Văn hóa - Giáo dục
CIA và điệp vụ nghe lén tại Nghệ An: Toi công
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, miền Bắc vẫn là mục tiêu tối quan trọng đối với Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Để theo dõi mọi động thái quân sự, chính trị, ngoại giao của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam), dưới đất họ tung ra miền Bắc hàng chục toán biệt kích, ngoài biển là lớp lớp tàu trinh sát thuộc Hạm đội 7, còn trên trời là máy bay do thám U2.
Tuy nhiên, những tin tức thu lượm được chưa làm hài lòng giới cầm quyền nước Mỹ. Vì thế, năm 1972, CIA đã thực hiện một kế hoạch liều lĩnh: Đó là cử một nhóm biệt kích gồm 2 người xâm nhập tỉnh Nghệ An để cài đặt thiết bị nghe lén vào đường dây điện thoại…
1. Trong suốt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, tin tức về miền Bắc Việt Nam do các cơ quan tình báo Mỹ như tình báo Lục quân, Hải quân, Không quân, CIA, NSA… thu được rất ít ỏi. Một phần vì quân dân miền Bắc không ngừng nâng cao tinh thần cảnh giác.
Mặt khác, các nhà lãnh đạo Hà Nội hạn chế sử dụng sóng vô tuyến trong thông tin liên lạc đến mức tối đa vì họ biết hệ thống trinh sát điện tử của người Mỹ đặt tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, các trạm thu tin trên đất Lào và các tàu mã thám thuộc hạm đội 7 thường xuyên lảng vảng ở ngoài khơi vịnh Bắc Bộ có thể dễ dàng bắt được tần số của các sóng này, và đội ngũ chuyên viên giải mã của Mỹ đều là những người giỏi.
Vì vậy, phần lớn mệnh lệnh chỉ huy chiến đấu của Quân đội nhân dân, của Lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đều thông qua mạng lưới điện thoại hữu tuyến.
Điều này có cái bất lợi là phải rải dây - lắm khi dài cả trăm kilômét, xuyên qua đèo cao, dốc thẳm, rừng già…, đồng thời phải thường xuyên túc trực một đội quân vừa đề phòng biệt kích phá hoại, vừa làm nhiệm vụ bảo trì, sửa chữa, thay thế nếu chẳng may nó bị đứt hoặc hở mạch.
Chiếc trực thăng Hughes 500 số hiệu N351X tại căn cứ PS-44, Pakse, Lào trước ngày xâm nhập tỉnh Nghệ An. |
Tuy nhiên, ưu điểm do đường dây hữu tuyến mang lại là đối phương khó có thể nghe lén vì nếu muốn nghe lén, người Mỹ phải cử kỹ thuật viên đến tận nơi, sờ tận tay nhưng đó là chuyện không tưởng, chưa kể khi bộc lộ phần lõi bằng đồng hoặc bằng kim loại khác bên trong sợi dây để kết nối thiết bị nghe lén, nó sẽ tạo ra nhiễu - dù chỉ một thời gian rất ngắn nhưng vẫn có thể khiến người trực tổng đài nghi ngờ.
2. Đầu tháng 2/1971, trong một phi vụ do thám trên bầu trời miền Bắc Việt Nam, máy bay U2 đã chụp một loạt ảnh tại một khu vực cách thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An khoảng 46km về phía tây nam.
Phân tích những bức ảnh này, chuyên viên không ảnh ở căn cứ Clark, Philippines nhận thấy có một đường dây điện thoại được mắc trên những thanh ngang, đóng vào những cây cột bằng gỗ cao khoảng 4m, nhìn như những cây thập giá.
Cạnh đó là một con đường đất nhỏ, có lẽ dành cho xe đạp chạy song song với những cột điện thoại. Đường dây ấy kéo dài đến gần con sông Lam rồi đi lên một sườn núi.
