Văn hóa - Giáo dục

Không nhẹ tay với mạng xã hội làm băng hoại thuần phong mỹ tục

15:04, 02/11/2014 (GMT+7)
Đó là khẳng định của ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền Thông (TT&TT) xung quanh việc cơ quan chức năng mạnh tay “làm sạch” môi trường mạng, đặc biệt là lần đầu tiên một mạng xã hội thuần Việt bị tước giấy phép vĩnh viễn, nhiều trang tin điện tử bị phạt hành chính hàng trăm triệu đồng, gây xôn xao dư luận những ngày qua.
 
PV: Sau khi mạng xã hội Haivl.com bị phạt hành chính 205 triệu đồng và tước giấy phép vĩnh viễn, lãnh đạo Bộ TT&TT khẳng định sẽ chuyển toàn bộ vi phạm của mạng xã hội này sang cơ quan Công an để tiếp tục điều tra, xử lý các vi phạm khác. Đến thời điểm này, Cục đã chuyển hồ sơ sang Công an chưa? Vi phạm khác ở đây là gì thưa ông?
 
Ông Hoàng Vĩnh Bảo: Với chức năng tham mưu cho Bộ, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã hoàn tất toàn bộ hồ sơ vụ việc, trình lãnh đạo Bộ TT&TT để chuyển sang Bộ Công an. Các vi phạm khác là các vi phạm không thuộc thẩm quyền xử lý của Bộ TT&TT mà thuộc thẩm quyền của Bộ Công an.
 
PV: Bên cạnh việc đồng tình với mức xử lý của các đơn vị chức năng, có ý kiến cho rằng, Bộ hơi mạnh tay với DN vi phạm bởi để gây dựng được một mạng xã hội nội với hàng triệu thành viên như Haivl.com đòi hỏi mất rất nhiều thời gian. Thay vì tước giấy phép vĩnh viễn, Bộ có thể cho DN thêm một cơ hội để sửa sai; không nên quá mạnh tay theo kiểu “không quản được thì cấm”?
 
Ông Hoàng Vĩnh Bảo
Ông Hoàng Vĩnh Bảo
 
Ông Hoàng Vĩnh Bảo: Việc xử lý mạnh hay nhẹ là do tính chất và mức độ của các hành vi vi phạm của doanh nghiệp quyết định, Bộ không thể áp đặt chủ quan, tùy tiện. Bộ chỉ thực hiện nghiêm theo các quy định của pháp luật. Nói để xây dựng được mạng xã hội có nhiều thành viên như Haivl.com đòi hỏi mất rất nhiều thời gian là không đúng. Mạng xã hội này chỉ mới được Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp phép cuối tháng 3/2013, tính đến nay mới được hơn một năm rưỡi. Với thời gian ngắn như vậy và với các nội dung vi phạm như các cơ quan chức năng đã chỉ rõ, cơ quan báo chí đã phản ánh thì việc thu hút nhiều thành viên vào Haivl.com quả thật là nguy hiểm và việc thu hồi giấy phép là rất cần thiết, đáng lẽ phải được phát hiện và xử lý sớm hơn để ngăn chặn hậu họa.
 
Bên cạnh đó, nói không cho DN cơ hội để sửa sai hay không quản được thì cấm cũng là thiếu chính xác và có phần phiến diện. Trước thời điểm Haivl.com bị tước giấy phép, không chỉ các cơ quan Bộ TT&TT nhiều lần nhắc nhở, cảnh báo, thậm chí ra công văn yêu cầu gỡ bỏ các nội dung vi phạm. Điều này cho thấy, không phải cơ quan quản lý không cho DN cơ hội để sửa sai mà bản thân DN đã tự thủ tiêu đi cơ hội của chính mình. Quan điểm của Đảng và Nhà nước là khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển các mạng xã hội trong nước, đưa những thông tin lành mạnh, hữu ích trên Internet. Tuy nhiên, chúng ta kiên quyết không vì bảo trợ các mạng xã hội trong nước mà cố níu kéo, dung dưỡng những mạng xã hội có nội dung phản cảm, dung tục, làm băng hoại thuần phong mỹ tục kiểu như Haivl.com. Làm như vậy chỉ có hại cho đất nước, cho xã hội và cho cộng đồng.
 
PV: Việc mạnh tay xử lý mạng xã hội Haivl.com đã ít nhiều lộ diện một vài bất cập trong chính sách quản lý hiện nay. Đó là các DN cung cấp dịch vụ trên mạng Internet trong nước bị quản chặt trong khi đó, việc quản lý các DN, các công ty đa quốc gia cung cấp dịch vụ tại Việt Nam thì vẫn còn đang còn bỏ ngỏ. Liệu điều này có gây ra tình trạng bất bình đẳng giữa DN nội và DN ngoại, khiến DN nội chịu thiệt thòi ngay trên sân nhà?
 
