Văn hóa - Giáo dục

Di dời linh vật ngoại lai: đi đâu, về đâu?

08:53, 21/04/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Một nghịch lý hiện nay là cung tiến lễ vật vào thì dễ nhưng việc di dời theo Luật Di sản thì lại thiếu kinh phí và người dân cũng không biết phải đưa đi đâu. Ngành văn hóa đã tiến hành “ra quân” để loại bỏ các linh vật “lạ” ra khỏi các di tích, đền chùa, cơ quan công sở, nhà dân… trên địa bàn toàn tỉnh. Thế nhưng, việc bố trí “nơi ở” của những linh vật sau khi di dời khiến người dân và ngay cả các cấp quản lý gặp nhiều lúng túng. Phần lớn mới chỉ dừng lại ở việc đưa linh vật từ nơi này sang nơi khác. Đây đang là câu hỏi lớn chưa tìm ra lời giải đáp thỏa đáng.
 
Đã hơn nửa năm từ khi có Công văn 2662 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, nhưng tại một số công sở, đơn vị, nhiều cặp sư tử đá vẫn hiện diện sừng sững tại vị trí cũ. Có thể thấy, Công văn 2662 ra đời trong bối cảnh, tại nhiều di tích trong cả nước xuất hiện các vật lạ được bày trí trong khuôn viên bảo vệ di tích và trong nội tự như sư tử đá, hồ đá, lọ lộc bình… Việc tiếp nhận các hiện vật trên khi chưa có cơ sở khoa học, chưa được phép của các cơ quan có thẩm quyền, một số hiện vật không phù hợp với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam đã ảnh hưởng tới cảnh quan, gây phản cảm ở những nơi công cộng.
Hiện nay, hình ảnh sư tử đá vẫn  hiện diện sừng sững tại các điểm công cộng, nhà dân
Hiện nay, hình ảnh sư tử đá vẫn hiện diện sừng sững tại các điểm công cộng, nhà dân
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An đã có văn bản hướng dẫn, đề nghị các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành, thị trên địa bàn toàn tỉnh tiến hành kiểm tra, rà soát việc sử dụng, trưng bày các biểu tượng, vật phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, nếu phát hiện thì cần tiến hành tháo dỡ, di dời. Đồng thời, tổ chức quán triệt không sử dụng, cung tiến, biếu, tặng các biểu tượng, vật phẩm linh vật “lạ”; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc. 
 
Muốn di dời linh vật ngoại lai, trước hết, phải hiểu sự khác biệt căn bản giữa linh vật ngoại lai và linh vật thuần Việt. Hiện nay, xung quanh vấn đề này cũng còn nhiều điều tranh cãi. 
 
Đền Trìa (xã Hưng Lộc), Nhà thờ họ Lê (xã Nghi Liên) và Đền Trường Tạ (phường Hưng Bình) là 3 di tích có trưng bày sư tử đá. Ngay sau khi có chủ trương của Bộ, các cán bộ văn hóa đã phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành di dời các linh vật ngoại lai ra khỏi vị trí ban đầu. Tuy nhiên, việc “xử lý” các linh vật ngoại lai được thực hiện thuận lợi như vậy là bởi, 3 di tích trên thuộc sự quản lý của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh.
 
Theo bà Phan Thị Anh, Phó trưởng Phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nghệ An, qua khảo sát, TP Vinh và huyện Quỳnh Lưu là 2 địa phương sử dụng nhiều linh vật ngoại lai nhất. Được sự chỉ đạo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện tại tất cả các di tích đã di dời các linh vật ngoại lai. Tuy nhiên, tại các công sở, đơn vị không thuộc quản lý của Sở, dù cán bộ văn hóa đã đến tận nơi tuyên truyền, hướng dẫn việc di dời nhưng nhiều nơi vẫn tiến hành chậm hoặc chưa có hướng di dời.
 
Một phần là do hạn chế về nhận thức của một bộ phận người dân, lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp, chưa phân biệt được linh vật thuần Việt và ngoại lai. Mặt khác, một số địa phương đã nhận thức rõ sự không phù hợp của những linh vật ngoại lai, nhưng khi đưa ra phương án sử dụng máy móc để cẩu cặp sư tử nặng hàng chục tấn thì lại ngại ngùng. Bởi vậy, phương án xử lý những linh vật này đang là “bài toán” nan giải. 
 
Ngoài sự lúng túng của các cấp quản lý trong việc thực hiện Công văn 2662 khi tháo dỡ linh vật ngoại lai thì các hiện vật khác như lục bình, hoa, hồ đá… tại các di tích cũng cần được khảo sát và kiểm tra kĩ càng. Trong khi đó, cho đến nay, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể quy định công tác “hậu di dời” các linh vật trên. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần “ngồi lại”, bàn bạc và đưa ra phương án thích hợp nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả và không gây lãng phí trong công tác di dời. Có như thế mới phát huy được nét văn hóa truyền thống tại các di tích, vừa không tạo gánh nặng cho người dân, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

Mai Hậu

Các tin khác