(Congannghean.vn)-Là người Nghệ, ai cũng tự hào khi dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuy nhiên, những tác phẩm dân ca ví, giặm được sáng tác qua nhiều thời kỳ với ngôn ngữ đặc trưng xứ Nghệ, trong đó có nhiều từ cổ rất khó hiểu, thậm chí, cùng một từ nhưng lại có nhiều cách hiểu trái ngược nhau. Để yêu hơn câu ví, giặm quê nhà, cần phải hiểu được nội dung và ý nghĩa của lời ca mà các tác giả cũng như người dân xứ Nghệ bao đời gửi gắm vào trong đó.
Tôi còn nhớ, thời kháng chiến chống Mỹ, có nhiều tác phẩm kịch hát dân ca ví, giặm xuất sắc được nhiều người yêu thích như tác phẩm: “Ví giận thương”, “Không phải tôi”… Thực ra, nguyên tác của “Ví giận thương” hay còn gọi là “Giận mà thương” là vở kịch hát dân ca “Khi ban đội đi vắng” của tác giả Nguyễn Trung Phong, quê ở huyện Diễn Châu. Hồi đó, các tác phẩm này thường được các đoàn văn công của tỉnh cũng như các đội văn nghệ các xã dàn dựng, biểu diễn. Lời ca tuy mộc mạc, khá dễ hiểu nhưng vẫn có nhiều người hiểu theo nhiều cách khác nhau.
Đơn cử, như trong bài “Giận mà thương” có câu: “Vì thương anh nên em bàn với mẹ, quyết ngăn anh không đi chuyến ngược lường”. Tôi nhớ, có lần đi công tác ở Hà Nội, một bác cao tuổi quê ở Nghệ An đang ở Đê La Thành, gần Trường Đại học Văn hoá, Trường Viết văn Nguyễn Du hiện nay hỏi chúng tôi rằng: “Các cậu có hiểu câu hát “Quyết ngăn anh không đi chuyến ngược lường” là sao không?”. Chúng tôi chưa kịp trả lời thì bác nói luôn: “Là vì ở lường tức là Đô Lương ngày xưa có nhiều gái “làm tiền”, ở đó có nhiều quán Cô Đầu, nên các bà vợ sợ chồng đi lên đó rồi dễ bị sa ngã”. Chúng tôi cố giải thích cho đúng với xuất xứ và tinh thần bài hát nhưng bác vẫn không nghe, còn bảo thế hệ các cậu là hậu sinh nên không hiểu.
Dân ca ví, giặm đã đi vào cuộc sống thường nhật của người dân xứ Nghệ |
Mới đây, sau khi dân ca ví, giặm xứ Nghệ được UNESCO vinh danh, tôi có thắc mắc nhỏ không biết hỏi ai bèn lên mạng hỏi nhà thơ Vương Trọng mấy câu trong bài “Phụ tử tình thâm” thuộc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Mấy câu hát ấy như sau:
“Dừ phụ tại trắc mậu
Rồi trắc tại vô thân
Con ở cho có thuỷ có chung
Để phụ từ tử hiếu
Được phụ từ tử hiếu…”
Hai câu: “Dừ phụ tại trắc mậu
Và trắc tại vô thân”…
là ý mần răng hả bác Vương Trọng?
Đợi qua nhiều ngày mà tôi vẫn không thấy nhà thơ Vương Trọng trả lời. Chắc bác ấy quá bận. May sao, NSND Hồng Lựu có ghé đọc và giải thích nguyên văn như sau:
"Dừ phụ tại trắc mậu
Rồi trắc tại vô thân
Con ở cho có thuỷ có chung
Được phụ từ, tử hiếu
Mà được phụ từ, tử hiếu"
Hồi nhỏ, bà nội hát ru em:
“Dừ phụ trại trắc mậu
Rồi trắc trại vô thân...”.
Em không hiểu, hỏi bà thì được bà giải thích: “Mẹ mất đi rồi còn cha, dù cha ốm đau già yếu không mần được chi nựa, nhưng còn cha ở nhà đó, con cụng có cảm giác vững vàng như ngọn núi”. Bà giải thích: “Trại” nghĩa là Rú. Trại là vườn thêm, là cái rú ngoài mảnh vườn ngôi nhà đang ở.
Ý nói đến sự dư thừa, chở che nữa. Em nghe rồi, nghĩ cách giải thích của nội em cũng chưa thoả đáng lắm. Mấy câu sau dễ hiểu rồi. Lớn lên, khi em chuẩn bị cho ra đĩa VCD, em đưa thắc mắc này hỏi ý kiến nhà thơ Thạch Quỳ và PGS.TS Ninh Viết Giao. Cả 2 người đều nói, chỉ có thể giải thích như sau: Mẹ mất thì còn cha ở với con, nếu lỡ có điều bất trắc xảy đến với cha thì con không còn ai trên đời nữa (vô thân) nên con phải sống với cha mẹ thật tốt để khi cha mẹ có chết đi cũng được tiếng cha hiền con hiếu. Cả 2 bác nói đại khái là vậy, anh Quang ạ”.
Qua trả lời của NSND Hồng Lựu, có sự tham vấn của nhà thơ Thạch Quỳ và PGS.TS Ninh Viết Giao, chúng ta càng hiểu và yêu hơn câu dân ca, yêu hơn đời sống văn hoá tinh thần của cha ông, bởi dân ca cũng là biểu hiện tâm hồn cốt cách người Nghệ. Dù đói, dù nghèo, trước khi qua đời, người cha không dặn con điều gì, kể cả việc làm ăn mà chỉ dặn con là ăn ở làm sao có thủy có chung, để được tiếng là “Phụ từ tử hiếu”. Thật đáng trân trọng. Người Nghệ quả là trọng nghĩa khinh tài, trọng cái “tiếng” hơn cái “miếng”. Để được “phụ từ tử hiếu”, thì phải “ăn ở cho có thuỷ có chung”, có trước có sau, vả lại có phụ từ thì có tử hiếu. Câu này được giặm lại 2 lần, ý muốn cho người con khắc cốt ghi tâm lời dạy của cha già.
Không biết, sự giải thích của NSND Hồng Lựu đã làm hài lòng các bạn chưa? Bởi mấy câu này cứ mỗi người hiểu mỗi nghĩa.
Một điều cần quan tâm nữa là, nói về loại hình dân ca ví, giặm, cũng cần hiểu được đặc trưng của nó là gì. Một lần nói chuyện với một nghệ nhân làng quan họ, tôi có hỏi đặc trưng của dân ca quan họ Bắc Ninh là gì và được nghệ nhân trả lời ngắn gọn trong 4 chữ: “Vang - Rền - Nền - Nẩy”.
Vâng! Đặc trưng của dân ca quan họ Bắc Ninh là “Vang - Rền - Nền - Nẩy”. Vậy, đặc trưng của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là gì? Thiết nghĩ, các nhà nghiên cứu văn hoá xứ Nghệ cũng cần có câu trả lời thoả đáng để công chúng người Nghệ đã yêu, tự hào thì càng yêu và tự hào hơn dân ca ví, giặm quê mình.
.