Văn hóa - Giáo dục
Thị trường sách thiếu nhi: Vàng, thau lẫn lộn
08:24, 11/11/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Ai cũng biết tầm quan trọng của sách trong việc giáo dục trẻ em nhưng ít người để ý rằng, thị trường sách thiếu nhi hiện nay đang bị thả nổi cả về số lượng và chất lượng.
“Ma trận” sách: Thừa và thiếu
Dạo qua một số hiệu sách lớn trên địa bàn TP Vinh như: Hiệu sách Bắc Miền Trung (33 Lê Mao), hiệu sách Thành Vinh (59 Trần Phú), hiệu sách Gia Lai (283 - 285 Lê Duẩn), dễ dàng nhận thấy nguồn sách dành cho thiếu nhi ở đây khá đơn điệu, cập nhật chậm và ít đa dạng về mặt nội dung, thể loại. Được bày bán nhiều nhất trong các cửa hàng là sách giáo khoa, sách tham khảo, tiếp đó là truyện tranh, truyện cổ tích, truyện dân gian được bày trên giá với bìa sách bắt mắt nhưng lật qua vài trang, không ít người phát hoảng vì nội dung bên trong rút gọn đến mức khó hiểu, biên tập cẩu thả, câu cú không rõ nghĩa. Tuy nhiên, nhân viên cửa hàng sách khẳng định, đây vẫn là mặt hàng bán chạy và dễ tiêu thụ nhất.
Chị Minh Ngọc, chủ một hiệu sách trên đường Nguyễn Phong Sắc cho biết: “Hầu hết phụ huynh đều chiều theo sở thích của con mà ít khi lật giở, đọc hết cả cuốn sách. Vì thế, những cuốn sách đẹp mắt bao giờ cũng bán chạy hơn những cuốn chỉ toàn chữ là chữ. Nhiều người đến hiệu sách chỉ đứng ngoài, đưa tiền cho con vào mua, hay nếu con đòi sách thì lấy đại vài cuốn truyện tranh Doremon mang về…”.
Sách thiếu nhi chất lượng tốt đang ngày một khan hiếm |
Điều đáng buồn là không hiếm những đầu sách bổ ích, có tính giáo dục cao như tủ sách “Văn học thế giới” của NXB Kim Đồng, “Cánh cửa mở rộng” của NXB Trẻ hay “Việt Nam danh tác” của Nhã Nam, sách khoa học, sách dạy kỹ năng sống, hạt giống tâm hồn… thì lại hầu như vắng bóng trên thị trường sách ở TP Vinh. Thỉnh thoảng người ta mới thấy một vài cuốn sách cùng thể loại nhưng số sách này cũng là sách xuất bản đã lâu, sách nhập về không có hệ thống, thiếu trước hụt sau. Đây là hệ quả tất yếu của quy luật cung - cầu khi mà hiện nay, phần đông các bậc phụ huynh chỉ chăm chăm quan tâm đến sách học cho con mà không nghĩ rằng, sách đọc cũng quan trọng với sự phát triển nhân cách và trí tuệ của trẻ.
Sách thiếu nhi cho… người lớn
Cùng với truyện tranh, truyện cổ tích đang bị thả nổi về chất lượng, các loại sách gắn mác 15+ đến 18+ cũng xuất hiện nhan nhản trên thị trường. Việc gắn mác không phải để cấm mà chỉ để tăng tính tò mò và sự hứng thú của trẻ nhỏ.
Tại hiệu sách Thành Vinh 2 (đường Nguyễn Văn Cừ), những đầu sách bày trên kệ dành cho lứa tuổi thiếu niên chủ yếu là truyện tình yêu lâm li bi đát, đầy rẫy cảnh “nóng” với những cái tên na ná nhau như: “Ốc sên không tình yêu”, “Anh nghiện em mất rồi”, “Anh sẽ lại cưa em”, “Anh sẽ mãi yêu em”, “Hãy nói yêu em”, “Hãy nói em yêu anh”... số sách ngôn tình Trung Quốc, tiểu thuyết lãng mạn thị trường này được xếp ở những vị trí dễ nhìn nhất, trong khi các thể loại sách có giá trị hơn lại yên phận ở góc phòng hoặc xếp thành từng chồng ở những nơi khuất nẻo, ít ai nhìn thấy.
Khách hàng là những cô cậu học trò cấp hai, cấp ba hay trẻ hơn nữa hăm hở tìm đọc vì sự tò mò của tuổi mới lớn. Chị Nguyễn Linh Chi, một người dân sống ở đường Kim Đồng (TP Vinh) tâm sự : “Thấy con xin tiền mua sách, nghĩ con ham đọc, tôi cũng vui vẻ cho tiền. Đến khi vào phòng, thấy con đang mải mê đọc một cuốn tiểu thuyết Trung Quốc đầy cảnh “nóng” và ngôn từ tục tĩu thì tôi mới giật mình tá hỏa”.
Trong thời đại văn hóa nghe nhìn và các phương tiện truyền thông ngày càng phổ biến, nhiều bậc phụ huynh đang dần ỷ lại vào sự tiện lợi của internet mà lơ là việc định hướng và thúc đẩy văn hóa đọc cho con em mình. Theo thống kê những năm gần đây, trong số khoảng gần 300 triệu bản sách được xuất bản mỗi năm, có đến 76% là sách giáo khoa, còn sách thiếu niên, nhi đồng chiếm khoảng 10% (gần 29 triệu bản). Nhưng chẳng ai phân định được trong tổng số 29 triệu bản này, có bao nhiêu cuốn chất lượng tốt và bao nhiêu cuốn giả mạo, nội dung không phù hợp, hay thậm chí là độc hại với trẻ nhỏ?
Ai cũng biết sách là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với sự phát triển trí tuệ và nhân cách của trẻ, nhưng câu hỏi đặt ra là, đến bao giờ sách dành cho thiếu nhi - “những mầm non tương lai ” mới được quan tâm và đầu tư đúng mức?
Thu Phương