Đến đoạn này, con đường đất kết thúc, có lẽ do địa hình quá dốc đối với xe đạp, còn những cột điện thoại thì tiếp tục đi sâu vào trong núi. Tại đây, có một căn nhà nhỏ, xây bằng gạch không tô, nằm ẩn khuất dưới những tán lá. Và do rừng quá rậm rạp nên những bức ảnh không cho biết đường dây điện thoại ấy còn kéo dài đến đâu.
Từ lâu, CIA đã biết Nghệ An là một trong những điểm tập kết người, vũ khí cùng hàng tiếp liệu chi viện cho chiến trường miền Nam bằng cách qua Lào rồi đi vào một tỉnh nằm ở bắc Tây Nguyên là Kon Tum.
Trong hồ sơ "Im lặng số 1 - Những bí mật của cuộc chiến Việt Nam - Quiet One - The Secrets in Vietnam War", báo cáo của sĩ quan do thám điện tử McTunler gửi Lầu Năm Góc đã viết: "Đây chắc chắn là hệ thống thông tin liên lạc, chỉ đạo những cuộc hành quân sang Lào và đây cũng là địa điểm lý tưởng để đặt thiết bị nghe lén".
Liên tục trong suốt tháng 2, máy bay do thám U2 chụp thêm hàng trăm tấm ảnh về đường dây điện thoại.
Qua phân tích, các chuyên viên không ảnh nhận thấy việc tuần tra bảo vệ không tuân theo quy luật nào. Có khi là hai người đàn ông trên một chiếc xe đạp, vai đeo súng trường CKC, sáng sớm chạy đến cạnh con sông Lam thì dừng lại, ở đó khoảng nửa tiếng rồi quay về. Cũng có khi một tốp vài người có vũ trang, từ căn nhà trên sườn núi đi bộ xuống vào buổi chiều.
Biệt kích Lào thực tập lắp đặt thiết bị nghe lén. |
Đặc biệt nhất là những tấm ảnh chụp một nhóm kỹ thuật viên sửa chữa đường dây. Họ dùng hai chiếc thang bằng tre chụm vào nhau theo hình chữ V ngược rồi một người trèo lên, còn vài người giữ thăng bằng ở phía dưới.
Các bức ảnh cho thấy những đoạn dây cần sửa chữa đều nằm ở giữa hai cột, bị đứt do nhánh cây rừng rơi xuống hoặc do lâu ngày, dưới tác động của sức nóng mặt trời, lớp nhựa bọc dây lão hóa, bong tróc ra. Khi gió thổi mạnh, hai sợi dây thỉnh thoảng lại chập vào nhau gây đoản mạch.
Thời điểm này, Ngoại trưởng Mỹ là Henry Kissinger đã có những cuộc gặp riêng với đại diện Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thủy nên Tổng thống Richard Nixon cũng như Lầu Năm Góc và CIA rất muốn biết các động thái của Quân Giải phóng trên chiến trường miền Nam Việt Nam, nhất là nếu Hiệp định Paris được ký kết. Vì vậy, việc nghe lén điện thoại lại càng thêm cấp thiết.
Theo chuyên gia phân tích của CIA là Dustin Kane thì: "Biết trước được những hành động của đối phương sẽ giúp chúng ta có lợi thế hơn nếu cần phải đánh phủ đầu, cũng như trong đàm phán".
Đến tháng 4/1971, một kế hoạch đã được CIA lập ra. Đó là một tấm pin mặt trời đường kính chỉ 10cm sẽ được lắp vào một đỉnh cột điện thoại để cung cấp năng lượng cho một máy thu, phát sóng cũng chỉ nhỏ bằng nửa bao thuốc lá đặt kế bên. Tất cả đều ngụy trang cho giống với màu sắc cây cột và nếu chỉ nhìn lướt qua, rất khó phát hiện.
Do máy thu, phát sóng nhỏ, công suất yếu, CIA sẽ thiết lập một trạm khuếch đại tín hiệu trên đất Lào rồi từ trạm này, những cuộc đàm thoại nghe lén được sẽ chuyển tiếp về Thái Lan.
