Văn hóa - Giáo dục

LỄ HỘI ĐỀN CHÍN GIAN (QUẾ PHONG, NGHỆ AN) NĂM 2016

Cõi thiêng nơi 9 bản 10 mường

16:03, 21/03/2016 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Trong số các lễ hội truyền thống ở Nghệ An, lễ hội đền Chín Gian của huyện Quế Phong có phạm vi ảnh hưởng lớn nhất, với quy mô liên vùng vùng Phủ Quỳ xưa. Việc tham gia lễ hội này hàng năm đã trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động tín ngưỡng, nhất là đối với đồng bào dân tộc Thái. Khi về với nơi đây, họ được tìm về nguồn cội, cùng mở hội tế trời, lễ tổ và cầu phúc cho 9 bản 10 mường.

Theo giới học giả, căn cứ lịch trình thiên di của người Thái vào đất Nghệ An và các nguồn sử liệu dân tộc học, truyền thuyết dân gian được lưu truyền qua các câu chuyện về quá trình tạo bản, lập mường của nhân vật Tạo Ló Ỳ và Cắm Lự - Cắm Lạn qua các bài dân ca dân tộc Thái ở Quế Phong, đền Chín Gian đã có gần 700 năm, gắn liền với quá trình khai phá của cộng đồng dân cư người Thái để lập thành 9 mường (Mường Tôn, Mường Quáng, Mường Chừn, Mường Pắn, Mường Puộc, Mường Ha Quèn, Mường Miểng,  Mường Chón, Mường Chòng).

Trong đó, Mường Tôn được xem là mường chủ (mường gốc) của đồng bào Thái. Đây cũng là trung tâm hành chính của các mường và là nơi thực hiện các nghi lễ tâm linh để cầu an, cầu phúc cho nhân dân 9 mường.

Nghi lễ “phắn quái” - lễ chém trâu trong lễ hội
Nghi lễ “phắn quái” - lễ chém trâu trong lễ hội

Đền Chín Gian nằm trên địa phận thuộc bản Khoẳng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Ngôi đền có 9 gian nên đồng bào gọi là Tến Cau - hoong (tức đền Chín Gian), mỗi gian tượng trưng cho một mường.

Truyền thuyết kể lại rằng: Một năm, vào ngày mở hội tế trời, khi chuẩn bị hành lễ hiến trâu, bỗng có con rồng bay đến, cuốn đi con trâu trắng của mường Tôn. Thấy điềm xấu, Tạo Mường liền cho giết trâu làm lễ, khấn xin trời phật, tổ tiên để chuyển dời đền đi nơi khác.

Tương truyền, có con quạ cổ khoang trắng đến gắp miếng xương trâu nơi đền cũ bay đi và thả xuống một ngọn đồi nhỏ phía Nam mường Tôn, còn gọi là Pú Căm (núi vàng), tục gọi là Pú Quái (núi trâu). Vì thế, cuối thế kỷ XVIII, đền được chuyển đến Pú Căm, hay còn gọi là đền Hiến Trâu, thuộc bản Piếng Chào, xã Châu Kim.

Lúc này, đền có kiến trúc nhà sàn 9 gian lợp nứa; thờ Thẻn - phà (thờ trời), Náng Xỉ Đả (con gái trời) và Tạo Ló Ỳ (người có công xây bản lập mường). Năm 1927, đền được tôn tạo lại bằng nhà sàn kê, có 4 hàng cột, 9 gian bằng gỗ lim, lợp tôn. Trải qua thời gian dài với nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, đền dần xuống cấp, trở thành phế tích.

Năm 2004, đền được tôn tạo lại nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Thái vùng Tây Bắc xứ Nghệ. Năm 2008, đền được công nhận là di tích văn hoá cấp tỉnh. Lễ hội đền Chín Gian xưa được xem là nghi lễ quan trọng nhất của đồng bào Thái - Phủ Quỳ nên công tác chuẩn bị cho lễ hội rất được chú trọng và được phân công rõ ràng.

Trước khi diễn ra lễ hội, ngoài việc các mo thông báo cho 9 mường biết về đồ vật cúng lễ, thời gian tổ chức thì các bộ phận khác như: Mo Mường, mo Chà, bà Đống… lo xếp đồ vật tế lễ.

Điểm nổi bật của lễ hội đền Chín Gian không chỉ nằm ở chỗ phạm vi ảnh hưởng khá rộng lớn với số lượng vật hiến tế nhiều mà còn thể hiện ở sự pha trộn màu sắc tín ngưỡng khác nhau. Thực chất ở đây là tính cộng đồng của những người nông dân, đồng thời là một hình thức tín ngưỡng thờ cúng thần, thánh của người Thái lúc bấy giờ.

