Văn hóa - Giáo dục

Xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường

14:47, 19/04/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Sau tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi, các em học sinh Trường THCS Hồ Xuân Hương, huyện Quỳnh Lưu cùng ùa vào thư viện, tìm những cuốn sách yêu thích và đọc chăm chú. Đó là một khung cảnh khác hẳn với những thư viện mà chúng tôi đã từng đến. Được biết, thói quen đọc sách từ lâu đã trở thành một nét đẹp của cả thầy và trò nơi đây. Từ khi được đầu tư xây dựng thư viện thông minh, các em học sinh càng hứng thú và tìm đến thư viện đông hơn. Theo đó, thói quen đọc sách, văn hóa đọc trong nhà trường từng bước được hình thành và nhân rộng.
 
Thư viện Trường THCS Hồ Xuân Hương là một không gian rộng rãi, hiện đại và vô cùng bắt mắt, với những tủ sách được sắp xếp ngăn nắp, khoa học với nhiều không gian riêng phục vụ cho việc học tập trong thư viện. Ngoài các tủ sách trưng bày với hơn 4.000 đầu sách, còn có góc tra cứu với 3 bộ máy vi tính phục vụ việc tìm kiếm, tra cứu tài liệu, góc nghe nhìn để chiếu băng đĩa về bài giảng cho học sinh và góc sáng tạo là nơi để các em thể hiện ý tưởng, sự sáng tạo của mình. Thư viện thông minh là dự án do Công ty TNHH điện tử Samsung tài trợ, nhằm cung cấp tài liệu để các em tự học, tự nghiên cứu. Trường THCS Hồ Xuân Hương là một trong 4 trường tại Nghệ An đạt tiêu chí thư viện thông minh được chọn đầu tư xây dựng. 
Các em học sinh chăm chú đọc sách tại thư viện
Các em học sinh chăm chú đọc sách tại thư viện
Cô Lê Anh Hoa, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, từ trước đến nay, học sinh trong trường đều có thói quen ham đọc sách. Vào các giờ ra chơi, thư viện lúc nào cũng đông đúc, nhộn nhịp, phong trào đọc sách trong nhà trường được Phòng GD&ĐT huyện đánh giá cao. Khi chưa có thư viện thông minh, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động để xây dựng và phát triển thói quen đọc sách, văn hóa đọc như: Tổ chức ngày hội đọc sách, kể chuyện theo sách, giới thiệu sách dưới cờ... 
 
Hơn 14 năm gắn bó với thư viện trường, cô Vũ Thị Quỳnh là người dành nhiều tình yêu với sách và nỗ lực để khơi gợi tình yêu sách trong các em học sinh. “Văn hóa đọc phải được rèn luyện từ nhỏ và trường học là môi trường tốt nhất để hình thành thói quen này. Thư viện trường học là nơi hội tụ kiến thức của loài người, giúp thầy và trò không chỉ dạy tốt, học tốt mà còn mở mang trí tuệ, bồi đắp nhân cách, rèn luyện kỹ năng sống.
 
Xã hội hiện đại kéo theo sự phát triển của mạng internet khiến học sinh hờ hững với văn hóa đọc. Bởi vậy, để hình thành văn hóa đọc trong nhà trường, nhà trường phải phối hợp với các tổ chức đoàn, đội, giáo viên thư viện tích cực tuyên truyền, tổ chức nhiều hoạt động bổ ích như ngày hội sách, đồng thời động viên, khuyến khích, khơi gợi tình yêu với sách trong mỗi học sinh”, cô Quỳnh chia sẻ. 
 
Những thay đổi này đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Ngoài khơi gợi tình yêu với sách, các em còn bày tỏ cảm nhận về cuốn sách và có cơ hội thể hiện sự sáng tạo, ý tưởng sau khi đọc sách. Một tiết học môn Ngữ văn tại thư viện diễn ra vô cùng sôi nổi, hào hứng. Sau khi được theo dõi cuốn băng “Trái đất nổi giận”, các em làm bài thu hoạch và trình bày sản phẩm của mình. Trên tấm bảng là những bức tranh do các em tưởng tượng, những nét vẽ nguệch ngoạc nhưng đầy ý nghĩa, cảm xúc.
 
Bức vẽ thứ nhất là một mầm cây mới nhú giữa đống hoang tàn, đổ nát bởi thảm họa sóng thần và núi lửa. Bức vẽ khác là núi lửa, bờ biển đầy những bông hồng đỏ và ánh nến... Các em giải thích, đó là niềm tin, niềm hy vọng để sự sống được hồi sinh trong đổ nát và tình yêu thương của những người may mắn sống sót dành cho những người xấu số. Không ai nghĩ những em học sinh lớp 6 lại có trí tưởng tượng phong phú và suy nghĩ sâu sắc như vậy.
 
Từ tháng 12/2014, trong các tiết học tại thư viện, học sinh được theo dõi những thước phim minh họa sinh động để phục vụ cho bài giảng, khiến buổi học trở nên hấp dẫn và lôi cuốn hơn. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức nhiều cuộc thi cảm nhận về sách, thi vẽ tranh theo sách, mới đây nhất là tham gia cuộc thi “Sáng tác đoạn kết truyện cổ tích” và đạt giải Nhì. Các em có cơ hội thể hiện khả năng tư duy, sáng tạo, trí tưởng tượng để câu chuyện trở nên mới mẻ hơn. Rõ ràng, đây là những hoạt động rất bổ ích, thu hút sự quan tâm, hứng thú của học sinh.
 
Không chỉ riêng Trường THCS Hồ Xuân Hương, nhiều trường tiểu học, THCS đã có nhiều giải pháp, cách làm hay để thúc đẩy thói quen đọc sách trong nhà trường, như Trường THCS Đặng Thai Mai (TP Vinh), Trường THCS Nghĩa Đồng (huyện Tân Kỳ)... Với nhiều cách làm khác nhau, tình yêu sách được khơi gợi và nhen nhóm trong lòng mỗi người, đặc biệt là với giới trẻ.

Huyền Thương - Hồng Nhung

Các tin khác