Văn hóa - Giáo dục

Hà Tĩnh

Sáp nhập 11 năm, trường vẫn phải tổ chức học 2 ca

14:05, 28/10/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Là đơn vị đầu tiên của ngành giáo dục Hà Tĩnh thực hiện chủ trương sáp nhập, thế nhưng sau 11 năm, thầy và trò Trường THCS Trà Linh, huyện Can Lộc vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi cơ sở vật chất không đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Đây cũng là trường duy nhất trên địa bàn huyện đến nay vẫn phải “ngậm ngùi” tổ chức học 2 ca vì thiếu phòng học trầm trọng. 
 
Trường học duy nhất của huyện vẫn phải học 2 ca
 
Thực hiện chủ trương sáp nhập của ngành giáo dục, năm 2003, từ 2 Trường THCS Phú Lộc và THCS Nga Lộc “kết” lại thành Trường THCS Trà Linh. Thế nhưng, 11 năm qua, nhà trường vẫn phải tổ chức cho học sinh học 2 ca vì thiếu phòng học. Hiện tại, do trường chỉ có 12 phòng, trong khi có tới 21 lớp với 661 học sinh nên phải  bố trí khối 8, 9 học ca sáng và khối 6, 7 học ca chiều. 
1901 up.zip
Phòng họp của trường cũng trở thành lớp học 
Chúng tôi đến Trường THCS Trà Linh khi 2 lớp đang có tiết học thể dục giữa sân. Nói là sân thể dục cho oai nhưng thực chất là tận dụng khoảng trống sân trường, cách lớp học vài mét. “Biết học gần như vậy sẽ ảnh hưởng tới những lớp đang học bên trong, nhưng không có sân thể dục nên cũng đành để các em ra sân chạy nhảy đúng theo nội dung của môn thể dục”, thầy Hoàng Quốc Việt, Hiệu trưởng nhà trường bùi ngùi.
 
Dạo một vòng “tham quan” các lớp học, chúng tôi mới thấu hiểu được phần nào những khó khăn của thầy và trò Trường THCS Trà Linh. Không chỉ thiếu mà các phòng học do đã được xây dựng nhiều năm nên ngày một xuống cấp trầm trọng. Sàn nhà nhiều chỗ bị lún và nứt, bàn ghế ọp ẹp, ngói lợp đã cũ, mỗi khi trời mưa nước chảy lênh láng khiến nhiều chỗ các em không thể ngồi được.
 
Vì thiếu phòng học trầm trọng nên cái khó nhất của trường là trong việc bố trí các lớp học phụ đạo cho học sinh lớp 9 cấp. Nhiều lớp của khối 9 phải bố trí học theo giờ nhằm đảm bảo thời lượng cho học sinh. “Em học ca sáng, buổi chiều mỗi tuần học 2 buổi. Từ nhà tới trường đi xe đạp mất khoảng 30 phút. Có những hôm tan học 11 giờ 15 phút, về tới nhà đã gần 12 giờ nên chỉ kịp ăn vội bát cơm là lại tất tưởi chạy đi cho kịp giờ học buổi chiều. Em cũng muốn mang cơm theo để buổi trưa ở lại nhưng phải nhường phòng cho lớp buổi chiều nên bọn em không có chỗ ở”, em Nguyễn Ngọc Mai, học sinh lớp 8 cho biết. 
 
Việc học đã thế, việc dạy càng vất vả hơn. Đặc biệt, đối với những giáo viên nhà ở xa, phải dạy cả 2 ca nên chỉ mỗi việc đi lại cũng trở thành nỗi ám ảnh thường trực: “Vất vả nhất là những hôm trời mưa, buổi sáng và chiều đều có tiết dạy mà nhà xa, đường đi lại khó khăn. Nhiều hôm muốn ở lại nghỉ ngơi một chút để lấy sức cho tiết dạy buổi chiều nhưng vì lo cho hai đứa nhỏ ở nhà nên lại lật đật “đội mưa” về”, cô Ái thổ lộ. 
 
Ngôi trường “nhiều không” nhất huyện
 
Theo báo cáo kế hoạch năm 2014 - 2015 trình lên UBND huyện, Trường THCS Trà Linh có tới “7 không” gồm: Không phòng thí nghiệm, phòng bộ môn,  phòng nhạc, phòng mỹ thuật, phòng tập đa năng, phòng y tế, phòng kế toán. Do cơ sở vật chất quá thiếu thốn nên ngay cả các thầy cô cũng không có phòng làm việc. Bởi vậy, nhà trường đã bố trí kết hợp làm việc chung giữa phòng công đoàn, phòng văn thư, hành chính; phòng hiệu trưởng kết hợp với kế toán; phòng 2 phó hiệu trưởng và y tế là một… 
 
Và, để có cái gọi là phòng học bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, nhà trường đã tận dụng phòng họp, nhà nội trú của giáo viên. Thầy Nguyễn Viết Dũng, giáo viên bồi dưỡng đội tuyển môn Hóa tâm sự: “Đã 7 năm nay, thầy và trò đội tuyển Hóa đều học trong phòng nội trú của giáo viên rộng chưa đầy 13 m2. Trời nắng thì nóng như lò lửa, trời mưa lại phải xắn quần lội vào học. Từ bảng đến bàn ghế đều là tận dụng những số bàn ghế đã hỏng để đóng lại dùng”.
 
Theo thầy giáo Hoàng Quốc Việt: “Điều mà thầy và trò nhà trường lo lắng nhất là hiện nay, các em học sinh vẫn phải học 2 ca. Phòng học thiếu trầm trọng, nền và hành lang cũng xuất hiện nhiều chỗ lún, nứt, hệ thống cửa sổ, vách che bị gỉ, hư hỏng, bàn ghế cũ. Đã vậy, trường hiện còn thiếu khu nhà hành chính để cán bộ, giáo viên làm việc, các phòng chức năng cũng chưa có, trường phải dùng phòng học để kê tủ sách, trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy. Mong muốn lớn nhất là trường có đủ phòng học để học sinh có thể học 1 ca và đầy đủ các trang thiết bị để học sinh thực hành. Nhà trường cũng đã nhiều lần đề xuất với phòng, ban và cơ quan các cấp về vấn đề này nhưng gần 11 vẫn chưa được đầu tư”. 
 
Khó khăn là vậy nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực vươn lên, thầy và trò Trường THCS Trà Linh luôn đạt thành tích cao trong dạy và học. Nhiều năm liền, trường đều có giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi tỉnh, huyện, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi tỉnh, huyện. Đặc biệt, trong năm qua, nhiều em đạt thủ khoa và 1 em đạt giải Nhì cấp tỉnh trong cuộc thi chung kết “Rạng rỡ Hồng Lam”.
 
Rời Trường THCS Trà Linh, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi từng chứng kiến trên địa bàn Hà Tĩnh, nhiều trường vừa mới được đầu tư với đầy đủ cơ sở vật chất nhưng sau khi sáp nhập đã bị bỏ hoang, còn Trường THCS Trà Linh thì ngược lại. Hy vọng, với sự ưu ái cao nhất cho nền giáo dục, các cấp thẩm quyền ở Hà Tĩnh sẽ có những quan tâm cần thiết để giúp thầy và trò nơi đây vượt qua khó khăn, tiếp tục vươn lên trong sự nghiệp trồng người.

Thu Hường - Ngọc Phú

Các tin khác