Văn hóa - Giáo dục
Nghệ nhân dân gian Phan Thế Phiệt
Trọn đời với dân ca ví, giặm
09:25, 06/04/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-70 tuổi, ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng nghệ nhân dân gian, soạn giả Phan Thế Phiệt trú tại xóm 4, xã Hoa Thành, huyện Yên Thành không ngại gian khổ, vẫn rong ruổi khắp nơi để sưu tầm, sáng tác và truyền dạy dân ca ví, giặm xứ Nghệ. Chính tình yêu, niềm đam mê với mạch nguồn dân ca đã trở thành sức mạnh để ông trọn đời thủy chung với di sản văn hóa phi vật thể này.
Nghệ nhân Phan Thế Phiệt sinh năm 1946, trong một gia đình nghèo đông anh em, bố mẹ đều là những người hát dân ca ví, giặm nổi tiếng trong làng. Từng làn điệu dân ca của bố, mẹ như dòng nước mát, lan thấm trong con người ông. Và rồi như một lẽ tự nhiên, mạch nguồn dân ca ấy cứ chảy, chảy mãi trong huyết quản, thôi thúc ông dành cả cuộc đời cho dân ca. Không chỉ thể hiện nhuần nhuyễn, “xuất thần” các làn điệu dân ca, ông còn tham gia sáng tác, dàn dựng các điệu ví, giặm, góp phần đưa dân ca xứ Nghệ lan tỏa sâu rộng.
Ở tuổi 70, để theo đuổi đam mê với dân ca, ông Phiệt đã phải đối mặt với rất nhiều vất vả, khổ cực, gánh nặng cơm áo, gạo tiền luôn đè nặng đôi vai khiến ông cảm thấy đuối sức. Không biết bao nhiêu lần, ông đã có ý định từ bỏ niềm đam mê đó. Nhưng những câu hát dân ca của ông bà, bố mẹ cứ vang mãi trong tâm thức và trở thành sức mạnh để ông “bấu víu”, vượt qua những khó khăn để tiếp tục duy trì niềm đam mê với dân ca. Những lúc mệt mỏi, làn điệu dân ca đã trở thành “liều thuốc” hóa giải mọi ưu phiền trong ông. Bởi vậy, dù mệt nhưng hễ có hội diễn ở các xã, ông vẫn gắng gượng, cùng luyện tập và bày dạy cho các thành viên. Say sưa với từng câu hát, từng làn điệu dân ca, ông còn làm sứ mệnh truyền tình yêu dân ca đến với đông đảo người dân.
Nghệ nhân Phan Thế Phiệt đang miệt mài soạn các vở kịch dân ca |
Mặc dù hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng mỗi khi tập luyện cho đội văn nghệ của các xã trong huyện, ông không hề đòi hỏi tiền công hay sự bồi dưỡng nào. Đi tới đâu, ông cũng đều đào tạo ra những thế hệ học trò xuất sắc, đến nay, những người học trò ông đã dìu dắt đều được công chúng yêu mến. Có thể kể đến như: Nghệ sũ ưu tú Ngọc Hà, Thanh Lam, Hồng Lĩnh... Trong cuộc đời gắn bó với sự nghiệp quần chúng, niềm đam mê với câu hò, điệu ví quê hương chính là động lực thôi thúc ông gắn bó với công việc “vác tù và hàng tổng” này. Từ khi nghe tin dân ca ví, giặm được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ông càng có thêm động lực để tiếp tục hành trình “tiếp lửa”. Ông không quản ngại gian khổ, đi đến các trường học trong huyện để “truyền lửa”, phối hợp với nhà trường tổ chức đưa dân ca ví, giặm vào các hội thi văn nghệ.
Nghệ nhân Phan Thế Phiệt chia sẻ: “Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và các loại hình âm nhạc hiện đại, trong khi môi trường diễn xướng nguyên bản của dân ca như hát đối đáp, hát đồng ruộng, hát sông nước, dệt vải... lại hạn hẹp. Chính vì vậy, để giới trẻ đến gần hơn với những làn điệu dân ca không phải là điều dễ dàng. Bởi thế, soạn giả phải là người thổi hồn thời đại vào làn điệu thì tác phẩm đó mới mang hơi thở của cuộc sống, mới thu hút được công chúng”.
Đến nay, qua 40 năm gắn bó với dân ca, nghệ nhân Phan Thế Phiệt đã có hàng trăm bài hát, vở kịch, hoạt ca, hoạt cảnh, hợp xướng do ông viết lời, dàn dựng được nhiều người yêu thích. Những sáng tác của ông đã đạt được nhiều giải thưởng lớn như: Giải Nhì cuộc thi Dân ca toàn tỉnh năm 1965, với vở hoạt cảnh “Con mương thủy lợi”; giải Nhất cuộc thi Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2014, với tác phẩm “Diễn tiên làng tiên cảnh”... Hàng năm, tại Lễ hội Làng Sen do tỉnh tổ chức, năm nào ông cũng có tác phẩm tham dự và đều đạt giải. Đặc biệt, ông được Ban tổ chức Liên hoan dân ca ví, giặm tặng nhiều Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong sáng tác, sưu tầm, soạn lời dân ca ví, giặm.
Với tài năng và niềm đam mê cùng với những cống hiến của mình, năm 2013, tại Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ông được Nhà nước tôn vinh là Nghệ nhân dân gian.
Đặng Duyên