Văn hóa - Giáo dục
'Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ, mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền'
(Congannghean.vn)-Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử của những cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại. Trong nhiều loại vũ khí chống chọi với quân thù, có một thứ khí giới “thanh cao mà đắc lực”, “có sức mạnh hơn mười vạn quân”. Đó là văn chương nghệ thuật, đặc biệt là văn chương, báo chí cách mạng Hồ Chí Minh. Người đã tìm tòi, thử bút trên nhiều thể loại như: Thơ, tiểu thuyết, du ký, truyện viễn tưởng, truyện ngắn, truyện ký, kịch, tiểu thuyết, văn chính luận…
Sinh thời, Hồ Chí Minh thẳng thắn khước từ mọi danh hiệu văn hóa - nghệ thuật. Tuy không chú tâm làm nghệ thuật nhưng sự nghiệp cầm bút vì cách mạng của Người đã để lại cho chúng ta một sự nghiệp văn chương “vô cùng trong sáng và đẹp đẽ”, vô cùng cao thượng và phong phú như chính cuộc đời của Người.
Hồ Chí Minh - nhà báo, nhà thơ vĩ đại của dân tộc |
Hầu hết các tác phẩm của Bác không chỉ là tác phẩm văn học hiện thực mà còn mang tính chính luận, đấu tranh sâu sắc và có hiệu quả như câu nói: “Văn nghệ sĩ cùng là một chiến sĩ”.
Văn thơ là công cụ để giáo dục con người những tư tưởng, tình cảm lành mạnh, cao quý, là phương tiện đấu tranh cách mạng đắc lực; không chỉ là công cụ phản ánh đời sống hiện thực xã hội mà còn là công cụ tốt nhất để truyền bá cách mạng.
Từ những năm đầu ra đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều tác phẩm văn thơ không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn có tính đấu tranh cách mạng to lớn; vừa diễn tả chân thực bản chất của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa thực dân phong kiến, vừa góp phần truyền bá chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa Mác - Lênin cho nhân dân Việt Nam nói riêng và nhân dân thế giới nói chung.
Những tác phẩm văn học nổi tiếng của Người có thể kể đến là: Con rồng tre (1922), Lời than vãn của bà Trưng Trắc, Vi hành (1923), Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Nhật ký trong tù (1942), Đạo đức cách mạng (1958)…
Mỗi tác phẩm được Người viết trong những hoàn cảnh khác nhau nhưng hầu hết đều nhằm đả kích chế độ thực dân Pháp và phong kiến tay sai. Thông qua đó, Người khơi dậy lòng yêu nước trong nhân dân và tinh thần đấu tranh anh dũng của dân tộc.
Bằng những câu chuyện, hình tượng, nhân vật cụ thể và những lời kêu gọi thiết tha, với lối hành văn trong sáng nhưng không kém phần sôi nổi, mang tính châm biếm sắc sảo, Người đã ghi lại tội ác của chủ nghĩa thực dân lúc bấy giờ, tạo thành một bản án kết tội hùng hồn và kịch liệt.
Cùng với đó, Người còn lột tả một cách rõ nét hình ảnh những dân tộc bị áp bức, những người dân vô tội phải chịu kiếp nô lệ, trâu ngựa cho bọn tư bản.
Có thể nói, những tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang theo ánh sáng tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin. Sự phê phán, đả kích trong các tác phẩm được thể hiện với tinh thần chủ động tiến công và quan điểm chính trị sắc bén.
Phải có quan điểm chính trị nhất quán và sự hiểu biết sâu sắc đời sống chính trị của các nước đế quốc, các nước thuộc địa, phải có tài năng nghệ thuật thì Người mới có thể sáng tạo ra những tác phẩm giàu tính chiến đấu đó. Người phê phán xã hội nhưng không luẩn quẩn trong bế tắc mà luôn khơi gợi về một tương lai tươi sáng.
“Văn học là nhân học”. Khi Người dùng ngòi bút của mình để chống lại cái ác, cái xấu trong xã hội cũng là lúc Người đang thực thi vai trò của một người chiến sỹ cách mạng. Mặt trận không tiếng súng này không có máu, nhưng mồ hôi và nước mắt sẽ không lúc nào vơi cạn. Đúng như lời của nhà thơ Sóng Hồng: “Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ, mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”.
Minh Thụ