Văn hóa - Giáo dục

Cần sớm giải quyết bài toán 'vật lạ' ở các di tích

15:09, 30/11/2014 (GMT+7)

“Vật lạ” ở các di tích đang là bài toán mà các ban ngành liên quan cần sớm quan tâm giải quyết bởi việc sử dụng đúng những linh vật, biểu tượng, vật phẩm truyền thống ở các nơi thờ tự, di tích lịch sử chính là góp phần tôn vinh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

“THƠ TỤC” Ở CHỐN THIỀN

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao việc TS Trần Trọng Dương phát hiện một bài thơ ca ngợi vị thần tình dục nổi tiếng của Trung Hoa lại được viết lên một đôi lộc bình đặt ở chính điện chùa Vân Tiêu, Yên Tử (Quảng Ninh). Bài thơ trên đôi lục bình viết rằng: Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương/ Vu Sơn vân vũ uổng đoạn trường (dịch nghĩa là: Một nhành hồng thắm móc ngưng hương/ Chuyện mây mưa ở Vu Sơn vốn đoạn trường). TS Trần Trọng Dương phân tích: Vu Sơn Vu Giáp là vị thần tình dục nổi tiếng của thơ văn Trung Hoa. Bây giờ chúng được đưa lên non thiêng Yên Tử thế này hoàn toàn không phù hợp. Sau khi nhận được những thông tin từ TS Trần Trọng Dương, Ban quản lý khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử (Quảng Ninh) đã ngay lập tức cho di dời đôi lộc bình này ra khỏi tam bảo chùa Vân Tiêu, Yên Tử. Trả lời báo giới, ông Nguyễn Trung Hải (Trưởng ban quản lý khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử) thông tin thêm: chiếc bình này là hiện vật được người dân cung tiến vào chùa từ khoảng ba năm trước. Do sơ suất, không hiểu rõ nội dung bài thơ chép trên thân bình nên nhà chùa đã đem trưng bày.

234
Độc bình có viết bài thơ Thanh Bình điệu của Lý Bạch
trước khi được di dời khỏi chùa Vân Tiêu, Yên Tử, Quảng Ninh

Theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, tình trạng các “vật lạ” đã tồn tại từ lâu tại các khu di tích ở nước ta. Mọi người cứ tự làm, tự xây và tự cung tiến mà không có một cơ chế kiểm soát kỹ lưỡng nào. Đó là một vấn nạn trong văn hóa thờ cúng của người Việt ta. Điều này có lỗi của cả nhà quản lý và sự thiếu hiểu biết của người dân khi không nhận được sự hướng dẫn cụ thể hay quy chuẩn chung cho những linh vật, hiện vật mà họ muốn cung tiến vào chùa, đền, đình...

CẦN ÁP DỤNG LUẬT NGHIÊM HƠN

Phát biểu trong hội thảo Mỹ thuật ứng dụng hiện nay và vấn đề biểu tượng trang trí trong quá trình hội nhập ở Việt Nam vào cuối tuần qua, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định với vấn đề “vật lạ” ở di tích đang gây nhức nhối dư luận xã hội hiện nay thì trước hết chúng ta cần phải vận dụng luật. Luật Di sản đã quy định không được đưa những vật lạ vào di tích. Đứng về phía quản lý, bà Đặng Thị Bích Liên (Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng cùng ý kiến với nhà sử học Dương Trung Quốc khi cho rằng: Trong công tác quản lý, cấp lãnh đạo luôn yêu cầu các di tích, trong hồ sơ có những hiện vật gì thì chúng ta phải quản lý, bảo tồn và phát huy hiện vật đó theo đúng hồ sơ quy định. Còn những hiện vật không nằm trong hồ sơ đó thì ai nhận và cung tiến vào, người đó phải chịu trách nhiệm đưa ra khỏi di tích nếu không sẽ vi phạm luật và buộc phải xử lý. Trước đó, từ sự phản ứng của dư luận xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi các bộ, ngành, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan, đơn vị yêu cầu các tổ chức, cá nhân không trưng bày, sử dụng hay cung tiến các biểu tượng, vật phẩm, linh vật không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Nguồn: congan.com.vn

Các tin khác