Văn hóa - Giáo dục
Ký ức của người dân TP Hồ Chí Minh về Ngày toàn thắng
Năm tháng đã trôi qua, nhưng với những người đã chứng kiến thời khắc của ngày 30/4/1975 vẫn không thể nào quên được hình ảnh của Sài Gòn trong ngày tháng tư lịch sử ấy.
Phóng viên VOV tại TP HCM ghi lại những kỷ niệm không thể nào quên của người dân Sài Gòn, những nhân chứng trong ngày chiến thắng 40 năm trước.
Trưa ngày 30/4/1975, Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng quân giải phóng: “Tôi - Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn kêu gọi quân lực Cộng hòa hạ vũ khí xuống, đầu hàng không điều kiện quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ Trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn”.
Không ai có thể ngờ rằng âm thanh tuyên bố đầu hàng quân giải phóng của Tổng thống chính quyền Sài Gòn phát trên Đài phát thanh lúc ấy đã được nhà nghiên cứu lịch sử, Tiến sĩ Nguyễn Nhã ghi âm lại từ chiếc máy cassette cách đây 40 năm. TS Nguyễn Nhã nói: “Tôi đã ghi lại tất cả những âm thanh và những lời trao đổi đầu tiên trong giờ phút quan trọng đó trên đài phát thanh lúc chứng kiến sự kiện quan trọng”.
Ngày đó, chính quyền cũ tuyên truyền về những cuộc tắm máu khủng khiếp mà quân giải phóng sẽ gây ra khi tiến về Sài Gòn đã khiến cho người dân hoang mang lo sợ. Chính vì vậy, sáng 30/4/1975, Sài Gòn vắng lặng, người dân không dám ra đường. Tất cả mọi thông tin chỉ nắm bắt qua chiếc radio.
Ngay khi lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh được phát lên trên đài phát thanh, tiếp đó là chương trình phát thanh trực tiếp do lực lượng sinh viên, trí thức Sài Gòn đảm nhiệm, người dân Sài Gòn an tâm đổ ra đường đón chào quân giải phóng.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã kể rằng không khí Sài Gòn lúc ấy ngoài sức tưởng tượng của ông, kết thúc của nó không giống như bao cuộc chiến tranh khác. Tiến sĩ Nguyễn Nhã nói: “Rất nhiều người ra đường đeo băng đỏ, cầm cờ, trong đó có cả người bà con của tôi trước đây là cảnh sát. Hình ảnh của các anh bộ đội trên những xe tăng, xe cơ giới, xe cam nhông tiến vào các ngã thành phố rất là trật tự, kỷ luật. Tôi thấy hình ảnh người dân phất cờ chào đón càng ngày càng nhiều”.
Liên quan đến sự kiện Dương Văn Minh đầu hàng, có một nhân chứng quan trọng không thể không nhắc đến, đó là kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, Chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn.
Ngay từ sáng sớm ngày 30/4, ông cùng với sinh viên, trí thức và những lực lượng cách mạng nòng cốt trong nội ô đã sẵn sàng dẫn đường cho bộ đội ta tiến vào các khu vực quan trọng của chính quyền Sài Gòn.
Chính ông cùng với giáo sư Huỳnh Văn Tòng tình nguyện dẫn đại đội trưởng Bùi Quang Thận lên nóc dinh Độc Lập để cắm lá cờ chiến thắng. Tiếp ngay sau đó, ông đi cùng Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, Chính ủy Bùi Văn Tùng và một nhà báo Tây Đức… lên xe tiến về phía đài phát thanh và tại đây Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng quân giải phóng không điều kiện.
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái hồi tưởng không khí Sài Gòn ngày ấy: “Đến khi đài phát thanh phát tiếng nói đầu hàng của ông Dương Văn Minh và lời chấp nhận đầu hàng của chính ủy Bùi Văn Tùng, khoảng 14h - 15h chiều Sài Gòn bắt đầu náo động trở lại, dân chúng vui mừng và bắt đầu xuất hiện bộ đội của mình. Dân chúng Sài Gòn yên lòng. Tôi thấy không có tình trạng cướp bóc hôi của, dân chúng thì vui mừng nhất là lớp trẻ, họ ra hòa mình với bộ đội rất nhanh. Dinh Độc Lập là một điểm tụ quân của các mũi tiến quân vào Sài Gòn đầy đường chỗ nào cũng có bộ đội. Chúng tôi cảm thấy đây không phải là một ngày giải phóng kiểu quân sự mà là một cuộc họp mặt của một gia đình lớn gặp nhau sau mấy chục năm xa cách”.
Hòa trong dòng người ra đón bộ đội giải phóng có gia đình bà Đặng Thị Thiệp, gia đình bà Trần Thị Minh Nguyệt, gia đình bà Trần Thị Thắm và hàng ngàn gia đình người Sài Gòn khác…Nhà của các bà nằm ngay trung tâm thành phố nên những gì xảy ra trong ngày 30/4 năm ấy họ gần như thuộc nằm lòng.
Bà Đặng Thị Thiệp, nhà ở quận Phú Nhuận kể: nhiều người ban đầu còn e dè lắm, nhưng sau đó thấy bộ đội giải phóng hiền, dễ thương chứ không như những gì chính quyền cũ tuyên truyền nên đã cầm cờ ra chào đón. Dân chúng Sài Gòn đều háo hức. Nhiều cờ giải phóng đã may sẵn từ trước được đem ra phân phát cho người dân. Bà Thiệp nhớ lại: “Ngày 30/4, quân đội của ta hô to giải phóng miền Nam, giải phóng rồi. Gia đình chúng tôi mừng reo, nhảy múa vì được giải phóng. Quân lính của chính quyền chế độ cũ lột quần áo bỏ đầy đường”.
Còn bà Trần Thị Thắm ở quận Phú Nhuận, ngày Sài Gòn giải phóng bà mới hơn 15 tuổi, nhưng tất cả những gì diễn ra vào ngày 30/4 lịch sử ấy khiến bà không bao giờ quên. Bà đã gặp được những anh bộ đội giải phóng ngay ở đường Nguyễn Văn Trỗi bây giờ và chào đón họ nồng nhiệt. Kỷ niệm ấy vẫn được bà kể cho con cháu nghe vào mỗi lần đại gia đình sum họp. Bà nói: “Giải phóng Sài Gòn, gia đình tôi được đoàn tụ. Tôi vô cùng háo hức, không thể diễn tả được. Người dân tản ra hai bên đường, cầm cờ và khoác tay chào bộ đội và đồng thanh hô to: Giải phóng Sài Gòn rồi, Giải phóng Sài Gòn rồi…”.
Ngày 30/4/1975, Sài Gòn được giải phóng, thành phố Sài Gòn gần như nguyên vẹn. Người dân Sài Gòn đón chào quân giải phóng như đón người thân yêu ruột thịt ở xa mới về. Bắc Nam sum họp một nhà, non sông thu về một mối.
TH