Ông Hoàng Vĩnh Bảo: Đúng là việc quản lý các doanh nghiệp nước ngoài, đặt máy chủ ở nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội vào nước ta hiện nay là rất khó khăn. Trong đó, nguyên nhân chính vẫn là do chính sách quản lý chưa theo kịp thực tiễn, thậm chí là lạc hậu so với thực tiễn vì lĩnh vực này phát triển quá nóng trong thời gian qua. Tuy nhiên, triển khai thực hiện Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng xã hội, Bộ TT&TT đang xây dựng Thông tin hướng dẫn nhằm tăng cường việc quản lý thông tin công cộng qua biên giới, đảm bảo phù hợp với pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế, từng bước thiết lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.
 
PV: Có một thực tế là trong thời gian qua đã và đang xuất hiện tình trạng các trang tin điện tử lách luật bằng cách treo biển hoạt động thử nghiệm, chờ giấy phép. Cục đã có hướng xử lý như thế nào đối với các trang tin hoạt động thử nghiệm này chưa?
 
Ông Hoàng Vĩnh Bảo: Qua thanh tra, kiểm tra, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã biết việc này và thời gian qua, Cục cũng đã tiến hành xử phạt hành chính nghiêm khắc một số trường hợp khi biết rõ địa chỉ và pháp nhân thực hiện. Các trường hợp khác, trong khi chưa xác định được địa chỉ và pháp nhân chính xác, chúng tôi đã chủ động phối hợp với Trung tâm Internet của Bộ và các doanh nghiệp đặt máy chủ đề nghị tạm dừng hoạt động của tên miền đó để chờ xử lý sai phạm.
 
Hiện nay, Bộ TT&TT đang chỉ đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử phối hợp với Thanh tra Bộ và các đơn vị chức năng của Bộ tiếp tục rà soát, kịp thời phát hiện và có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các trang thông tin điện tử, mạng xã hội không phép nhưng lách luật theo kiểu “thử nghiệm, chờ cấp phép”. Ngoài việc xử lý nghiêm các sai phạm kiểu này, chúng tôi sẽ kiên quyết không cấp phép cho các doanh nghiệp này nữa. Mới đây, Cục chúng tôi đã chuyển Thanh tra Bộ xem xét, xử lý khoảng gần chục trang thông tin điện tử, mạng xã hội hoạt động kiểu “lách luật” này.
 
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, từ đầu năm đến nay, Bộ TT&TT đã siết chặt quản lý trang tin điện tử và mạng xã hội song vẫn còn nương nhẹ với các vi phạm của báo điện tử. Việc xử lý vi phạm với báo điện tử trong thời gian tới liệu có mạnh tay như cách đã làm với trang tin điện tử và mạng xã hội không, thưa ông?
 
Ông Hoàng Vĩnh Bảo: Hoàn toàn không có việc nương nhẹ với các báo điện tử. Dẫn chứng gần đây nhất, Cục đã phối hợp với Thanh tra Bộ xử lý nghiêm khắc đối với báo Trí thức trẻ: phạt tiền hơn 200 triệu và tước quyền sử dụng Giấy phép trong thời hạn 3 tháng. Quan điểm của Nhà nước ta đã được thể hiện trong các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông là: Cùng một hành vi vi phạm như nhau, tính chất và mức độ như nhau thì bao giờ cũng xử phạt báo chí nặng hơn trang thông tin điện tử và mạng xã hội. Bởi vì báo chí là cơ quan thông tin chính thống, được tạo các điều kiện và lợi thế hơn trang thông tin điện tử và mạng xã hội. Ví dụ, hàng tuần các cơ quan báo chí đều được các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cung cấp, định hướng thông tin, nhắc nhở, lưu ý; được các cơ quan nhà nước cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất. Do vậy, lãnh đạo các cơ quan báo chí đòi hỏi phải có các tiêu chuẩn cao hơn.
 
Cũng phải nói thêm rằng, trong thời gian qua, báo chí nói chung, báo điện tử nói riêng đã có những đóng góp rất lớn trong việc phát hiện, lên án, phê phán các hành vi sai phạm của các trang thông tin điện tử và mạng xã hội, giúp cho cơ quan quản lý trong việc xử lý các sai phạm đó một cách kịp thời, nghiêm khắc. Nhân đây, tôi cũng xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành đến các cơ quan báo chí đã luôn đồng hành, chia sẻ và hỗ trợ tích cực cho các cơ quan quản lý nhà nước như Cục chúng tôi. Tôi cũng tha thiết đề nghị, các cơ quan báo chí, nhất là báo điện tử sẽ chủ động rà soát, chấn chỉnh các hoạt động liên kết, nhất là với các trang thông tin điện tử tổng hợp và các chuyên trang của báo, không để xảy ra các sai phạm đáng tiếc, đảm bảo để báo chí luôn giữ vai trò chủ đạo, định hướng thông tin trong xã hội, giữ trọn niềm tin với bạn đọc.
 
PV: Xin cảm ơn ông!
 

Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác