Văn hóa - Giáo dục
Khi học sinh 'lên tiếng' về ứng xử của thầy cô
08:31, 31/03/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trong cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2015 vừa qua, hai nữ sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu là Phạm Thị Thanh Huyền và Phan Phương Trầm đã vinh dự mang về giải Nhì lĩnh vực “Khoa học xã hội và hành vi”, giải Ba toàn cuộc thi với dự án “Nhu cầu của học sinh về ứng xử của thầy cô giáo trong trường THPT” cho tỉnh nhà. Lựa chọn đề tài mới mẻ, có tính thời sự và rất được dư luận quan tâm hiện nay, Thanh Huyền và Phương Trầm đã gây ấn tượng và thuyết phục Ban giám khảo nhờ những nỗ lực nghiên cứu dự án trong gần 6 tháng qua.
Từ xưa đến nay, quan hệ thầy - trò là mối quan hệ vô cùng thiêng liêng, tốt đẹp. Trong thời đại tri thức lên ngôi, mối quan hệ này càng được đề cao, coi trọng. Tuy nhiên, dưới sự thay đổi của đời sống xã hội cùng những tác động của văn hóa ngoại lai, truyền thống “tôn sư trọng đạo” đã ít nhiều phát sinh những tiêu cực không đáng có, nổi cộm nhất là hiện tượng “ứng xử bạo lực” giữa giáo viên và học sinh trong thời gian gần đây.
Lựa chọn đề tài giàu tính thời sự và nhân văn: “Nhu cầu của học sinh về ứng xử của thầy cô giáo trong trường THPT”, Thanh Huyền và Phương Trầm thành thực chia sẻ: “Hiện nay, thời gian ở trường của một học sinh THPT chiếm khoảng từ 40 - 50% thời gian cả ngày. Chính vì vậy, quá trình tiếp xúc và sức ảnh hưởng của thầy cô đối với học sinh là rất lớn.
Huyền và Trầm trong đêm chung kết được tổ chức tại Bắc Ninh |
Hơn ai hết, chúng em hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của các bạn cùng trang lứa về ứng xử của thầy cô với chúng em trong giờ học cũng như các mối quan hệ hàng ngày. Làm sao để thầy cô thấu hiểu hơn những tâm tư, tình cảm của học sinh, để mối quan hệ thầy trò ngày càng gắn bó, bền chặt, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui là lý do thôi thúc chúng em thực hiện dự án này...”.
Ý tưởng làm cầu nối để học sinh và giáo viên hiểu nhau hơn của hai cô trò nhỏ trường Phan được thầy cô và bạn bè hết sức ủng hộ. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện dự án, Huyền và Trầm mới nhận thức hết được khối lượng công việc đồ sộ phải làm. Trong 6 tháng, nhóm đã tiến hành khảo sát ý kiến theo mẫu thiết kế với 900 học sinh và 100 thầy cô ở 10/90 trường THPT thuộc các vùng, miền khác nhau của tỉnh Nghệ An như: Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, THPT Lê Viết Thuật, THPT Huỳnh Thúc Kháng, THPT Quỳnh Lưu 3, THPT Diễn Châu 5, THPT Quế Phong, THPT Tân Kỳ… Ngoài ra, nhóm cũng xin ý kiến chuyên gia là thầy giáo - TS Tâm lý học Phan Quốc Lâm, giảng viên Trường Đại học Vinh để củng cố thêm mặt cơ sở lý luận của đề tài.
Cùng ở trong lứa tuổi học sinh nên Thanh Huyền, Phương Trầm dễ dàng nắm bắt những xu hướng, tâm tư của bạn bè đồng trang lứa, từ đó dễ dàng tìm ra hướng đi cho đề tài nghiên cứu. Thanh Huyền cho biết: Những hiện tượng “ứng xử bạo lực” giữa thầy cô và học sinh thời gian qua đã cho thấy thực trạng rất đáng báo động. Học sinh vô lễ, xúc phạm thầy cô. Thầy cô thờ ơ, chưa thật sự gắn bó, tìm hiểu về đời sống tình cảm của học sinh. Thực trạng này đã dẫn đến nhiều hệ luỵ nghiêm trọng: Một số học sinh có hành động “trả đũa” bạo lực với chính thầy, cô giáo của mình; thiếu sự đồng cảm giữa thầy cô và học sinh dẫn đến hiệu quả dạy học chưa cao; ứng xử tiêu cực, hạn chế dẫn đến hậu quả đáng tiếc; uy tín, danh dự của nhà trường, thầy cô bị giảm sút; gây mất niềm tin trong xã hội.