Vẫn theo sĩ quan do thám điện tử McTunler: "Kế hoạch hoàn hảo đến nỗi chúng tôi tưởng như việc đặt thiết bị nghe lén sẽ chẳng gặp một trở ngại gì, giống như bạn leo lên nóc nhà mình để dựng một ăng ten thu tín hiệu truyền hình vậy".
Tuy nhiên, làm thế nào để có thể đặt thiết bị nghe lén một cách an toàn, không bị phát hiện? Rút kinh nghiệm những toán biệt kích gửi ra Bắc đều bị bắt hoặc sau khi nhảy xuống đất, mọi liên lạc với trung tâm chỉ huy ở Sài Gòn cũng im luôn nên phương án sử dụng kỹ thuật viên từ lãnh thổ Lào, vượt biên giới bí mật tiếp cận với đường dây điện thoại bị bác ngay từ đầu.
Với phương án một cuộc đột kích chớp nhoáng, bắt cóc một hay vài người dân ở những khu vực xung quanh rồi mua chuộc và huấn luyện họ cách thức cài đặt thiết bị nghe lén cũng bị xem là ảo tưởng bởi lẽ cuộc đột kích ấy chắc chắn không thể giữ bí mật được lâu khi gia đình của những người bị bắt cóc không thấy chồng, cha, anh, họ về, mà thời gian để mua chuộc, dụ dỗ, huấn luyện lại không chỉ một ngày một bữa.
Sau nhiều cuộc họp bàn bạc, tranh luận dựa trên những dữ kiện do nhóm chuyên viên phân tích không ảnh cung cấp, những người đứng đầu CIA chọn phương án tiếp cận đường dây điện thoại bằng trực thăng.
Một bức không ảnh do máy bay U2 chụp con đường đất và các cột điện thoại ở Nghệ An. |
Một chiếc trực thăng bay ở chế độ bay treo - nghĩa là đứng yên một chỗ ngay trên cột điện thoại, thả kỹ thuật viên xuống bằng thang dây, lắp đặt thiết bị nghe lén rồi lại bay lên ngay xem ra khả thi.
Tuy nhiên, với những loại trực thăng của Hãng Hàng không Mỹ (Air America) - là hãng hàng không có vỏ bọc dân sự, hoạt động dưới sự chỉ huy trực tiếp của CIA - có thể thực hiện phương án này là Bell 205, H 34, UH thì tiếng ồn do động cơ gây ra quá lớn, ai cũng nghe được trong phạm vi bán kính đến vài kilômét.
Cuối cùng, CIA quyết định chọn loại trực thăng OH6A - Loach để tiến hành việc nghe lén, và kế hoạch nghe lén mang mật danh là "Chính lộ - Main Street".
3. Được Hãng Hughes, Mỹ, chế tạo, trực thăng OH6 có thể đảm nhiệm các chức năng tấn công, hộ vệ và trinh sát. Nó được trang bị động cơ Allison T68-A5A công suất 317 mã lực, trọng lượng rỗng là 696kg, tải trọng tối đa 1.610kg. OH6 có thể bay với vận tốc 282km/giờ và hoạt động trong phạm vi 430km.
Được vũ trang bằng 2 súng máy M60 hoặc 1 đại liên minigun 6 nòng, hoặc 2 đại liên 12,7mm cùng 14 quả rốckét 70mm Hydra và 4 tên lửa chống tăng TOW hay tên lửa Hellfire nên vì thế, OH6 có hỏa lực khá mạnh. Hơn nữa, nó còn được lắp đặt một thiết bị "phun lưới bắt người".
Nếu phát hiện 1 hoặc 2 người đang di chuyển trên một địa hình trống trải và nếu nghi ngờ đó là du kích, phi công sẽ cho máy bay sà sát xuống rồi bấm nút phun lưới.
