Văn hóa - Giáo dục
Thị trường xuất bản sách từ điển tiếng Việt
Những 'hạt sạn' cần sớm được loại bỏ
09:20, 07/11/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Các cuốn sách từ điển tiếng Việt ngày càng có vai trò quan trọng trong học tập, nghiên cứu, nhất là với các đối tượng học sinh, sinh viên. Bên cạnh việc cung cấp thông tin về từ ngữ, cách thức sử dụng từ ngữ trong từng tình huống giao tiếp, các cuốn từ điển còn góp phần chuẩn hóa ngôn ngữ, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Tuy vậy, việc xuất hiện những cuốn từ điển nhiều “sạn” được phát hiện thời gian gần đây với những hệ lụy không nhỏ kéo theo đã đặt ra vấn đề, cần quản lý chặt chẽ việc xuất bản sách từ điển nói chung, từ điển tiếng Việt nói riêng, từ khâu biên soạn đến thẩm định chất lượng trước khi cho phép lưu hành trên thị trường.
Một trong những cuốn từ điển được đánh giá là quá nhiều cách giải thích ngô nghê và khó hiểu |
Những ngày qua, câu chuyện về cuốn “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” của tác giả Vũ Chất gây xôn xao dư luận. Đối tượng phục vụ chính của cuốn từ điển là lứa tuổi học sinh, lẽ ra việc giải thích, cắt nghĩa các từ ngữ phải hướng tới tính chuẩn mực, chính xác. Tuy nhiên, cuốn từ điển này lại tồn tại những định nghĩa ngô nghê, nhiều chỗ giải thích hoàn toàn sai lệch nghĩa của từ. Chẳng hạn như từ “lâu đài” được giải thích là “lầu và đền đài”; “thơ ngây” là “ngây thơ”; “quản giáo” là “người coi một giáo đường hay tu viện”; “tao đàn” là “chỗ nằm của tao nhân thi sĩ”; “bế mạc” là “hết dứt buổi hát”; “bồ bịch” là “bạn bè thân thích”; “bóng đèn” là “bóng làm bằng chai trong có tim đốt được bằng hơi điện”…
Đáng nói là, cuốn từ điển đầy “sạn” này đã xuất hiện trên thị trường từ năm 2001 đến nay và có cả trong danh mục tra cứu của Thư viện Quốc gia Việt Nam. Dù chưa có một cuộc khảo sát thực sự đầy đủ nhưng “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” có thể không phải là trường hợp cá biệt, bởi trong xu hướng xuất bản có phần “cởi mở” như hiện nay, sách từ điển vốn cần được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng cũng trở thành một loại sách bình thường trên thị trường mà “học giả”, nhà xuất bản nào cũng có thể biên soạn, in ấn. Trong bối cảnh “trăm hoa đua nở” về công tác biên soạn, phát hành, chất lượng nhiều cuốn từ điển tiếng Việt còn bộc lộ không ít bất cập như trong thời gian qua là điều dễ hiểu. Hệ lụy kéo theo là, ngôn ngữ tiếng Việt bị hiểu méo mó, sai lệch, hoàn toàn không giúp ích gì cho việc nâng cao kiến thức và thẩm mỹ về tiếng Việt cho những người có nhu cầu tra cứu.
Để có thể biên soạn được một cuốn từ điển tiếng Việt, không những người biên soạn phải có kiến thức sâu rộng về ngôn ngữ dân tộc mà còn phải có nghiệp vụ biên soạn từ điển. Nhằm đảm bảo những cuốn từ điển tiếng Việt khi lưu hành trên thị trường phải đạt được những chuẩn mực về tính khoa học, độ trong sáng, nhất thiết phải có quy trình thẩm định chặt chẽ từ các nhà chuyên môn và cơ quan chức năng.
Từ thực trạng những cuốn từ điển tiếng Việt đầy “sạn” vẫn được phép xuất bản, bày bán tràn lan trong một thời gian dài như vừa qua cho thấy, đã đến lúc cần phải có những giải pháp hữu hiệu nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng của các cuốn từ điển tiếng Việt, từ khâu biên soạn đến thẩm định chất lượng. Theo đó, quy trình xuất bản các loại từ điển nhất thiết cần có sự thẩm định kỹ càng về mặt nội dung của các hội đồng khoa học chuyên ngành. Các nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm chính trong quy trình đọc, duyệt nội dung trước khi ký quyết định xuất bản.
Do đó, các nhà xuất bản có những sai phạm liên quan tới chất lượng, nội dung cần phải bị xử lý kiên quyết, triệt để, tránh tình trạng “giơ cao đánh khẽ”. Đối với người sử dụng, khi chọn mua từ điển, cần chú ý đến đơn vị tổ chức biên soạn các cuốn từ điển đó. Chỉ có những đơn vị có uy tín về lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ như: Viện Ngôn ngữ học, Viện Từ điển học và Bách khoa thư… mới có đủ khả năng biên soạn các cuốn từ điển có nội dung, chất lượng tốt. Việc lựa chọn từ điển chính xác và phù hợp sẽ góp phần quan trọng vào việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đây đồng thời là cách để giáo dục lòng yêu tiếng Việt cho thế hệ trẻ, nhất là trong bối cảnh nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng với các nước trên thế giới.
Bùi Minh Tuấn