Văn hóa - Giáo dục
Tổ chức thi tuyển chức danh hiệu trưởng, hiệu phó
Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý ở các đơn vị trường học
09:09, 26/03/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, Sở GD&ĐT một số tỉnh, thành trên cả nước như: Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hà Tĩnh… đã tổ chức thi tuyển các chức danh hiệu trưởng, hiệu phó ở một số đơn vị trường học trên địa bàn.
Đây được xem là bước đi mang tính đột phá trong công tác cán bộ nhằm tìm đúng người có tâm, có tầm, đặt vào đúng vị trí để họ có điều kiện phát huy năng lực, sở trường của mình, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo ở các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, việc thi tuyển được tiến hành công khai, minh bạch sẽ góp phần hạn chế những hiện tượng tiêu cực phát sinh trong công tác cán bộ của ngành giáo dục.
Việc tổ chức thi tuyển các chức danh hiệu trưởng, hiệu phó là một giải pháp nâng cao chất lượng quản lý giáo dục hiện nay - Ảnh minh họa |
Trong mỗi đơn vị trường học, đội ngũ cán bộ quản lý mà đứng đầu là hiệu trưởng, hiệu phó giữ vai trò hết sức quan trọng. Họ gánh trên vai trọng trách là “đầu tàu” tổ chức mọi hoạt động giáo dục của nhà trường, trọng tâm là hoạt động dạy và học. Tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ quản lý chủ chốt trong mỗi đơn vị trường học không chỉ đòi hỏi ở họ những quyết định đúng đắn trong quản lý, am hiểu chuyên môn, có tầm nhìn xa, trông rộng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục của đơn vị mà còn phải tạo dựng được môi trường giáo dục đầy tính nhân văn, dân chủ.
Trên thực tế, ở những đơn vị trường học xuất hiện những cán bộ quản lý có năng lực, tâm huyết sẽ tác động, ảnh hưởng không nhỏ tới công tác thi đua, nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên cũng như quá trình học tập, rèn luyện của học sinh. Do đó, việc “chọn mặt gửi vàng” đúng người, đúng vị trí các chức danh hiệu trưởng, hiệu phó ở các đơn vị trường học là hết sức quan trọng. Nhất là trong giai đoạn ngành giáo dục đang có những bước đi đột phá nhằm mang lại cho mình một diện mạo mới.
So với cách thức bổ nhiệm cán bộ quản lý ở các đơn vị trường học dựa vào việc bỏ phiếu kín những người nằm trong diện quy hoạch như cách làm truyền thống bấy lâu nay, thì việc tổ chức thi tuyển các chức danh hiệu trưởng, hiệu phó có nhiều ưu điểm nổi trội. Vị trí thi tuyển, điều kiện, tiêu chuẩn dự thi được thông báo công khai, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những người tham gia thi tuyển không nhất thiết nằm trong diện quy hoạch, trong đó ưu tiên những người trẻ tuổi, có cách nghĩ, cách làm mới mẻ, hiệu quả. Khi số lượng các ứng viên đảm bảo tính cạnh tranh, kỳ thi mới được tổ chức.
Điều đáng nói là, giám sát kỳ thi không chỉ có các thành viên trong Hội đồng thi tuyển mà còn có sự theo dõi của đông đảo cán bộ, giáo viên trong và ngoài nhà trường nên sẽ góp phần hạn chế những hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra.
Bên cạnh phần thi viết với những câu hỏi “mở” nhằm “sát hạch” khả năng chuyên môn và năng lực quản lý của các ứng viên, cuộc thi còn có thêm phần bảo vệ đề án xây dựng, phát triển nhà trường và trả lời các câu hỏi phản biện. Ở đây, không chỉ Hội đồng thi tuyển mà mỗi cán bộ, giáo viên đều có thể tự mình đánh giá được năng lực của các ứng viên thông qua việc đối thoại, chất vấn. Do là cuộc thi tuyển chọn hiệu trưởng, hiệu phó nên phần lớn các câu hỏi chất vấn thường tập trung vào các vấn đề: Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; đổi mới phương pháp dạy và học; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của giáo viên…
Đây còn là cơ hội để các ứng viên thể hiện bản lĩnh của người quản lý trong tương lai khi phải giải đáp những vấn đề “nhạy cảm”, bức xúc của ngành và của đơn vị trường học mà bản thân đang tham gia thi tuyển. Từ thực tế tổ chức các kỳ thi tuyển chọn chức danh hiệu trưởng, hiệu phó ở một số địa phương thời gian qua cho thấy, hầu hết các ứng viên dự thi đã có dịp bộc lộ những thế mạnh của bản thân như: Khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế nội dung thuyết trình; có kiến thức sâu rộng và tư duy quản lý khoa học; đề ra nhiều giải pháp mới, có tính khả thi cao, góp phần đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục.
Việc tổ chức thi tuyển các chức danh hiệu trưởng, hiệu phó ở các đơn vị trường học là mô hình có thể học hỏi, nhân rộng. Nếu được tổ chức thực hiện có hiệu quả, đây còn là giải pháp nhằm phát hiện, củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất đảm nhận trọng trách lãnh đạo quản lý mọi hoạt động giáo dục của nhà trường, đồng thời, góp phần triệt tiêu những biểu hiện tiêu cực trong công tác tổ chức cán bộ quản lý giáo dục hiện nay.
Bùi Minh Tuấn