Tấm lưới làm bằng sợi kelva mảnh như sợi chỉ nhưng sẽ thít chặt vào thân thể người bị bắt, càng giãy giụa nó càng thít chặt hơn, thậm chí cứa đứt da. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam cùng người dân gọi OH6 là trực thăng "cán gáo" bởi lẽ hình dạng nó giống một quả trứng với cái đuôi mỏng manh, nhìn y như cái gáo múc nước.
Khi đưa vào sử dụng tại chiến trường miền Nam Việt Nam, người Mỹ đã cho in những tờ truyền đơn bằng tiếng Việt, rải xuống những vùng giải phóng, tuyên truyền rằng OH6 có thể "bay thụt lùi rồi dùng cánh quạt đuôi quậy nát những vách nhà bằng tranh hoặc lá dừa nước để phát hiện du kích Việt Cộng ẩn náu bên trong".
Tuy nhiên, đó là chuyện thổi phồng nhằm tạo ra hoang mang tâm lý bởi lẽ bay thụt lùi thì được, nhưng cánh quạt đuôi nếu chém vào những thân tre dùng làm cột nhà sẽ bị cong, thậm chí còn có thể gãy. Khi ấy, việc triệt tiêu mô men xoắn do cánh quạt chính tạo ra sẽ mất, và trực trăng sẽ xoáy trôn ốc trước khi cắm đầu xuống đất.
Trở lại chuyện xâm nhập tỉnh Nghệ An, thời điểm ấy Air America đang sở hữu 2 chiếc trực thăng OH6, nhưng là phiên bản dành cho dân sự, không vũ trang, được định danh là Hughes 500.
Khi quyết định chọn loại máy bay OH6 làm con át chủ bài cho việc cài đặt thiết bị nghe lén điện thoại, CIA lấy cả hai chiếc Hughes 500 của Air America rồi chuyển cho Hãng Hughes, cấp cho họ 200 nghìn USD, yêu cầu họ làm thế nào để giảm bớt đến mức tối đa tiếng ồn do động cơ gây nên.
Suốt 3 tháng làm việc cật lực, bộ phận chuyên gia của Hughes đã thành công bằng cách thay đổi cấu trúc của cánh quạt, từ 2 lá tăng lên 4 lá, đồng thời lắp đặt thêm một bánh răng có tác dụng làm giảm vận tốc quay của cánh quạt đuôi, bố trí thêm một thùng xăng phụ trong khoang hành khách để kéo dài thời gian hoạt động, ống xả cũng được kéo dài về phía sau với những vách ngăn "lá sách" nhằm giảm tiếng ồn. Sau khi hoàn thành, chiếc Hughes 500 được đặt tên là "Im lặng số 1 - Quiet One".
Tiến hành bay thử, Hãng Hughes chọn một khu ngoại ô giàu có ở thành phố Los Angeles, nơi cư dân không ngớt than phiền về những tiếng động ầm ĩ của trực thăng cảnh sát tuần tra, bay ở độ cao thấp.
Kết quả ngoạn mục đến nỗi trong suốt 7 ngày kể từ lúc tiến hành bay thử, người dân ở khu ngoại ô này đã hỏi nhau, rằng không biết ngân sách thành phố có cắt giảm tiền xăng cho trực thăng tuần tra hay không mà cả tuần lễ chẳng thấy bóng dáng một chiếc nào…
4. Sau khi hoàn chỉnh hai chiếc trực thăng Hughes 500 Quiet One, dựa vào những bức không ảnh chụp đường dây điện thoại tại Nghệ An, CIA cho dựng một sa bàn sát với kích thước, giống như thật, kể cả một đoạn sông Lam cũng được đào nhưng không có nước, nằm sát một ngọn núi trong căn cứ bí mật "Vùng 51 - Air Force Area 51" thuộc bang Nevada.
