Văn hóa - Giáo dục

Cấm thi vào lớp 6, nhà trường lúng túng, phụ huynh hoang mang

09:06, 03/04/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Bộ GD&ĐT vừa chính thức khẳng định lại chủ trương “Tuyệt đối không tổ chức thi tuyển vào lớp 6”. “Lệnh cấm” này có hiệu lực từ năm 2015, đang khiến không chỉ nhiều trường lúng túng trước hình thức tuyển sinh mà cũng khiến nhiều phụ huynh có con học lớp 5 rơi vào trạng thái hoang mang.
 
Tháng 11/2014, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận ban hành chỉ thị chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học. Trong đó, Bộ nêu rõ, các trường không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6. 
 
Trước những băn khoăn về cách thức tuyển sinh với những trường THCS lâu nay vẫn được phép tuyển sinh vào lớp 6, Bộ trưởng lần nữa khẳng định: “Về nguyên tắc, không được thi để lấy trình độ văn hóa chọn vào lớp 6, vì đây là cấp học phổ cập. Nếu tổ chức bài thi, luyện thi thì dẫn đến một loạt hệ quả và không đúng với chủ trương phổ cập...”. Vì vậy, buộc các địa phương phải chủ động tìm phương án tuyển sinh phù hợp. Không tổ chức thi tuyển thì lẽ đương nhiên sẽ có phương án xét tuyển. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, nhiều trường học vẫn tỏ ra lúng túng, nhiều bậc phụ huynh lo lắng vì không biết phương án xét tuyển mới có đảm bảo sự công bằng, không tiêu cực hay không?
(Congannghean.vn)-Bộ GD&ĐT vừa chính thức khẳng định lại chủ trương “Tuyệt đối không tổ chức thi tuyển vào lớp 6”. “Lệnh cấm” này có hiệu lực từ năm 2015, đang khiến không chỉ nhiều trường lúng túng trước hình thức tuyển sinh mà cũng khiến nhiều phụ huynh có con học lớp 5 rơi vào trạng thái hoang mang.
Việc không tổ chức thi vào lớp 6 khiến cho nhà trường lúng túng, phụ huynh hoang mang
 
Cô giáo Hà Lê Hòa Bình, Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Thai Mai, TP Vinh cho biết: Trường cũng đang lúng túng không biết dựa vào tiêu chí nào để xét tuyển. Hiện tại, trường đang chờ phương án tuyển sinh trên thành phố.  Lý giải cho sự lúng túng này tại các trường học, ông Võ Văn Mai, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT Nghệ An thừa nhận, tại các cơ sở có sự lúng túng bởi năm học này, do thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học tại Thông tư 30. Trước đây đánh giá bằng điểm số thì năm nay các bài kiểm tra thường xuyên ở tiểu học được đánh giá bằng hình thức xếp loại, nhận xét nên gặp phải không ít khó khăn.
 
Tại Nghệ An, quy chế không thi tuyển vào lớp 6 không còn mới mà đã thực hiện từ mấy năm nay. Hình thức xét tuyển chủ yếu căn cứ vào kết quả học tập của học sinh và chỉ tiêu xét tuyển của từng trường. Năm học này, sau khi có chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GD&ĐT Nghệ An sẽ có văn bản hướng dẫn tuyển sinh với các lớp đầu cấp. Với các trường đăng ký tuyển sinh lớn hơn chỉ tiêu, thì các trường đó phải tổ chức xét tuyển, nhưng số lượng các trường này không nhiều. Trước sự lúng túng tại nhiều cơ sở trường học, sau khi có thông tư của Bộ, Phòng Giáo dục Trung học sẽ tham mưu lãnh đạo Sở có văn bản gửi đến các trường.
 
Việc tổ chức xét tuyển học sinh lớp 6 cũng đã làm cho nhiều phụ huynh lo lắng, hoang mang bởi trên thực tế, nhu cầu người dân thì quá lớn, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh chỉ có hạn. “Mất công bằng trong giáo dục là điều mà chúng tôi lo lắng trước phương án tổ chức xét tuyển. Không thi để lấy điểm từ cao xuống thấp mà tổ chức xét tuyển, liệu có tiêu cực hay không?”, một phụ huynh cho biết.
 
Với quy định không thi tuyển vào lớp 6, Bộ GD&ĐT cũng khẳng định: “Việc cấm thi vào lớp 6 không có ngoại lệ, không phân biệt giữa trường công lập và ngoài công lập...”. Như vậy, việc lựa chọn hình thức tuyển sinh do nhà trường chủ động xây dựng phương án, trình lên cấp trên để đưa ra quyết định, vừa tháo gỡ những lúng túng tại cơ sở, vừa giảm bớt lo lắng đối với phụ huynh, để tuyển sinh vào lớp 6 diễn ra công bằng, nghiêm túc.

Phan Tuyết

Các tin khác