Điểm nhấn đặc sắc của lễ hội đền Chín Gian ở Quế Phong là lễ "hắp quái", tức lễ hiến trâu. Theo phong tục truyền thống, hàng năm, đến ngày mở hội, 9 mường rước lễ vật lên đền làm lễ tế trời, Tạo Ló Ỳ và tổ tiên các dòng họ của người Thái có công xây bản, lập mường.

Đã thành lệ, lễ vật đầu tiên, không thể thiếu mà dân mường Tôn dâng lên trong các dịp lễ tế trời và Tạo Ló Ỳ là một con trâu cái trắng - vật lễ trong các cuộc cúng tế linh thiêng nhất. Hai mường khác là mường Quáng và mường Puộc cũng hiến trâu trắng nhưng là trâu đực, những mường còn lại cúng trâu đen, nhưng phải là trâu khỏe mạnh.

Sau khi trâu được đưa xuống tắm ở bến sông Tà Tạo (bến Quan), lễ chém trâu diễn ra trong tiếng reo hò của bà con về dự lễ. Hiện nay, nghi lễ chém trâu vẫn được duy trì nhưng việc chém trâu chỉ mang tính chất tượng trưng, đó là đặt rìu lên gáy trâu chứ không còn hình ảnh chém trâu như truyền thống. Đây là điểm mới, thể hiện sự văn minh, tiến bộ trong xã hội hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa của đồng bào nơi đây.

Tại lễ hội đền Chín Gian, bên cạnh phần nghi lễ diễn ra trang nghiêm, mang tính truyền thống là phần hội với các trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia như: Các môn thể thao dân tộc, thi hát dân ca và thi trống, cồng chiêng, khắc luống, thi viết chữ Thái, hội trại thi người đẹp 9 mường đến từ 14 xã, thị trấn trong huyện, thi dệt thổ cẩm giữa 3 huyện.

Lễ hội cũng là dịp để 9 mường trưng bày và giới thiệu các sản phẩm thủ công truyền thống, hàng mỹ nghệ của địa phương như thổ cẩm, mây tre đan, trưng bày, giới thiệu nét văn hoá ẩm thực với các món ăn truyền thống của các xã, thị trấn.

Đồng chí Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết: “Lễ hội đền Chín Gian năm nay được tổ chức từ ngày 22 - 24/3/2016. Đây là sự kiện quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà, thể hiện lòng thành kính của các thế hệ đối với tổ tiên trong công cuộc khai bản, lập mường, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Thái ở vùng Tây Bắc Nghệ An.

Lễ hội còn là dịp để giới thiệu, quảng bá tiềm năng văn hoá du lịch tâm linh, kết hợp du lịch cộng đồng, nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Quế Phong nói riêng và vùng Tây Bắc Nghệ An nói riêng.

Để chuẩn bị cho lễ hội, từ cuối năm 2015, huyện đã ban hành kế hoạch và thành lập Ban tổ chức, phân công nhiệm vụ cho các ban, ngành, đơn vị liên quan; lên kịch bản lễ hội và thông báo mời dự lễ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, Ban tổ chức lễ hội đã xây dựng các phương án tổ chức, quản lý liên quan đến công tác ANTT, chống các hoạt động mê tín, dị đoan… để lễ hội diễn ra an toàn, tiết kiệm, lành mạnh và văn minh.

Đáng chú ý là lễ hội năm nay, ngoài đơn vị huyện còn có sự tham gia hội trại của 2 huyện bạn là Quỳ Hợp và Quỳ Châu, cùng các đại biểu đến từ các huyện Thường Xuân, Như Xuân (Thanh Hóa), các huyện kết nghĩa như Trà Bồng, Tây Trà (Quảng Ngãi)…  

Lễ hội đền Chín Gian là nơi quy tụ tâm thức cộng đồng với nét đẹp văn hoá tâm linh, văn hoá nghệ thuật và những phong tục, tập quán cổ truyền đặc sắc. Đến với lễ hội là trở về với cội nguồn của dân tộc Thái ở miền Tây Nghệ An.

Việc tổ chức thành công lễ hội đền Chín Gian không chỉ đáp ứng niềm mong mỏi của nhân dân địa phương mà còn góp phần ôn lại truyền thống, giáo dục con cháu về lòng yêu nước, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tinh thần tự hào dân tộc và trách nhiệm của mỗi người dân đối với quê hương; đồng thời thỏa mãn nhu cầu tâm linh của đông đảo du khách thập phương khi đến với miền Tây xứ Nghệ.

Xuân Thống

Các tin khác