Văn hóa - Giáo dục
Nhà văn Công an nặng lòng với xứ Nghệ
16:12, 15/04/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Chúng tôi may mắn được gặp và trò chuyện cùng nhà văn, nhà thơ Phan Quế khi ông về TX Cửa Lò, Nghệ An tham dự trại sáng tác văn học về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”. Ông được biết đến với nhiều giải thưởng văn học, nhiều tiểu thuyết, trường ca, tập thơ về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”. Dẫu không phải là người con của xứ Nghệ nhưng ông đã dành nhiều tình cảm sâu nặng cho mảnh đất miền Trung đầy nắng gió.
Nhà văn Phan Quế gọi xứ Nghệ là mảnh đất thân thương, hồn hậu. Ông vẫn nhớ như in lần đầu đặt chân tới Nghệ An, dừng chân ở Bến Thủy, chỉ một thời gian ngắn thôi nhưng mảnh đất, con người ở đây cứ ám ảnh ông, khiến ông lưu luyến mãi. Công việc của một nhà văn, nhà báo khiến ông đi nhiều, viết nhiều, nhưng xứ Nghệ để lại trong ông nhiều cảm xúc rất riêng, rất đặc biệt. Vì vậy, mỗi lần đến đây, những cảm xúc dạt dào, sâu nặng ấy được cất lên thành những vần thơ mộc mạc mà trữ tình, giản dị mà thắm đượm nghĩa tình.
Nhà văn Phan Quế là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Chi hội Nhà văn Công an. Ông từng có nhiều năm công tác tại NXB CAND, Báo Văn nghệ Công an. Đã ngoài 70 tuổi nhưng ông vẫn miệt mài sáng tác, xuất bản nhiều tác phẩm. Ông là một nhà văn giản dị, đáng kính và sở hữu một khối lượng tác phẩm sáng tác đồ sộ. Với hơn 20 cuốn tiểu thuyết, 3 trường ca và nhiều tập thơ, tác phẩm của ông phần lớn viết về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”.
Nhà văn Phan Quế luôn dành tình cảm sâu nặng cho xứ Nghệ |
Những năm tháng công tác trong lực lượng Công an, thực tế cuộc sống và chiến đấu của đồng đội là “mảnh đất màu mỡ” để ông sáng tác. Các tác phẩm của ông phản ánh xã hội thu nhỏ, các thân phận người mà ở đó, người chiến sỹ Công an hiện ra rất đời thường, giản dị, đầy nhân văn mà không cần tô vẽ, đánh bóng. Đó là những chiến sỹ cảnh sát hình sự không ngại hiểm nguy, hy sinh, chiến đấu với tội phạm để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân; là những chiến sỹ cảnh sát khu vực gần gũi, thân thiện với những việc làm lặng lẽ, ý nghĩa, vì bình yên ngõ phố.
Có thể kể ra những cuốn tiểu thuyết về đề tài này đã được xuất bản và đạt nhiều giải thưởng như “Ba lần xuống tóc”, “Hội cô hồn”, “Ổ quỷ”, “Bao công làng”, “Gió bụi” và “Dân dã truyện đời” do ông sáng tác trong thời gian tham gia trại sáng tác văn học năm 2013 ở Quảng Ninh, vừa được NXB CAND phát hành.
Lần này trở lại Nghệ An, trong thời gian chưa đầy 2 tuần, ông đã có nhiều bài viết, thơ về xứ Nghệ như: “Yên ả Cửa Lò”, “Miền ví, giặm”, “Đất hồi sinh người”... Trong buổi giao lưu với Trại giam số 6, Bộ Công an, ông được gặp gỡ, lắng nghe những câu chuyện đời của cán bộ quản giáo cũng như các phạm nhân đang chấp hành án phạt tù nơi đây. Đó là cảm hứng để ông sáng tác bài thơ “Đất hồi sinh người” nói về tình cảm của một phạm nhân đối với các giám thị, cán bộ quản giáo nên sau khi mãn hạn tù, anh đã xin ở lại để đắp công trình sa bàn tặng Trại.
Những lời thơ mộc mạc nhưng đằm thắm nghĩa tình giúp người đọc hiểu được tấm lòng người phạm nhân, tình yêu thương của người quản giáo đã đánh thức “mầm” thiện trong mỗi con người lầm lỗi, để họ được hồi sinh: “Quản giáo dặn anh bao lời điều lành, tốt/ Mầm thiện cứ ngày ngày ươm mọc/ Lặng thầm từ sắc phục màu cây/ Để có một ngày/ Cổng trại mở bàn chân trai bổi hổi/ Được về với cuộc đời vẫn xin ở lại...”. Trong thơ ông, con người, mảnh đất xứ Nghệ hiện ra rất đỗi đôn hậu, thân thương. Dù không phải người con miền Trung nhưng ông khá am hiểu văn hóa, phong tục, tập quán của xứ Nghệ, bởi vậy, trong mỗi sáng tác của ông, chúng ta vẫn cảm nhận được sự gần gũi, thân thuộc.
Đã ngoài 70 tuổi, dù nghỉ hưu đã lâu nhưng ông vẫn dành nhiều thời gian để sáng tác. Văn thơ của ông cũng giản dị, mộc mạc như chính con người ông vậy. Những người yêu thơ văn của Phan Quế sẽ cảm nhận được sự hồn hậu, chân thành trong những tác phẩm, bởi nó được bắt nguồn từ cảm xúc dân gian và bởi ông luôn muốn giữ nét hồn nhiên, dân dã trong sáng tác của mình.
Huyền Thương - Hồng Nhung