Văn hóa - Giáo dục

Sa sút đạo đức nghề giáo: Đừng để 'con sâu làm rầu nồi canh'

11:02, 31/03/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Những ngày vừa qua, liên tiếp nhiều scandal liên quan đến các thầy cô giáo, những người mang thiên chức “trồng người” vẻ vang đã khiến dư luận không khỏi băn khoăn, thậm chí lo lắng, bất an về tương lai của con em.

Những “tấm gương mờ”

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra nhiều câu chuyện bê bối liên quan đến giáo viên khiến dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh vô cùng phẫn nộ. Xót xa nhất có lẽ là câu chuyện của thầy giáo Cao Văn D. (32 tuổi), giáo viên hợp đồng dạy môn Tin học của Trường Tiểu học Hưng Bình, TP Vinh.

Đầu tháng 3/2016, có ít nhất 8 phụ huynh trên địa bàn TP Vinh đã đâm đơn tố cáo thầy D. có hành vi dâm ô với con gái họ. Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Ban giám hiệu nhà trường đã làm việc, đối chất với thầy Cao Văn D.. Thầy D. đã thừa nhận có những hành vi “đụng chạm” vào cơ thể các em học sinh nữ trong lúc dạy học tại Trường. Ngay sau đó, nhà trường đã thanh lý hợp đồng với thầy giáo này.

Hình ảnh trò nhổ tóc bạc cho thầy gây tranh cãi ở huyện Quỳnh Lưu (Ảnh cắt từ clip)
Hình ảnh trò nhổ tóc bạc cho thầy gây tranh cãi ở huyện Quỳnh Lưu (Ảnh cắt từ clip)

Một trường hợp khác là thầy giáo Nguyễn Như T., giáo viên dạy môn Thủ công của lớp 2A, Trường Tiểu học Quỳnh Thắng A, huyện Quỳnh Lưu. Thầy T. bị chính đồng nghiệp quay video clip rồi gửi cho Hiệu trưởng để tố cáo.

Cụ thể, theo tường trình của thầy T., do mệt mỏi nên còn khoảng 5 phút cuối giờ học, thầy cho lớp nghỉ tại chỗ. Một học sinh nam thấy thầy gục đầu trên bàn nên tiến đến xoa dầu, sau đó đề nghị nhổ tóc bạc cho thầy và thầy đã đồng ý. Cũng cần nói thêm rằng, việc học sinh nhổ tóc bạc cho thầy, cô giáo là việc làm mang tính nhân văn từ xưa, thể hiện tình cảm thầy trò.

Tuy nhiên, qua câu chuyện của thầy T., đã có nhiều luồng dư luận trái chiều khi cho rằng, việc làm ấy diễn ra ngay trong lớp học, trước mắt rất nhiều học sinh là hình ảnh phản cảm. Đáng chú ý hơn nữa là việc người đồng nghiệp đã quay video clip về cảnh tượng trên để gửi cho Hiệu trưởng, sau đó được phát tán lên mạng xã hội.

Cũng tại địa bàn Nghệ An, chuyện về Hiệu trưởng một trường THCS đánh học trò khuyết tật, hay cựu giáo viên bỏ dạy, thuê hàng chục chiếc xe tự lái để làm giả giấy tờ mang đi bán lấy tiền ném vào “đỏ đen”… khiến dư luận hết sức bức xúc, phẫn nộ. Điều đáng lưu tâm là những sự kiện này xảy ra liên tục, đã thực sự gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự sa sút đạo đức của một bộ phận những người làm công tác “trồng người” hiện nay.

Chỉ là cá biệt

Cũng xin kể một câu chuyện liên quan giữa sự băng hoại đạo đức nghề giáo với dư luận xã hội. Ấy là vào năm 2005, thầy giáo Nguyễn Văn H., quản lý sinh viên của Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Vinh vướng lao lý về tội cưỡng đoạt tài sản. Sự việc này đã gây ám ảnh rất lớn đến nhiều thế hệ sinh viên sau này.

Nói vậy để thấy rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào thì những người làm công tác giáo dục cũng là những người bình thường nên không thể tránh khỏi sai sót, lầm lỡ, bởi “nhân vô thập toàn”. Thế nhưng, quan trọng là hiệu ứng xã hội trước vết trượt của các nhà giáo.

Nếu như thời điểm 10 năm về trước, khi giáo viên “nhúng chàm”, dư luận sẽ bàng hoàng, tiếc nuối và có chiều hướng cảm thông thì hiện nay, trước những hành động phạm vào đạo đức nhà giáo, gần như mọi người đều dửng dưng và nếu có hiệu ứng thì nghiêng về phẫn nộ hơn là cảm thông, chia sẻ.

Dĩ nhiên, trong số hàng vạn nhà giáo đang làm tốt vai trò “trồng người” hiện nay, những bê bối liên quan đến giáo viên chỉ mang tính “con sâu làm rầu nồi canh”. Tuy nhiên, do xuất phát từ đặc thù nghề nghiệp nên xã hội thường có cái nhìn “khắt khe” hơn đối với mỗi hành vi, ứng xử của giáo viên cả ở bên trong lẫn bên ngoài nhà trường. Do vậy, khi có hành vi “lệch chuẩn” trong ngành giáo dục, xã hội lập tức lên án, theo đó niềm tin đối với ngành giáo dục ít nhiều bị lung lay, sứt mẻ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sa sút đạo đức nhà giáo, như cơ chế thị trường, “bệnh thành tích”, sự thiếu kết hợp giữa giáo viên và phụ huynh và quan trọng hơn là do tính cách của từng người, dẫn đến vô hình trung tạo nên những “tấm gương mờ” trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, những trường hợp trên chỉ là thiểu số, song ngành giáo dục cần chấn chỉnh lại. Theo đó, cần có những biện pháp quyết liệt nhằm làm trong sạch hóa đội ngũ nhà giáo để môi trường giáo dục trở lại bản chất vốn có.

Thiên Thảo

Các tin khác