Để che mắt vệ tinh trinh sát Liên Xô mỗi ngày bay qua nước Mỹ 6 lần, CIA ngụy trang sa bàn thành một phim trường, đang thực hiện quay một bộ phim hành động với những chiếc xe sơn màu trắng, bên hông có hàng chữ to đùng Paramount - là tên một hãng phim ở Hollywood, Mỹ - cùng hệ thống đèn rọi cỡ lớn và hàng chục tấm panô chiếu sáng, hàng dãy nhà tiền chế, đặt lộ thiên ngoài trời.
Tháng 8/1971, hai phi công người Đài Loan thuộc Không đoàn 34 Trung Hoa Dân quốc được gọi sang Nevada. Hướng dẫn cho họ tập bay trên chiếc Hughes 500 Quiet One là hai phi công kỳ cựu của Air America: Lloyd George Anthony Lamothe Jr. và Daniel H. Smith. Bên cạnh đó, hai biệt kích người Lào cũng được gọi sang để huấn luyện cách thức lắp đặt thiết bị.
Đến lúc này, Hãng Hughes lại đưa ra một cải tiến. Thay vì thả biệt kích xuống trụ điện thoại để lắp đặt thiết bị nghe lén bằng thang dây thì họ gắn ở hai bên cửa trực thăng, mỗi bên một tấm kim loại bằng nhôm tựa như chiếc ghế.
Biệt kích ngồi trên ghế này chỉ cần khom người xuống thao tác trong lúc trực thăng vẫn bay treo tại chỗ. Bên cạnh đó, Hughes 500 Quiet One còn được lắp đặt camera hồng ngoại FLIR để bay đêm.
Daniel H. Smith kể: "Từ độ cao 500m, tôi dạy phi công Đài Loan cách hạ xuống mục tiêu thật nhanh rồi giữ cho trực thăng đứng yên trong 2 phút. Sau đó lên ngay. Cũng có khi tôi cho họ bay cách mặt đất 2m rồi đột ngột bốc lên 4,5m, điểm dừng ngay trên đỉnh cột điện thoại".
Zuckerman, sĩ quan phụ trách huấn luyện lắp đặt thiết bị nghe lén nói: "Trong hơn 90 lần thực tập, thời gian lắp đặt hoàn chỉnh của biệt kích Lào trung bình là 1 phút 18 giây. Đến giai đoạn cuối, họ rút xuống còn 1 phút 6 giây nhưng tôi sẽ cố gắng để họ thực hiện chỉ trong 1 phút".
Những phi vụ huấn huyện được ngụy trang thành những chuyến bay tiếp tế. |
Tháng 10/1971, CIA chuyển hai chiếc Hughes 500 đến căn cứ không quân thuộc Không đoàn 34 ở Đài Loan. Tại đây, phi công Đài Loan tiếp tục tập bay đêm, bay trong điều kiện thời tiết xấu, gió thổi mạnh hoặc sương mù.
Kết quả cho thấy trong điều kiện thời tiết bình thường, khi đã vào đến mục tiêu, việc lắp đặt thiết bị nghe lén tính từ lúc Hughes 500 bắt đầu bay treo trên đỉnh cột cho đến khi hoàn tất, thời gian chỉ là 1 phút 4 giây. Nếu có sương mù đậm, thời gian là 1 phút 27 giây, còn nếu gió thổi với tốc độ 15m/giây thì thời gian xấp xỉ 2 phút.
5. Một tối tháng 5/1972, hai chiếc Hughes 500 mang số hiệu N351X và N352X được chuyển đến Thái Lan. Sau khi lấy thêm nhiên liệu, nó bay sang Lào cùng với một máy bay vận tải C130 chở theo các chuyên gia kỹ thuật.
Don Stephens, người quản lý hai chiếc Hughes 500 tại căn cứ bí mật PS-44 của CIA ở tỉnh Pakse, Lào kể lại: "Khi nó hạ cánh, tôi đã cố gắng lắng nghe xem tiếng động cơ phát ra từ hướng nào nhưng tôi không thể nghe thấy. Mãi đến khi nó chỉ còn cách tôi chừng 200 mét, tôi mới biết có một chiếc trực thăng đang ở trên đầu mình".
