Văn hóa - Giáo dục

Trang bị kỹ năng sống cho trẻ từ trong trường học

09:47, 04/04/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có hướng dẫn triển khai thực hiện giáo dục kỹ năng sống tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Theo đó, nội dung giáo dục kỹ năng sống phải phù hợp với lứa tuổi, rèn luyện theo mức độ tăng dần và không khiên cưỡng, không gây áp lực, không ép buộc học sinh tham gia. Tuy nhiên, việc đưa chương trình giáo dục kỹ năng sống vào trường học sao cho hiệu quả vẫn còn nhiều băn khoăn.
 
Một giờ học về Luật Giao thông đường bộ của các em học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Hồng Sơn, TP Vinh được lồng ghép chương trình giáo dục kỹ năng sống vào bài giảng. Các em được thực hành các kỹ năng khi tham gia giao thông, khi tham gia giao thông cùng người lớn bằng phương tiện xe gắn máy cần trang bị những gì. Giờ học trở nên sôi nổi bởi các em tỏ ra vô cùng hào hứng. Nhiều năm nay, Trường Tiểu học Hồng Sơn đã đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống lồng ghép vào các môn học và các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Vì thế, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn hướng dẫn thực hiện giáo dục kỹ năng sống, nhà trường không quá bất ngờ. Tuy nhiên, không vì thế mà nhà trường không tránh khỏi những lúng túng, vướng mắc khi triển khai nội dung này. 
Nội dung giáo dục kỹ năng sống được lồng ghép vào các giờ lên lớp
Nội dung giáo dục kỹ năng sống được lồng ghép vào các giờ lên lớp
Cô Phan Thị Hồng Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Sơn cho biết: Sau nhiều năm thực hiện chủ trương của Bộ, lồng ghép chương trình giáo dục kỹ năng sống vào các giờ học, nhà trường đã bước đầu làm quen và tự tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa để các em được trải nghiệm thực tế. Tuy nhiên, để tổ chức một hoạt động ngoại khóa nhằm trang bị cho các em kiến thức kỹ năng sống là việc làm không đơn giản, khi mà sĩ số của các lớp khá đông, khuôn viên trường lại hạn hẹp, nguồn kinh phí cũng không cho phép. 
 
Trong khi đó, không phải giáo viên nào cũng có năng lực điều hành, tổ chức các hoạt động. Một số giáo viên đã quen với nếp dạy cũ, nhất là với giáo viên lâu năm nên nhận thức về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh vẫn còn khá mơ hồ. Mặc dù đã có tài liệu về chương trình giáo dục kỹ năng sống, nhưng vì đây là tài liệu chung soạn sẵn, còn mang tính cứng nhắc, trong khi việc dạy cho trẻ các kỹ năng sống không thể rập khuôn, máy móc mà phải tùy từng thời điểm, đối tượng, hoàn cảnh. Một trong những khó khăn nữa đó là sự phối hợp của phụ huynh học sinh với nhà trường trong giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. 
 
Mặc dù chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo là không ép buộc học sinh học kỹ năng sống, nhưng lại khuyến khích các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp với đơn vị có chương trình giáo dục kỹ năng sống; tích hợp vào các môn học và tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình tổ chức dạy kỹ năng sống. Theo đó, người học phải được giáo dục những kỹ năng cơ bản, hướng tới hình thành thói quen tốt, phù hợp với thực tiễn, thuần phong mỹ tục của Việt Nam và đảm bảo hội nhập quốc tế. Nội dung phải phù hợp với từng lứa tuổi và rèn luyện các kỹ năng theo mức độ tăng dần. Với trẻ mầm non, kỹ năng sống phải giúp trẻ nhận thức được bản thân, hình thành được sự tự tin, tự lực.
 
Trẻ biết làm một số việc đơn giản, biết thể hiện tình cảm, sự chia sẻ, hợp tác, kiên trì vượt khó, ứng xử phù hợp với gia đình, cộng đồng, bạn bè và môi trường. Đối với học sinh tiểu học, cần tập trung vào kỹ năng giao tiếp với cha mẹ, thầy cô, bạn bè, như: Xây dựng tình bạn đẹp, kiên trì trong học tập, đúng giờ và làm việc theo yêu cầu để tạo tiền đề cho sự phát triển hài hòa về học lực và đạo đức. Với giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học, học viên giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, cần chú trọng đến nội dung ra quyết định, giải quyết vấn đề, kỹ năng tư duy phản biện và sáng tạo, giao tiếp và hợp tác, tự nhận thức và cảm thông, quản lý cảm xúc và đương đầu với áp lực.
 
Qua tìm hiểu, các nhà trường thường giáo dục kỹ năng sống thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp hoặc lồng ghép vào chủ điểm từng tháng như tháng 7 gắn với hoạt động về nguồn... Mặc dù đã đưa vào chương trình học, nhưng những hoạt động này vẫn chưa thực sự rõ nét. Xã hội càng phát triển thì việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ lại trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. So với các nước trên thế giới, thanh thiếu niên Việt Nam được đánh giá là thiếu hụt kỹ năng sống nghiêm trọng.
 
Điều đó dẫn đến tình trạng trẻ em, thanh thiếu niên trở nên bỡ ngỡ, lạ lẫm với những va chạm, cám dỗ bên ngoài xã hội, từ đó, dẫn đến tâm lý bi quan, tiêu cực. Giáo dục kỹ năng sống để các em được trải nghiệm thực tế là việc làm vô cùng quan trọng mà chúng ta cần quan tâm khi trẻ còn bé để tạo nền tảng vững chắc cho tương lai. 

Huyền Thương

Các tin khác