Để những hệ lụy đau lòng trên xảy ra là do lỗi xuất phát từ cả hai phía. Về phía thầy cô giáo, áp lực của cuộc sống và công việc khiến một số giáo viên chưa kiểm soát được bản thân, số còn lại ứng xử chưa phù hợp với tâm lý lứa tuổi, gây mâu thuẫn với học sinh. Còn với thế hệ học trò, áp lực học tập, tâm lý hiếu chiến của tuổi mới lớn, thái độ sống chưa đúng mực chính là “mồi lửa” châm ngòi cho các cuộc xung đột không đáng có.
Để giải quyết hiệu quả và triệt để tình trạng trên, điều quan trọng nhất là sự thấu hiểu giữa thầy và trò. Từ quá trình khảo sát, nghiên cứu, Huyền và Trầm đã khái quát được 6 nhu cầu cơ bản, chính đáng của học sinh hiện nay: Nhu cầu được quan tâm, được yêu thương, được tôn trọng, được cảm thông và chia sẻ, được đối xử bình đẳng, được “kết bạn”. Nhóm cũng đưa ra 5 “gói giải pháp” cho 5 đối tượng khác nhau: Học sinh, thầy cô, gia đình, nhà trường, xã hội.
Ngoài dự án tham gia thi lĩnh vực “Khoa học xã hội và hành vi”, Thanh Huyền và Phương Trầm còn phải thể hiện kỹ năng trong các phần thi thuyết trình bằng Powerpoint, làm poster, phỏng vấn nhanh với Ban giám khảo. Vượt qua hàng trăm đội dự thi, nhóm đã đạt giải Nhì trong vòng thi chung kết.
Nói về hai cô học trò cưng, cô giáo hướng dẫn đề tài Trần Thị Thủy vui mừng chia sẻ: “Với một đề tài mang tính cảm quan của học trò, điều đáng khen là Huyền và Trầm đã dám mạnh dạn lên tiếng về những vấn đề tiêu cực, những mặt nhạy cảm của xã hội. Dự án cũng thể hiện một khía cạnh mới trong mối quan hệ thầy trò thời hiện đại, đó là sự bình đẳng giữa giáo viên và học sinh. Khi các em dám nói lên tiếng nói của mình, tôi tin những người làm thầy, làm cô cũng sẽ nhìn nhận lại mình và cố gắng tiếp cận, thấu hiểu nhu cầu của các em hơn…”.
Quãng thời gian 3 ngày tham gia cuộc thi ở TP Bắc Ninh cùng 371 bạn học sinh và 205 dự án đầy sáng tạo đã để lại trong lòng Thanh Huyền và Phương Trầm nhiều kỉ niệm đáng nhớ. Phương Trầm hào hứng chia sẻ: “ Trong thời gian ở Bắc Ninh, điều đáng quý nhất là chúng em được giao lưu, kết bạn với nhiều học sinh của các tỉnh cùng tham gia cuộc thi. Đặc biệt, chúng em còn được tham quan một số di tích nổi tiếng ở Bắc Ninh, được về thăm miền quan họ.” Còn với Thanh Huyền, điều đáng quý nhất là em đã “được sống và hòa mình trong một không khí, môi trường thực sự khoa học, nghiêm túc, một sân chơi trí tuệ”.
Với thành tích đã đạt được, Thanh Huyền và Phương Trầm sẽ có cơ hội tuyển thẳng vào tất cả các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Trong thời gian sắp tới, Phương Trầm vẫn sẽ cố gắng hoàn thành tốt việc học trên lớp, còn Thanh Huyền dự định sẽ đăng kí học ngành Tâm lý học của Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thu Phương