Rod Taylor, kỹ sư dự án của Hãng Hughes nói thêm: "Trong căn cứ, chiếc Hughes 500 cất, hạ cánh lúc nào, chẳng ai biết".
Căn cứ PS-44 nằm trên một ngọn đồi, ba mặt đều là dốc đứng, cách thị trấn Pakse khoảng hơn 30km về phía đông nam, gồm những dãy nhà lợp tôn dành cho quân phòng vệ người Mông của Vàng Pao, một đường băng dã chiến làm bằng những tấm vỉ sắt ghép lại, một kho chứa xăng và một trạm kiểm soát không lưu.
Lớp bụi đất bốc lên sau mỗi lần máy bay lên xuống khiến căn cứ ngập trong một màu vàng bẩn thỉu. Hai phi công Đài Loan được phép ra thị xã Pakse chơi bời nhưng được lệnh giữ bí mật tuyệt đối về những gì họ sắp sửa làm, còn hai biệt kích kiêm kỹ thuật viên người Lào thì bị giam lỏng trong một căn phòng vì họ là mấu chốt của kế hoạch nghe lén.
Dick Casterlin, phi công của Air America nhớ lại: "Phần lớn địa điểm chơi bời của chúng tôi là các nhà thổ ở Pakse với những cô gái điếm người Thái. Thường thì chúng tôi không ai nói với họ là mình ở đâu, làm gì. Ngay giữa phi công với nhau, chúng tôi vẫn chỉ gọi nhau bằng nickname (biệt danh), còn với CIA, chúng tôi là "khách hàng".
Lúc này, tin tình báo của CIA cho biết một đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam và một đơn vị Quân đội nhân dân Cách mạng Lào (Pathet Lào) đã xuất hiện cách Pakse khoảng 35km về phía bắc. Tuy nhiên, nếu đối phương muốn tiến công căn cứ PS-44 thì chỉ có thể xông vào từ một hướng duy nhất là hướng tây nhưng hướng này đã có 6 đồn lính Vàng Pao làm nhiệm vụ bảo vệ.
Dẫu vậy, để đề phòng, thỉnh thoảng mới có những buổi bay tập vào ban ngày nhưng camera hồng ngoại và hai băng ca được tháo ra rồi ngụy trang như những chuyến bay tiếp tế thực phẩm nhằm đánh lạc hướng điệp viên Hà Nội có thể ở đâu đó quanh vùng.
Theo Stephens, sĩ quan quản lý hai chiếc Hughes 500 Quiet One, máy bay được đặt trong một nhà chứa (hangar) và được che giấu rất kín đáo nhằm tránh con mắt soi mói của vệ tinh do thám Liên Xô
Nhưng xui rủi thay, trong một lần bay tập lúc chập choạng tối, chiếc Hughes 500 số hiệu N352X khi hạ cánh đã bị hỏng cánh quạt chính vì va vào một ngọn cây rồi rơi xuống một vũng lầy.
Theo Hãng Hughes, việc sửa chữa có thể kéo dài trong nhiều tuần lễ nên vì vậy, kế hoạch nghe lén sẽ phải thực hiện mà không có trực thăng dự phòng. Chưa kể hai phi công Đài Loan liên tục cãi nhau về việc ai sẽ là người lái chính trên chiếc Hughes 500 Quiet One còn lại.
Lamothe, người huấn luyện cho hai phi công ấy kể: "Cuối cùng, CIA quyết định loại họ ra khỏi cuộc chơi bằng cách đưa họ sang căn cứ Guam, giam lỏng ở đó cho đến khi kế hoạch nghe lén kết thúc. Việc xâm nhập Nghệ An được giao cho tôi và Daniel H. Smith".
