương”. Qua đó phối hợp, động viên, giáo dục, giúp đỡ họ có việc làm ổn định, không tái phạm tội và vi phạm pháp luật. 

Được biết, ngay sau khi kế hoạch phối hợp này được ký kết, phần lớn nữ phạm nhân đang thụ án tại Trại giam số 6 rất phấn khởi, yên tâm cải tạo hơn khi có hành lang pháp lý để nương tựa và quan trọng hơn là niềm tin về một tương lai gần khi trở về với xã hội, họ được giới thiệu việc làm để ổn định cuộc sống.

Thiên Thảo

Các tin khác