Văn hóa - Giáo dục
Khi giới trẻ 'hờ hững' với văn hóa đọc
16:26, 22/04/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Sách - kho tàng tri thức của nhân loại. Đọc sách không đơn thuần là một hình thức để tiếp cận thông tin mà còn là một hoạt động văn hóa, được gọi là văn hóa đọc. Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, khi mà các loại hình đa phương tiện chiếm ưu thế thì chúng ta, nhất là một bộ phận người trẻ đang “hờ hững” với văn hóa đọc.
Còn nhớ, có một thời gian, những cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Mãi mãi tuổi 20” “làm mưa, làm gió” trên thị trường, trở thành cuốn sách “gối đầu giường” của học trò. Đã lâu lắm, chúng ta không thấy những cuốn sách có sức hút và được giới trẻ chuyền tay nhau nhiều đến như thế. Nghe hơi phi lý, bởi thị trường sách hiện nay vô cùng đa dạng, phong phú, nhiều sách hay, nhưng vì bạn trẻ lười đọc sách nên chẳng còn quan tâm, hứng thú với sách. Điều đó khiến sách không còn giữ được vị trí độc tôn. Một bộ phận giới trẻ đang “quay lưng” với sách, văn hóa đọc đang dần bị mai một.
Một trong những nguyên nhân khiến giới trẻ ngày càng “quay lưng” với sách là sự phát triển của xã hội hiện đại, sự bùng nổ của các loại hình thông tin. Xã hội càng phát triển, chúng ta càng có nhiều cách để tiếp cận thông tin như đọc sách trên thư viện điện tử... Dạo quanh các thư viện, cửa hàng sách trên địa bàn TP Vinh đều khá vắng vẻ, ít người tới đọc sách, tìm mua những cuốn sách yêu thích, thay vào đó, ở các quán cà phê, rất nhiều người ngồi hàng giờ bên chiếc máy vi tính để truy cập internet, đọc sách báo trên mạng.
Khác với thư viện truyền thống, thư viện số thu hút đông đảo bạn đọc vào đọc sách, tìm kiếm tài liệu |
Trung tâm thông tin, thư viện Nguyễn Thúc Hào, Trường Đại học Vinh hiện có 2 loại hình thư viện, đó là thư viện truyền thống và thư viện số. Thư viện truyền thống hiện có 19.000 tên với 280 nghìn cuốn sách, còn thư viện số có trên 32.000 tên, bao gồm cả các luận án, luận văn. Hiện nay, Thư viện có trên 40 nghìn bạn đọc là sinh viên Trường Đại học Vinh, bạn đọc tự do và hàng trăm nghìn lượt người truy cập vào thư viện số. Trái ngược với không khí vắng vẻ ở thư viện truyền thống, phòng thư viện số chật kín người.
Các bạn đọc vừa đọc, tự nghiên cứu tài liệu trên mạng, vừa tranh luận sôi nổi và nhờ giáo viên hướng dẫn cách tra cứu tài liệu. Ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin, thư viện Nguyễn Thúc Hào cho biết, nắm bắt xu hướng của loại hình thư viện điện tử ở các trường đại học trên thế giới và trong nước, những năm gần đây, nhà trường đã thay đổi loại hình phục vụ ở thư viện. Song song với thư viện truyền thống, thư viện số đã thu hút rất đông sinh viên cũng như bạn đọc vào để đọc, nghiên cứu, tra cứu tài liệu. Để nâng cao văn hóa đọc trong sinh viên, học sinh, nhà trường thường xuyên tổ chức ngày hội đọc sách nhằm giới thiệu những cuốn sách hay, giáo dục tinh thần yêu quý, bảo vệ sách cho sinh viên, học sinh.
Trước sự bùng nổ và lấn át mạnh mẽ của phương tiện nghe nhìn, thời gian đọc sách của độc giả bị co hẹp lại, nhưng sách vẫn không hề mất đi những giá trị văn hóa vốn có. Để hình thành thói quen đọc sách trong giới trẻ, các thư viện sách mini miễn phí cho người thích đọc sách đã được mở. Tuy nhiên, nó chỉ phục vụ được một lượng độc giả rất ít. Độc giả đến đây phải là những người yêu sách thật sự, vì nguyên tắc duy trì hộp sách là mọi người đều có thể lấy sách từ hộp về đọc, với điều kiện họ phải thay vào đó một cuốn sách khác. Nhiều trang mạng đã “đánh” vào kinh tế, bắt người dùng phải trả phí để được đọc sách.
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định chọn ngày 21/4 hàng năm là ngày sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Ngày hội đọc sách được tổ chức từ ngày 24 - 25/4 tại Thư viện tỉnh Nghệ An, với nhiều hoạt động như: Tặng, bán sách với giá ưu đãi; thi xếp sách nghệ thuật; các trò chơi: Kể chuyện theo sách, vẽ tranh theo sách, giao lưu tác giả với bạn đọc...
Thông qua các hoạt động nhằm xây dựng, phát triển phong trào đọc sách; khẳng định vai trò, tầm quan trọng của sách; xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng; đẩy mạnh hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác, xuất bản, phát hành những cuốn sách hay, có giá trị về nội dung và hình thức, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc tại Nghệ An.
Ngày hội sách và văn hóa đọc diễn ra trên cả nước, ngày hội trao đổi sách tại các trường đại học, thư viện sách lưu động hy vọng sẽ là những giải pháp hiệu quả giúp giới trẻ quan tâm nhiều hơn nữa tới sách và văn hóa đọc.
Huyền Thương