Sáng ngày 1/6/1972, CIA chỉ đạo Hãng Air America chuyển đến căn cứ PS-44 một trực thăng Sikorsky S-58T "Twin Pack" làm nhiệm vụ giải cứu nếu chiếc Huges 500 N351X Quiet One bị bắn rơi.
Người trực tiếp điều hành kế hoạch lắp đặt thiết bị nghe lén là James Glerum, trợ lý chỉ huy CIA tại Udorn Thani, Thái Lan. Ông nói: "CIA hy vọng có thể nghe được những cuộc điện thoại của người Bắc Việt Nam trước khi mùa mưa bắt đầu nhưng một loạt rủi ro xảy ra, cộng thêm gió mùa đến sớm nên chuyến bay đã bị trì hoãn".
6. Cuối cùng, gần nửa đêm ngày 5/6/1972, Lamothe và Smith lái chiếc Hughes 500 N351X cất cánh từ căn cứ PS-44 với hai biệt kích kiêm kỹ thuật viên người Lào. Ngoài camera hồng ngoại, hệ thống định vị tầm xa LORAN-C, Lamothe và Smith còn được trang bị kính nhìn đêm SU-50 - và đây là loại kính lần đầu tiên được đưa vào sử dụng.
Theo sau họ là chiếc trực thăng cứu hộ Sikorsky S-58T "Twin Pack" nhưng nó chỉ đến một trạm thu tin của CIA ở gần biên giới Lào - Việt thì nằm lại. Tại căn cứ này, CIA đã bố trí sẵn một toán biệt kích Lào với đầy đủ súng đạn cùng một máy bay de Havilland DHC-6 Twin Otter để đề phòng trường hợp cần phải sử dụng vũ lực giải cứu chiếc Hughes 500 Quiet One cùng phi hành đoàn.
Thời điểm ấy, chiến dịch Linebacker ném bom hủy diệt miền Bắc đang diễn ra. Vì vậy, CIA yêu cầu Không quân Mỹ tổ chức một cuộc tập kích lớn vào khu vực Thanh Hóa, Ninh Bình trong đêm ngày 5 rạng ngày 6 để nghi binh nhưng không tiết lộ cho chỉ huy lực lượng không quân biết họ đang làm gì, mà chỉ đề nghị máy bay ném bom đừng bay vào vùng tiếp giáp giữa Nghệ An và Lào nhằm tránh va chạm hoặc bắn nhầm chiếc Hughes 500 Quiet One.
Theo kế hoạch, khi đến mục tiêu, biệt kích Lào ngồi trên trực thăng sẽ khom mình xuống để đặt một mảnh gỗ mỏng, trên có tấm pin mặt trời mà hai cạnh của mảnh gỗ đã có sẵn hai lỗ định vị. Với một chiếc khoan nhỏ cầm tay chạy bằng pin, hoạt động được 10 phút, họ sẽ khoan hai lỗ vào đỉnh cột điện thoại, đặt tấm pin mặt trời xuống rồi cố định nó với hai cái chốt cũng bằng gỗ.
Chiếc Hughes 500 N351X sau chuyến xâm nhập tỉnh Nghệ An. |
Tiếp theo, họ giấu bộ thu phát sóng vào góc của thanh ngang dùng để đỡ đường dây điện thoại, nhìn xa như thể có một miếng gỗ được gá thêm vào cho chắc chắn rồi dùng 2 chiếc kẹp bé tí có hình dạng như ngàm cá sấu, kẹp vào đường dây.
Ở ngàm của hai chiếc kẹp ấy, có gắn bộ cảm biến đo những rung động của sóng âm thanh nên vì vậy, không cần phải bộc lộ lõi trong của dây mà vẫn nghe được những cuộc điện đàm. Với dây dẫn từ pin mặt trời đến bộ thu phát sóng, họ dán nó dọc theo cây cột bằng một loại keo đặc biệt, màu sắc trùng hợp với thân gỗ. Tất cả mọi việc, hai biệt kích phải hoàn thành trong vòng 1 phút 15 giây!
