(Congannghean.vn)-Ở xóm 12, xã Hưng Lộc, TP Vinh, có một địa điểm hiện vẫn đang thờ tự 34 cán bộ lão thành cách mạng và người có công. Họ là những “hạt giống đỏ” của một trong gần 400 chi bộ, tổ chức Đảng của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tuy đã về với cõi vĩnh hằng nhưng tên tuổi của những lão thành cách mạng một thời làm nên lịch sử vẫn được lưu truyền đến ngày nay và cả mai sau.
Họ là những cán bộ cốt cán đến từ những địa danh “đi đầu dậy trước” ở Nghệ An và Hà Tĩnh những năm 1930 - 1931 trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, thời điểm mà các tầng lớp nhân dân các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Diễn Châu, Nghi Lộc (Nghệ An), Can Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh)… đứng lên biểu tình, đấu tranh chống lại thực dân Pháp và phong kiến, đập tan ách cai trị của bộ máy tay sai.
Cán bộ Trung tâm công tác xã hội tỉnh thắp hương, tưởng vọng tại ngôi nhà thờ chung 34 cán bộ lão thành cách mạng |
Đến nay, tên tuổi của các cụ vẫn được lưu lại trong những trang sử hào hùng của dân tộc, gắn liền với các tổ chức như “Công hội đỏ”, “Nông hội đỏ”, “Sinh hội đỏ”, “Phụ nữ giải phóng”, “Tự vệ đỏ”…, trực tiếp chỉ huy các cuộc biểu tình, diễn thuyết, đấu tranh đòi quyền lợi, chống lại chế độ thực dân phong kiến mà đỉnh cao là phong trào biểu tình của hơn 8 vạn người dân vào ngày 12/9/1930. Để đền đáp công lao của các bậc lão thành cách mạng thời kỳ 1930 - 1931, từ năm 1987, Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh đã xây dựng khuôn viên khu an dưỡng tại xóm 12, xã Hưng Lộc, TP Vinh để phụng dưỡng, chăm sóc các cụ.
Thế nhưng, khi về với mái nhà chung, hầu hết các cụ đều đã tuổi cao, sức yếu. Dù đã được chăm sóc tận tình nhưng vì quy luật “sinh lão bệnh tử”, các cụ lần lượt về với cõi vĩnh hằng. Bây giờ, trong khuôn viên khu dưỡng lão, có một nơi thành kính, trang nghiêm để thờ tự, hương khói cho các cụ. Tên tuổi của 34 cụ ông, cụ bà lão thành cách mạng được khắc bia, truyền thần, bày trí bài vị tại một ngôi nhà thờ chung.
Tháng 10/2011, cụ Nguyễn Thị Em quê ở xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, cán bộ lão thành cách mạng cuối cùng trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh được nhận về khu an dưỡng Tỉnh ủy trong suốt hơn 20 năm qua qua đời. Sau đó, nơi đây đã được bàn giao cho Trung tâm công tác xã hội tỉnh. Đây cũng là giai đoạn mà nhà thờ chung của 34 lão thành cách mạng được sửa sang, nâng cấp. Phát nguyện tâm đức, thấm đậm tấm lòng “Trung hiếu nhất tâm” của các lão thành cách mạng một thời vì dân, vì nước, năm 2013, ông Lê Trung Thực, Giám đốc Trung tâm công tác xã hội tỉnh đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân chung tay tiến hành trùng tu, ghi danh tên tuổi của 34 con người hiếu nghĩa trên bia đá để tỏ lòng thành kính.
Giờ đây, rất nhiều người dân đã đến thắp hương, tưởng vọng các cụ ông, cụ bà Lê Thị Yêm, Nguyễn Thị Dĩnh, Đặng Thị Ba, Nguyễn Thị Hoà, Nguyễn Thị Ba, Phạm Thị Quý, Hoàng Thị Nhỏ, Nguyễn Thị Đính, Nguyễn Thị Tơng, Nguyễn Thị Bính, Đinh Thị Dị, Nguyễn Thị Hồng Tam, Nguyễn Thị Thường, Nguyễn Thị Nhuận, Nguyễn Thị Sinh, Nguyễn Thị Em, Nguyễn Thị Tư, Bạch Thị Tam, Nguyễn Bá Đào, Đinh Văn Du..., những tên tuổi một thời gắn liền với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Còn riêng với tập thể các cán bộ từng chăm sóc, phụng dưỡng các lão thành cách mạng một thời, họ vẫn chưa thể quên hình ảnh các cụ lúc còn sống cũng như khi lâm chung.
Chị Trương Thị Cẩm Hà, người có thâm niên trên 20 năm trực tiếp chăm sóc các cụ tâm sự: “Trước khi vào đây, các cụ ông, cụ bà đều tuổi cao sức yếu nhưng vẫn ngời sáng tinh thần Xô Viết và luôn nhắc nhở chúng tôi sống tốt. Bây giờ, dù các cụ đã mất, nhưng chúng tôi vẫn nguyện thờ phụng, hương khói cho các cụ như người thân trong gia đình. Những năm trước, mỗi khi một trong số các cụ trút hơi thở cuối cùng, chúng tôi đã trực tiếp khâm liệm, chôn cất các cụ một cách chu đáo. Không chỉ hàng ngày chăm lo việc hương khói mà ngày rằm, ngày lễ, các cán bộ, nhân viên ở đây đều rất chu toàn”. Đó cũng là tâm sự chung của các chị, các anh một thời được gần gũi, chăm sóc 34 cán bộ lão thành cách mạng và người có công trong hơn 20 năm về trước. Các cán bộ lão thành cách mạng thực sự là những “tượng đài” để con cháu tưởng niệm, ghi công.
Không chỉ vậy, nơi đây còn trở thành địa chỉ đỏ, giáo dục truyền thống cách mạng cho đông đảo học sinh đến thắp hương, tưởng vọng những người con Xô Viết Nghệ Tĩnh đã anh dũng hy sinh. Mỗi câu chuyện, mỗi tên tuổi được ghi danh trên hương án thờ tự các cụ lão thành cách mạng đều là minh chứng lịch sử về tinh thần đấu tranh, hy sinh anh dũng của thế hệ đi trước - những người đã làm nên cuộc biểu tình “long trời, lở đất” một thời, trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống thực dân, phong kiến của dân tộc.