Văn hóa - Giáo dục
Đổi mới sách giáo khoa cần đổi mới cả đội ngũ giáo viên
Đề án đổi mới sách giáo khoa đã nhận được sự quan tâm của đông đảo công luận với nhiều ý kiến trái chiều và nhiều thách thức được chỉ ra. Dự kiến, đề án sẽ được biểu quyết thông qua vào ngày cuối cùng của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13, ngày 28-11. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa thực sự yên tâm về đề án đổi mới sách giáo khoa.
Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa
Theo ban soạn thảo đề án, việc ban hành chương trình và sách giáo khoa mới nhằm đáp ứng yêu cầu tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân. Giáo dục hướng đến toàn diện nhưng vẫn đảm bảo phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, trang bị kiến thức nhưng vẫn bồi đắp đạo đức, lối sống, trang bị các kỹ năng như sáng tạo, tự học…
Nội dung giáo dục mới được thiết kế theo hướng tăng cường tích hợp ở giai đoạn giáo dục cơ bản, phân hóa rõ dần từ cấp tiểu học đến cấp trung học cơ sở và sâu hơn ở cấp trung học phổ thông. Cụ thể, sẽ tích hợp cao những lĩnh vực, môn học ở tiểu học và trung học cơ sở để giảm tải, giảm tính hàn lâm, giảm số lượng môn học bằng cách lồng ghép những nội dung gần nhau của nhiều môn học vào cùng một lĩnh vực hoặc bổ sung, phát triển môn học tích hợp đã có trong chương trình hiện hành tạo thành môn học mới. Chương trình mới đẩy mạnh phân hóa ở trung học phổ thông gắn với định hướng nghề nghiệp. Học sinh chỉ học ít môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, còn lại tự chọn môn học và chuyên đề học tập theo sở trường và nguyện vọng của cá nhân trong giới hạn khả năng đáp ứng của nhà trường.
Thay vì cả nước chỉ có duy nhất một bộ sách giáo khoa của Bộ GD và ĐT do NXB Giáo dục Việt Nam in ấn như hiện nay, theo đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa, việc viết sách sẽ được xã hội hóa để có thể có nhiều bộ sách khác nhau do các tổ chức, cá nhân khác nhau viết. Bộ sẽ thẩm định các sách giáo khoa này trước khi cho phép sử dụng ở các trường phổ thông. Bên cạnh đó, Bộ sẽ vẫn chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa và bán đấu giá bản quyền bộ sách này. Việc lựa chọn sách giáo khoa do các trường quyết định để phù hợp với điều kiện của mình. Theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến là 462 tỷ đồng.
Khá nhiều câu hỏi được đặt ra như Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên chủ trì viết sách giáo khoa? Có hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức, cá nhân tham gia viết sách? Cơ chế xã hội hóa sách giáo khoa thế nào để đảm bảo công bằng? Ai được quyết định chọn sách?...
Chưa thực sự yên tâm về đề án
Thảo luận đề án đổi mới chương trình-SGK sáng 20-11, đại biểu Ngô Đức Mạnh - Bình Thuận cho rằng, việc đổi mới chương trình, SGK là cần thiết, nhưng trước khi tiến hành, Bộ GD&ĐT cần đánh giá căn cơ hoạt động giáo dục thời gian qua. Hiện chúng ta đã có một chương trình và bộ sách thống nhất thì những nội dung nào trong đó còn phù hợp và thiết thực với hiện tại, có nhất thiết phải biên soạn hoàn toàn một bộ sách mới hay không?
Bên cạnh đó cũng có nhiều đại biểu bày tỏ sự chưa yên tâm về khả năng thành công của đề án khi không đặt trong tổng thể các đề án khác. Đại biểu Nguyễn Thùy Trang (TPHCM)cho rằng cần ít nhất 2 đề án phụ trợ bên cạnh đổi mới chương trình-SGK là đề án phát triển đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. “Đề nghị Bộ Giáo dục báo cáo thêm mục tiêu và kinh phí cho 2 đề án kia để đại biểu xem xét tổng thể trước khi thông qua”, bà Trang kiến nghị.
Đại biểu Quốc hội đã thống nhất thông qua nghị quyết tại kỳ họp này, đồng thời, nhất trí chủ trương sử dụng nhiều bộ SGK, trong đó Bộ Giáo dục chủ động biên soạn một bộ để kiểm soát được quá trình đổi mới, và phải công khai quá trình thẩm định SGK.
Không có lợi ích nhóm trong biên soạn SGK
Giải trình trước Quốc hội về đề án đổi mới sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết, ở các nước có nền giáo dục phát triển, chương trình giáo dục thường do các viện nghiên cứu đảm nhiệm. Nhưng Việt Nam chưa có chuyên gia chuyên nghiệp và bộ máy nghiên cứu chuyên sâu về chương trình, SGK, công việc này hiện chủ yếu do các nhà giáo, chuyên gia đảm nhiệm. Với chương trình, SGK mới, Bộ đã định hướng xây dựng theo cách tiếp cận năng lực học sinh, trong đó tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ giáo dục, các viện nghiên cứu nước ngoài có kinh nghiệm, các hội khoa học kỹ thuật thành viên… Bộ trưởng cũng khẳng định, không có vấn đề lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm… trong tổ chức biên soạn sách, chương trình. Phương án xã hội hóa biên soạn SGK chính là do Bộ đề xuất Chính phủ trình Quốc hội.
Đổi mới SGK là cần thiết trong bối cảnh SGK hiện nay được xem là quá tải, nặng tính hàn lâm, lý thuyết, thiếu sự thực tế. Tuy nhiên điều người dân lo lắng là liệu hiệu quả có được như mong đợi. Bên cạnh đó, cần có sự đổi mới cả đội ngũ giáo viên, đổi mới phương pháp dạy học và nâng cấp cơ sở vật chất của các trường. Còn nếu chỉ trông vào mỗi việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa thì cũng không thể nâng cao được chất lượng giáo dục phổ thông hiện nay.
Nguồn: anninhthudo.vn