Văn hóa - Giáo dục
Tâm tình của giáo viên dạy chữ vùng cao
08:53, 19/11/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-“Ngày mới lên, chúng tôi bất ngờ khi nhìn thấy cuộc sống vất vả, thiếu thốn nơi đây. Đường sá đi lại khó khăn, con em không có điều kiện đến trường. Ý nghĩ bỏ nghề chợt lóe lên trong đầu, nhưng rồi vượt lên trên hết là tình thương với học trò. Dẫu vất vả, nguy hiểm luôn rình rập nhưng chúng tôi vẫn gắng bám trụ để dạy chữ cho các em...”, tâm tình của một cô giáo Trường Tiểu học Mường Lống 2, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn cũng là nỗi lòng của rất nhiều thầy cô giáo đang công tác nơi đây.
Lặn lội đường xa, vượt qua những đèo dốc, sông, suối hiểm trở, chúng tôi đến với “cổng trời” Mường Lống. Để đi vào được Trường Tiểu học Mường Lống 2 là cả một sự quyết tâm của chuyến hànn trình. Nghe tin, các thầy giáo đích thân đưa xe máy ra đón vào khiến chúng tôi cảm kích lắm. Ngồi sau xe, chứng kiến đoạn đường đi và được nghe một thầy giáo tâm sự, tôi phần nào hiểu được nỗi nhọc nhằn, vất vả của những người “gieo” chữ nơi đây.
Cô giáo Phùng Thị Nguyệt chia sẻ với P.V những năm tháng công tác tại trường |
Sương mù nhạt dần, Trường Tiểu học Mường Lống 2 hiện ra. Trường nằm trên đỉnh núi cao thuộc bản Sà Lầy. Thầy giáo Phạm Viết Phúc, Hiệu trưởng cho biết: Trường hiện có 236 học sinh với 4 điểm lẻ và 1 cơ sở chính, 100% học sinh là người dân tộc Mông. Là một xã có đến 93% hộ nghèo nên con em không có điều kiện đi học. 32 giáo viên chủ yếu là người dưới xuôi tâm huyết, yêu nghề, với sức trẻ, sự năng động đã tình nguyện lên đây, “gieo” cái chữ cho trẻ em nghèo người dân tộc Mông. Có thầy đã cống hiến trên 20 năm nên từng nếp ăn, nếp nghĩ đã đi sâu vào trong tiềm thức của họ.
Những ngày đầu lên đây, cô giáo Phùng Thị Nguyệt (SN 1983, quê ở huyện Đô Lương) không hình dung nổi vì sao lại có những trường học xa xôi đến thế. Cô không ngờ rằng, mới đó mà đã 7 năm mình công tác ở nơi này, 2 năm mới được về thăm nhà một lần. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương 2, năm 2007, cô Nguyệt tình nguyện lên đây dạy học.
Ngày trước, từ trung tâm xã để vào tận trường, cô phải cuốc bộ, gánh đồ đi mất hơn 1 tiếng đồng hồ, đường sá bùn lầy, lồi lõm. Nghĩ lại cô Nguyệt cười, cho hay: “Lúc đấy, mình chỉ muốn quay về nhà thôi. Nhưng nghĩ đến gia đình, nghĩ đến cuộc sống bà con dân tộc và các em học trò lại gắng gượng bước tiếp...”. Ngày mới lên, thiếu thốn đủ bề: Không điện, không nước, chỗ ở chỉ là một bức vách tạm, lương thực, thực phẩm thiếu thốn. Học sinh chủ yếu là người Mông nên để dạy cho các em hiểu, thầy cô phải dùng song ngữ để diễn tả. Chưa kể đến có nhiều hoàn cảnh khó khăn, các em phải bỏ học. Mỗi lần đến từng gia đình vận động học sinh đến trường là các thầy cô phải chuẩn bị tâm lý từ trước.
Đặc biệt, thời tiết ở đây khi vào mùa đông thì lạnh cắt da, thấu thịt. Có những thời điểm xuống âm độ, học sinh đến trường không đủ ấm sinh ra ốm đau. Có em đêm ngồi học bên bếp lửa cháy vở lúc nào chẳng hay. Thương học sinh co ro, tím tái với manh áo mỏng, nhiều thầy cô đã phải nhường áo của mình cho các em, chỉ mong sao các em được ấm áp để tiếp tục đến trường. Năm 2008, cô Nguyệt lập gia đình. Chồng cô cũng là giáo viên dạy học nơi đây. Sự đồng cảm với hoàn cảnh khốn khó là chiếc cầu nối nhịp yêu thương cho họ nên duyên chồng vợ. Điều mà cô Nguyệt day dứt mãi là ngày bố mất, cô không kịp về tiễn đưa cụ. Nghĩ lại, cô nghẹn ngào: “Lúc đó, đường sá không được như bây giờ, sóng điện thoại không có. Bố mất được 2 ngày mới nhận được tin, mình đau đớn lắm...”.
Giống như hoàn cảnh của cô Nguyệt, cô giáo Biện Thị Hải (SN 1985) quê ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh cũng tình nguyện lên đây “gieo” chữ. Xa nhà, tuổi còn trẻ, mỗi lần lên lớp với các em đỡ buồn, đỡ tủi chứ đêm về lại nghĩ ngợi và thấy cô đơn. Lên đây, cô Hải quen anh Nguyễn Trường Sơn (SN 1984) ở thị trấn Mường Xén, Kỳ Sơn. Hạnh phúc đơm hoa kết trái sau một năm chia sẻ ngọt bùi, buồn vui. Có những thầy cô tuổi xuân trôi qua, khi được thuyên chuyển, đã tình nguyện ở lại bởi gắn bó như người thân không nỡ xa rời... Vất vả, khó khăn là thế nhưng niềm vui, hạnh phúc của các thầy cô giáo là được thấy các em đến trường. Sau giờ tan học, các cô giáo trẻ lại cùng nhau xuống bếp nấu thức ăn cho học sinh. Tiếng nói cười ríu rít làm ấm gian bếp nhỏ, bữa trưa chỉ là hoa chuối với măng rừng nhưng ấm áp trào dâng.
Chia tay các em học sinh và giáo viên Trường Tiểu học Mường Lống 2, tôi cứ tâm niệm mãi lời nói của thầy giáo Phạm Viết Phúc: “Nếu không có tình yêu thương học trò, sự tâm huyết với nghề thì chẳng ai đủ nhiệt thành để bám trụ nơi đây”. Thầm lặng cống hiến tuổi trẻ của mình, các thầy cô giáo làm cho cuộc sống này trở nên tươi đẹp và họ xứng đáng được tôn vinh.
Phan Tuyết