Văn hóa - Giáo dục

Cô giáo trường làng 'bật' lên lời thơ thành nhạc

08:27, 10/04/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Tại đêm văn nghệ chào mừng xã Quỳnh Thạch (xã thứ 2 của huyện Quỳnh Lưu) trở thành xã nông thôn mới được tổ chức vào đêm 24/1/2015, người dân trong xã đã rất bất ngờ với tiết mục “Bài ca nông thôn mới” (tốp ca của học sinh Trường THCS xã Quỳnh Thạch, lời thơ: cô Hoa Như; nhạc: thầy Hữu Hương, đều là giáo viên ở trong xã), bởi dù biểu diễn sau cùng nhưng những ca từ vút lên thật trong trẻo, tươi trẻ, lạc quan, đầy tự hào: “Bài ca nông thôn mới, rộn ràng vui phơi phới, trên cao xanh vời vợi, đèn cao áp lung linh, dưới đường thôn quê mình, thênh thang bê tông hoá, ôi quê mình đẹp quá, ước mơ bao đời nay…”.

Cô giáo Hoa Như, người có bài thơ  về nông thôn mới được phổ nhạc
Cô giáo Hoa Như, người có bài thơ về nông thôn mới được phổ nhạc
Không lạc quan, tự hào sao được, khi Quỳnh Thạch trước đây là một xã thuần nông, nghèo nàn, lạc hậu, sản xuất manh mún, tự cung, tự cấp theo kiểu “gạo đồng, nước giếng” bỗng bừng tỉnh, bật dậy phát triển thần kỳ, thay đổi toàn diện. Hệ thống “điện, đường, trường, trạm”, cơ sở hạ tầng, ngành nghề, sản lượng, năng suất lao động và đời sống người dân đã tăng trưởng mạnh và đạt chuẩn “nông thôn mới”. Những ngôi nhà cao tầng khang trang, đường làng điện cao áp sáng trưng, hệ thống giao thông được nhựa hoá, bê tông hoá về tận ngõ xóm đã làm ngỡ ngàng bao du khách, kể cả những người con Quỳnh Thạch đi xa lâu ngày trở về quê…
 
Đâu chỉ có điện với trường, cuối bài thơ còn ngân lên cảm xúc đầy tự hào: “…Quỳnh Thạch bay cao, dòng nước máy xôn xao, tiếng máy cày máy gặt, gọi bình minh lên cao, ai đi xa cũng nhớ về, về quê hương hôm nay…”.
 
Được biết, tác giả lời thơ, cô Nguyễn Thị Hoa Như là một giáo viên dạy môn Địa lý tại Trường PTCS xã Quỳnh Thạch. Cô Như quê ở xã Quỳnh Bá, lấy chồng về xã Quỳnh Thạch. Năm nay đã 47 tuổi nhưng nhìn cô vẫn còn tươi trẻ, cô vẫn thường xuyên làm thơ và được đăng ở một số báo. Trước đây, cô là CTV của báo Công an Nghệ An. Cô tâm sự: Nhà gần trường, hàng ngày, 2 buổi đi dạy về trên con đường làng bê tông hoá, nhựa hoá. Bên đường, người nông dân làm ruộng bằng máy cày, máy gặt. Đêm đêm, đèn điện sáng lung linh soi sáng đường làng… Cảnh vật đó cùng cuộc sống tươi vui, no đủ của phụ huynh và học sinh trong xã đã làm trào dâng trong cô bao cảm xúc, từ đó “bật” ra những lời thơ. Thế rồi, từ những câu thơ, với tâm trạng hào hứng, phấn khởi, cô thấy những câu thơ đó như “động đậy”, “nhảy múa” thành nốt nhạc. 
 
Nếu như tại buổi lễ đón nông thôn mới, tác giả lên đọc bài thơ đầy cảm xúc của mình thì chắc cũng được nhiều người đón nhận, hoan nghênh. Nhưng còn hơn thế, thầy Lê Hữu Hương là giáo viên dạy nhạc, đồng nghiệp với cô Hoa Như đã đồng ý phổ nhạc bài thơ của cô. Thế nhưng, muốn phổ nhạc, những học trò của cô Hoa Như - những người đồng ý thể hiện bài thơ của cô giáo mình - phải đến nhà thầy Hương (cách trường 5 km) vào ban đêm để ghép nhạc, bởi ban đêm thầy mới có thời gian và tại nhà thầy mới có nhạc cụ. Thế là, với niềm đam mê, suốt 5 đêm liền, cô Hoa Như phải thuê xe đưa các học trò đến nhà thầy Hương tập hát cấp tốc, ngoài những chi phí xăng xe với số tiền không nhỏ, cô còn phải đổ nhiều công sức, tâm huyết với tình yêu quê hương, tình yêu nghệ thuật. Thấy ổn, cô đăng ký tiết mục của mình với xã.
 
Lãnh đạo xã Quỳnh Thạch cảm ơn sự nhiệt tình của cô Hoa Như, nhưng chương trình đã được sắp xếp kín. Hơn nữa, tiết mục mà cô đăng ký chưa được kiểm duyệt, không biết có hay không, nội dung có vấn đề gì không?... Sau những băn khoăn, ban tổ chức đêm văn nghệ quyết định đưa “Bài ca nông thôn mới” làm tiết mục biểu diễn cuối cùng. 
 
23 giờ 15 phút ngày 24/1/2015, với tâm trạng thổn thức, bồi hồi, cô Hoa Như hồi hộp chờ đợi.
 
Và rồi, tốp ca học sinh của cô đã ra sân khấu, điệu nhạc cùng lời thơ rộn ràng, tươi vui cất lên: “Bài ca nông thôn mới, rộn ràng vui phơi phới, trên cao xanh vời vợi, đèn cao áp lung linh…” trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt của hàng nghìn người dân trong xã. Cô Hoa Như lặng người, trào nước mắt. Trên sân khấu, học sinh hát, dưới sân, cô cứ khóc hoài… cho đến khi ông Chủ tịch UBND xã Đậu Đức Lâm tới bắt tay chúc mừng.
 
Tại buổi đón danh hiệu “Nông thôn mới” của xã Quỳnh Thạch vào sáng hôm sau (25/1/2015), giữa các nội dung của buổi lễ, nhạc điệu, lời ca của “Bài ca nông thôn mới” lại vang lên rộn ràng, đầy tự hào. “Bài ca nông thôn mới” của cô giáo Nguyễn Thị Hoa Như trở thành “Xã ca” của xã Quỳnh Thạch kể từ hôm đó…

Bá Minh

Các tin khác