Văn hóa - Giáo dục
Vướng mắc trong phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi
08:37, 14/11/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Theo quyết định 239 của Thủ tướng Chính phủ, phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) trẻ 5 tuổi sẽ hoàn thành trong giai đoạn 5 năm (2010 - 2015). Tại Nghệ An, đã xây dựng đề án đăng ký đến cuối năm 2014 sẽ hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Tuy nhiên, mục tiêu này rất khó cán đích đúng thời gian khi vẫn còn những khó khăn, vướng mắc.
Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, GDMN Nghệ An được củng cố và phát triển. Đề án 239 của Bộ GD&ĐT về phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi đã góp phần quan trọng, tạo diện mạo mới cho bậc học này. Sau khi Đề án được đưa ra, Sở GD&ĐT Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, làm tốt công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, ngành, gia đình và cộng đồng về vị trí, tầm quan trọng của Đề án. Trên cơ sở đó, các huyện, thành phố, thị xã đưa các mục tiêu phổ cập vào nghị quyết phát triển kinh tế, chính trị, xã hội để có kế hoạch triển khai cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.
Toàn tỉnh hiện có 518 trường mầm non, trong đó có 499 trường công lập, 5 trường dân lập và 14 trường tư thục, tỉ lệ huy động trẻ cao so với chỉ tiêu chung toàn quốc, trong đó tỉ lệ trẻ 5 tuổi ra, vào lớp là 48.142/48.142 trẻ, đạt 100%. Công tác chăm sóc, giáo dục trẻ được quan tâm hàng đầu. Các đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp với phụ huynh nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ, đảm bảo khẩu phần, đầy đủ chất dinh dưỡng, 100% trẻ 5 tuổi được ăn bán trú tại trường (kể cả hình thức bán trú dân nuôi), tỉ lệ trẻ 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chiếm 6,7%, thể thấp còi chiếm 7%. Để thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, bên cạnh dựa vào tiêu chuẩn học sinh thì tiêu chuẩn về cơ sở vật chất và tiêu chuẩn về giáo viên đi liền song song với nó.
Phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi khó cán đích đúng đề án |
Hiện nay, toàn ngành học mầm non có 8.695 giáo viên, trong đó giáo viên lớp 5 tuổi có 3.137/3.137 giáo viên, tỉ lệ 100% giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo trở lên, tỉ lệ bình quân giáo viên lớp 5 tuổi trong toàn tỉnh đạt 1,6 giáo viên/lớp (quy định là 2 giáo viên/lớp). Về phòng học, có 1.644/1.787 phòng học theo hướng kiên cố, đạt chuẩn theo quy định tại điều lệ trường mầm non đạt 92%, có 92% lớp có bộ thiết bị dạy học tối thiểu để thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Theo đánh giá chung, tính đến tháng 8/2014, toàn tỉnh đã có 14/21 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi, đạt tỉ lệ có 66,7%. Hiện có 7 đơn vị chưa đạt phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi là: TP Vinh, Nghi Lộc, Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương, Kỳ Sơn, TX Hoàng Mai. Dự kiến, đến cuối năm 2014 sẽ kiểm tra, công nhận các đơn vị tiếp theo và tiếp tục tham mưu, chỉ đạo phấn đấu đạt chuẩn phổ cập vào năm 2015.
Tuy nhiên, thực tế việc phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi khó cán đích đúng kế hoạch khi vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Nghệ An với điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội đã có nhiều ảnh hưởng, tác động đến công tác phổ cập giáo dục nói chung và phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi nói riêng. Địa bàn phức tạp, vùng núi cao đi lại khó khăn nên một số bản xa trung tâm có trẻ 5 tuổi ít, dẫn đến không thể tổ chức lớp mẫu giáo. Hiện, cả tỉnh vẫn còn 549 lớp ghép 2 - 3 độ tuổi, tỉ lệ giáo viên chưa đảm bảo theo quy định, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục và phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Bên cạnh đó, ở thành phố, thị trấn và một số nơi đông dân cư, do nhu cầu đến trường của trẻ tăng nhanh nên nhiều trường đã quá tải, sĩ số trẻ/nhóm, lớp vượt mức quy định, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thiếu, chưa đảm bảo đang là một “bài toán” luẩn quẩn trong bậc học mầm non.
Hiện nay, cả tỉnh còn thiếu 2.508 giáo viên so với yêu cầu, toàn tỉnh có 414/518 trường có nhân viên y tế, thiếu 104 người, kế toán thiếu 11 người. Phần lớn các trường đều phải thuê khoán người nấu ăn nhưng chưa đảm bảo được số lượng theo quy định, vì vậy ảnh hưởng rất nhiều đến việc thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Ngoài ra, điều kiện cơ sở vật chất của trường mầm non còn nhiều hạn chế, hệ thống trường lớp, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi ở một số trường thuộc các xã miền núi, vùng cao chưa đáp ứng được nhu cầu học tập và các mục tiêu phổ cập. Hiện nay, vẫn còn 156 lớp thiếu thiết bị đồ dùng, đồ chơi, phần lớn là các lớp ghép 2 - 3 độ tuổi, tập trung tại các huyện vùng núi cao. Công tác xã hội hóa của ngành học còn gặp khó khăn, đời sống nhân dân thấp nên chưa có nhiều đóng góp hỗ trợ cho nhà trường...
Để thực hiện đúng lộ trình như đã đề ra, thời gian tới, Nghệ An rất cần sự quan tâm từ Bộ GD&ĐT, cụ thể là tiếp tục phân bổ kinh phí thực hiện Đề án phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi và kinh phí các chương trình, dự án khác để tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện; phối hợp các bộ, ban, ngành đồng bộ các văn bản hướng dẫn chính sách cho giáo viên, nhân viên trong trường mầm non. Đồng thời, tổ chức hội nghị về công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi để các địa phương rút kinh nghiệm thực hiện.
Phan Tuyết