Văn hóa - Giáo dục

Mạch nguồn văn hoá trường tồn cùng nhân loại

08:31, 06/12/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Tại kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ văn hóa di sản phi vật thể diễn ra ở Paris, thủ đô nước Pháp, UNESCO đã chính thức công nhận dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là sự kiện trọng đại không chỉ riêng người dân xứ Nghệ mà còn của cả dân tộc, khi loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian được nhân loại vinh danh.
 
Đã từ lâu, loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian này đã ăn sâu vào tâm trí của mỗi người dân xứ Nghệ bằng những làn điệu dân ca, hát ví trong đời sống hàng ngày. Những bài hát ru, câu hát giao duyên, khuyên bảo, dạy dỗ… đều được lồng ghép trong những làn điệu mượt mà, đằm thắm mà sâu lắng tình người. Không ở đâu xa, chắc hẳn mỗi chúng ta ngay từ khi sinh ra đã được nghe bà, mẹ hát ru bằng những làn điệu dân ca như: “Thập ân phụ mẫu”, “Phụ tử tình thâm”, “Lời mẹ hát”… Rồi đến khi lớn lên, chúng ta lại được nghe những điệu ví, câu hò trong lúc lao động, dịp hội hè, lễ, Tết… khiến người với người thêm yêu thương nhau hơn. 
Dân ca ví, giặm có sức sống trường tồn trong tiềm thức người dân xứ Nghệ
Dân ca ví, giặm có sức sống trường tồn trong tiềm thức người dân xứ Nghệ
 
Dân ca ví, giặm xứ Nghệ đã theo các chiến sĩ ra chiến trường, góp phần xóa tan sự vất vả, gian nguy nơi tiền tuyến. Còn nơi hậu phương, trong lúc hăng say lao động, những phút nghỉ ngơi, họ cũng dễ dàng hát cho nhau nghe để xua tan mệt mỏi. Hay những nam thanh, nữ tú thường hát đối đáp, giao duyên khi gặp nhau ngoài trận mạc, cất lên lời ca giữa một thời “hoa lửa”. Những làn điệu dân ca ví, giặm đã theo bao lớp người đi muôn nơi để khi gặp, nhận ra đồng hương xứ Nghệ, họ đều ôn lại làn điệu dân ca quê mình và cùng hướng về nguồn cội. Như mạch nguồn nuôi dưỡng cốt cách chân chất, mộc mạc, sự gắn bó với nhau trong cuộc sống, làm nên “đặc trưng riêng” của xứ Nghệ qua các làn điệu dân ca ví, giặm. 
 
Từ hàng trăm năm nay, trải qua bao thăng trầm lịch sử, dân ca ví, giặm xứ Nghệ đã trở thành loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian, là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong đời sống của người dân. Có những người lập nghiệp xa quê hương, Tổ quốc nhưng khi nghe một làn điệu dân ca, trong họ bỗng dưng nhớ quê hương da diết. Từ những lớp trẻ trường làng cho đến các cụ già đã sống qua 2 thế kỷ, từ những mẹ, những bà, những chị cho đến người dân “một nắng hai sương” nơi ruộng đồng nắng cháy, hay dân vạn chài gắn bó trên sông nước cũng có thể thuộc những làn điệu dân ca ví, giặm mà cha ông để lại. Họ, cũng chính là “tác giả” của những làn điệu dân ca ví, giặm mà đến nay, ý nghĩa của câu từ vẫn còn sống cùng năm tháng.
 
Khi biết tin dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được nhân loại vinh danh bảo tồn và phát triển, từ những người nông dân hàng ngày lam lũ trên đồng ruộng, lúc thảnh thơi quây quần bên ấm nước chè xanh, đến tầng lớp trí thức và trên khắp các trang mạng xã hội, ai cũng chung niềm hân hoan, vui mừng. Các báo, đài Trung ương và địa phương thời gian này đều ưu tiên thời lượng, dành phần “diện tích” trên mặt báo để đăng tải sự kiện trọng đại này tới đông đảo công chúng. Với loại hình văn hóa là “đặc sản xứ Nghệ”, trải qua nhiều thế kỷ trường tồn cùng dân tộc, nay đã được vinh danh trong lịch sử của nhân loại. Tự hào và trách nhiệm. Hơn bao giờ hết, tận sâu trong tâm trí người dân xứ Nghệ, để có được niềm vui như ngày hôm nay là cả một quá trình tâm huyết gìn giữ, phát triển. 
 
Em Nguyễn Thị Hiền, sinh viên Trường ĐH Vinh tâm sự: “Từ khi nghe tin dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, chúng em rất tự hào. Sinh ra ở mảnh đất Võ Liệt (Thanh Chương), từ nhỏ, em đã được nghe bà nội hát ru bằng làn điệu dân ca quê nhà. Khi lớn lên, mỗi dịp làng có lễ hội, được nghe các nam thanh, nữ tú hát đối giao duyên, bọn em thích thú lắm. Qua những lớp anh chị hát dân ca trong các cuộc sinh hoạt đoàn thể ở địa phương vào những đêm trăng sáng, lớp trẻ chúng em cũng đã thuộc rất nhiều làn điệu và có thể hát bất cứ lúc nào. Dân ca xứ Nghệ với điệu ví, câu hò khiến chúng em thêm yêu quê hương, yêu mảnh đất mà mình may mắn được sinh ra và gắn bó đến nay. Qua sự kiện này, chúng em lại càng ý thức việc gìn giữ những giá trị phi vật thể đã được cả thế giới vinh danh, công nhận”. Không chỉ vậy, từ trong sâu thẳm mỗi người con xứ Nghệ, khi được hỏi về dân ca ví, giặm, ai cũng chung một niềm vui hân hoan.
 
Theo tìm hiểu, hiện nay đang tồn tại 260 làng, 75 nhóm với hơn 1.500 thành viên có thực hành dân ca ví, giặm ở địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Được biết, sau sự kiện này, tỉnh Nghệ An sẽ có những chiến lược với các kế hoạch dài hơi nhằm tiếp tục bảo tồn, phát huy loại hình văn nghệ dân gian trong đời sống cộng đồng bằng những việc làm cụ thể. Đó là việc đa dạng hóa các loại hình như đưa dân ca ví, giặm vào trường học, nhân rộng mô hình CLB đàn và hát dân ca, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu hơn về giá trị của di sản nhân loại.
 
Mặt khác, tỉnh sẽ chỉ đạo các ban, ngành chức năng tăng cường công tác sưu tầm, phát hiện những làn điệu cổ nhằm làm sống lại giá trị loại hình văn hóa dân gian đã trường tồn cùng người dân xứ Nghệ. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần khuyến khích hơn nữa các CLB, bồi dưỡng, tập huấn cho nghệ nhân hát dân ca ví, giặm gắn với du lịch để du khách thập phương khi dừng chân xứ Nghệ có thể nghe và cảm nhận loại hình văn hóa dân gian là nét đặc trưng của xứ Nghệ. 

Ngọc Thái

Các tin khác