Vượt qua biên giới Lào - Việt, Lemothe dùng kính nhìn đêm và camera hồng ngoại, điều khiển trực thăng bay ngoằn ngoèo giữa những ngọn núi thuộc dãy Trường Sơn. Tất cả mọi liên lạc vô tuyến đều không được phép, đèn hiệu máy bay cũng tắt ngúm. Gần đến mục tiêu, Lemothe hạ độ cao xuống chỉ còn 50m rồi cho trực thăng lách qua những ngọn cây. Khi nhìn thấy dãy cột điện thoại, anh ta cho trực thăng sà xuống.
Đến lúc này, xuất hiện một sự cố. Cột điện thoại không phải cao 4m như nhận định của các chuyên viên không ảnh, mà nó chỉ cao chừng 2,5m. Lemothe nói: "Độ cao ấy không bảo đảm lực nâng cho trực thăng bay treo quá 1 phút nên tôi ra hiệu cho hai biệt kích Lào nhảy xuống".
Do đã được huấn luyện phương án dự phòng, hai biệt kích người Lào nhanh chóng lao ra khỏi máy bay, còn Lemothe cho trực thăng đáp xuống con đường đất. Một trong hai biệt kích trèo lên cột điện thoại với túi đồ nghề lỉnh kỉnh nhưng hỡi ơi, cột thay vì bằng gỗ thì nó lại là bê tông.
Cố gắng khoan nhưng vẫn chẳng ăn thua vì mũi khoan chỉ dùng cho gỗ, gã biệt kích lấy tuýp keo dán dây dẫn, bôi xuống mặt bê tông một lớp rồi ấn tấm pin mặt trời lên. Sau đó, anh ta lắp đặt bộ thu phát sóng.
Công việc kéo dài gần 5 phút. Hấp tấp lao về phía máy bay, một biệt kích trượt chân, ngã sóng xoài khiến phi công phụ Smith phải nhảy xuống, đẩy anh ta lên. Trên đường về và khi vào tới đất Lào, phi công Lamothe mở radio rồi khi biết trạm thu tin của CIA ở Thái Lan đã nhận được tín hiệu từ bộ thu phát sóng. Lamothe nói: "Thế là thành công".
7. Hai ngày sau, trạm thu tin nghe được cuộc đàm thoại đầu tiên. Tất cả chỉ có: "A lô nghe đây", đầu bên kia nói: "Bốn ba bẩy nhăm".
Các chuyên gia phân tích tình báo của CIA ở Udorn Thani, Thái Lan điên đầu vì cái "bốn ba bẩy nhăm" ấy. Hỏi một nhân viên người Việt thì hóa ra một số người miền Bắc gọi số 5 là "nhăm". Nhưng "bốn ba bẩy năm" là gì thì chịu!
Những ngày sau đó, trạm thu tin liên tục nghe được những cuộc điện thoại nhưng tất cả chỉ là những con số. Các bộ óc giải mã giỏi nhất của CIA, của tình báo quân đội và của cả NSA được yêu cầu phải tìm cho ra ý nghĩa của những mật ngữ này. Tuy nhiên, kết quả đều mờ mịt.
Ngày 28/10, nghĩa là gần 4 tháng kể từ khi thiết bị nghe lén được lắp đặt, một chuyên viên phân tích không ảnh ở căn cứ Clark, Philippines, lúc so sánh những bức ảnh do máy bay U2 vừa chụp được với những câu mật ngữ, đã phát hiện ra rằng đó chỉ là những báo cáo về mực nước của con sông Lam, còn căn nhà gạch trên sườn núi là một trạm thủy văn, làm nhiệm vụ cảnh báo lũ lụt.
Mấy năm sau, khi biết chuyện này, phi công Lamothe chỉ nói được một từ: "Shame - Xấu hổ quá!"
Nguồn: ANTG/Quiet One