Văn hóa - Giáo dục

Nhân Quốc lễ giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 (ÂM lỊCH)

Nghệ An hướng về đất Tổ

09:06, 27/04/2015 (GMT+7)
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ 
                     mồng mười tháng ba”
 
Câu ca dao trên được mỗi người dân Việt lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhắc nhở chúng ta dù đi đâu, làm gì cũng phải nhớ về lễ hội đền Hùng, hay còn gọi là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ công lao dựng nước của các vua Hùng. 
 
Lịch sử thế giới hiếm có dân tộc nào có tín ngưỡng thờ Tổ độc đáo như ở Việt Nam. Bởi vậy, phải nhìn nhận nó như một hiện tượng xã hội mang bản sắc riêng của Việt Nam, góp phần tạo nên giá trị tinh thần và bản lĩnh văn hóa Việt. Theo truyền thuyết thì Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem là Thủy Tổ người Việt, cha mẹ của các vua Hùng. Lễ hội đền Hùng, còn được gọi là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày 10/3 (âm lịch) hàng năm tại đền Hùng, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Đền Hồng Sơn, nơi tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Nghệ An
Đền Hồng Sơn, nơi tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Nghệ An
Trước đó, lễ hội đã diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa dân gian và kết thúc vào ngày 10/3 (âm lịch), với lễ rước kiệu và dâng hương tại đền Thượng. Hàng năm, vào ngày này, người dân cả nước đều hướng về đền Hùng để thể hiện lòng thành kính, tri ân các vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước. Trong hồ sơ trình UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hoá thế giới, đã nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính với tổ tiên, theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt. 
 
Theo đánh giá của UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí. Đó là, di sản có giá trị nổi bật, mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Vì vậy, ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ đó, lễ hội đền Hùng đã được thế giới biết đến và công nhận. Giỗ Tổ còn là dịp để quảng bá tới bạn bè thế giới về một di sản có giá trị lịch sử hàng nghìn năm, là đạo lý, nét đẹp truyền thống của đồng bào cả nước.  
 
Hòa trong không khí thiêng liêng của cả nước hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 28/3, tức 10/3 âm lịch, tại di tích lịch sử Quốc gia đền Hồng Sơn (TP Vinh), UBND TP Vinh phối hợp với Ban quản lý phường Hồng Sơn long trọng tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. 
 
Là ngôi đền cổ có kiến trúc thời Nguyễn, đền Hồng Sơn là ngôi đền duy nhất trên địa bàn TP Vinh thờ các vị vua Hùng. Hiện nay, tại đền đang thờ long ngai, bài vị 18 đời vua Hùng tại cung trung điện thay vì thờ tượng vua như trước đây, đúng với nguyện vọng của người dân. Cũng như mọi năm, năm nay, lễ Giỗ Tổ sẽ được tổ chức trang trọng, linh thiêng, quy mô cấp thành phố với đầy đủ các nghi thức dâng hoa, dâng hương, đại tế, tiến nước, tiến cỗ, dâng bánh chưng, bánh dày trước bàn thờ vua Hùng.
 
Buổi lễ sẽ có sự tham dự của tất cả các phường, xã trên địa bàn TP Vinh. Mỗi đơn vị đều có một mâm lễ vật để dâng lên tế vua Hùng. Bên cạnh phần lễ, còn có lễ khai quang, yết cáo, lễ tưởng niệm và lễ đại tế. Lễ đại tế là nghi thức quan trọng nhất của buổi lễ. Trong lễ hội đền Hùng thì đội tế bắt buộc là nam, đó là những cựu chiến binh đã cao tuổi nhưng vẫn thực hiện các động tác rất thuần thục, bài bản và chuyên nghiệp. Để những nghi thức của đại lễ được tổ chức trang nghiêm, đội tế lễ đã tập luyện tích cực cách đây hơn một tháng. Sau phần lễ chính là màn hát chầu văn.
 
Bên cạnh phần lễ, phần hội sẽ diễn ra với nhiều trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, bóng chuyền, thu hút đông đảo người dân tới xem và cổ vũ. Đây là một hoạt động văn hóa tâm linh mang đậm bản sắc văn hóa Việt hướng về cội nguồn, ngợi ca và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các vua Hùng cũng như các thế hệ anh hùng dân tộc đã chiến đấu anh dũng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước và trong ngày Giỗ Tổ, Ban tổ chức dự kiến sẽ đón hơn một nghìn lượt người dân và du khách thập phương đến dâng hương, vãn cảnh.
 
Ông Hồ Công Tiến, Phó ban quản lý đền Hồng Sơn cho biết: Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch hàng năm tại đền Hồng Sơn là hoạt động văn hóa tâm linh đặc biệt của nhân dân thành phố và các vùng lân cận hướng về cội nguồn dân tộc, để cùng cầu nguyện “quốc thái, dân an”. Đồng thời, đây cũng là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Với sự chủ động phối hợp của các lực lượng chức năng, hy vọng lễ Giỗ Tổ năm nay sẽ diễn ra trọng thể, đúng nghi thức và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đại biểu và người dân trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. 

Huyền Thương

Các tin khác