(Congannghean.vn)-Sự trường tồn của dân ca ví, giặm qua nhiều thế hệ là minh chứng rõ nhất cho sức sống mãnh liệt của loại hình nghệ thuật này. Trải qua hàng nghìn năm, những câu hát dân ca được cất lên trong đời sống, lao động của người dân xứ Nghệ vẫn giữ được âm hưởng, làn điệu và tâm hồn của người Nghệ, để rồi được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Để bảo tồn, phát huy giá trị dân ca ví, giặm, đòi hỏi mỗi chúng ta đều phải có trách nhiệm, nhất là trong thời kỳ hội nhập, khi mà giới trẻ đang có xu hướng “quay lưng” với âm nhạc truyền thống.
Những người trẻ “say” dân ca
NSND Hồng Lựu và các em học sinh thể hiện giặm ru “Phụ tử tình thâm” |
Hơn 1 năm trước, giữa lòng thủ đô Hà Nội, có một câu lạc bộ (CLB) dân ca xứ Nghệ được thành lập, cho đến nay, CLB này đã có hơn 60 bạn trẻ trên khắp cả nước tham gia. CLB do chàng trai trẻ Lê Thanh Phong, sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội khởi xướng và thành lập. Phong cho biết, điểm chung của những thành viên khi tham gia CLB là tình yêu với dân ca ví, giặm và mong muốn có thể lưu giữ và lan tỏa loại hình nghệ thuật đặc biệt này đến với người dân thủ đô. Nhiều bạn không thể hát đúng thổ âm của xứ Nghệ, hát còn sai làn điệu, tuy nhiên, những khó khăn, rào cản đó được xóa nhòa bởi niềm đam mê, tình yêu thật sự với dân ca.
Không chỉ nặng lòng với câu hát quê hương, nhiều bạn trẻ còn có nhiều sáng tạo, cách làm hay để góp phần đưa loại hình ví, giặm đến gần hơn với mọi người. Nguyễn Thị Ngân, sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch thương mại Nghệ An cho biết: Là một hướng dẫn viên du lịch trong tương lai, Ngân sẽ kết hợp với các công ty lữ hành du lịch, sắp xếp tour để đưa du khách về với mảnh đất sản sinh ra di sản dân ca ví, giặm. Thông qua đó, nhằm giới thiệu loại hình di sản này qua các chương trình sự kiện để quảng bá dân ca ví, giặm tới du khách trong và ngoài nước.
Đừng “quay lưng” với âm nhạc truyền thống
Nếu như bạn trẻ nào cũng có suy nghĩ, trăn trở trong việc bảo tồn giá trị di sản thì sức sống và giá trị dân ca ví, giặm sẽ được lan tỏa và lưu giữ trong đời sống hàng ngày. Sự phát triển, du nhập của các dòng nhạc thị trường, nhạc nước ngoài đã khiến giới trẻ ngày nay không còn mặn mà với âm nhạc truyền thống. Nhạc sĩ Vũ Tiến Vinh cho biết, hàng năm, Trường Cao đẳng VHNT Nghệ An thường kết hợp với Đoàn Ca múa nhạc dân tộc… tuyển sinh để thu hút, bồi dưỡng và có các chế độ ưu đãi trong bồi dưỡng, đào tạo cho sinh viên nhưng số lượng đăng ký dự tuyển chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.
Trong năm học 2013 - 2014, sau cuộc thi hát dân ca cho học sinh bậc THPT trong toàn tỉnh do nhà trường phối hợp với Sở VH-TT&DL, Sở GD&ĐT tổ chức, Hiệu trưởng nhà trường có quyết định tuyển thẳng một số học sinh có năng khiếu vào học nhưng kết quả, không có học sinh nào đăng ký.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm, chế độ đãi ngộ nghệ nhân dân gian, nghệ sĩ hiện nay vẫn chưa hợp lý, thỏa đáng. Một bộ phận nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc sĩ, diễn viên vẫn đang phải chật vật mưu sinh, đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Cần nêu cao tinh thần trách nhiệm
Để đưa dân ca ví, giặm đến gần hơn với thệ hệ trẻ, không chỉ là trách nhiệm thuộc về ngành văn hóa mà cũng cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành, trong đó ngành giáo dục phải đi đầu nhằm hướng các em đến với dân ca bằng tình yêu, sự tự nguyện, tự giác.
Từ năm 1996, ngành văn hóa đã có nhiều nỗ lực để bảo tồn giá trị dân ca ví, giặm, như dạy hát dân ca trên truyền hình, trong đó, phải kể đến chương trình đưa dân ca vào trường học đã góp phần khơi dậy tình yêu dân ca ví, giặm trong các thế hệ học sinh. PGS. TS Phan Mậu Cảnh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng VHNT Nghệ An cho biết: Giá trị đầu tiên mà chúng ta cần phải phát huy ở dân ca ví, giặm đó là khơi gợi, đánh thức được ở con người những tình cảm sâu nặng về quê hương, xứ sở.
Có như thế, người ta mới thực sự tìm đến, gắn kết với dân ca. Chúng ta phải tìm cách để bảo tồn và phát huy được những giá trị đó trong xã hội đương đại. Thầy cũng khẳng định thêm, đưa dân ca vào trường học là giải pháp tích cực nhất, tuy nhiên, việc giảng dạy còn thiên về thực hành, thiếu giáo trình, tài liệu chuyên sâu.
.