Văn hóa - Giáo dục
Phòng học cho bậc học mầm non
Cảnh mượn phòng học tạm bao giờ chấm dứt?
09:39, 29/10/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Cảnh học tạm, học mượn ở bậc học mầm non do thiếu phòng học là một vấn đề được quan tâm từ nhiều năm nay trong ngành giáo dục. Thực tế, diện tích phòng học chật chội, cơ sở xuống cấp trầm trọng, không có công trình vệ sinh... đang ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Đó là tình trạng chung của các điểm trường mầm non học nhờ, học tạm.
Nghệ An, theo số liệu thống kê từ Sở GD&ĐT, mặc dù đã có sự vận động xã hội hoá, huy động các nguồn lực để tăng phòng học kiên cố từ 46% (năm 2012) lên 51% (năm 2013), giảm phòng học tạm, tuy nhiên, hiện vẫn còn 570 phòng học tạm, 261 phòng học mượn đã làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục trẻ, tiến độ phổ cập giáo dục mầm non và xây dựng trường chuẩn quốc gia. Cũng do thiếu phòng học nên dẫn đến tình trạng tỉ lệ huy động nhà trẻ chỉ đạt 17,8%, chưa đảm bảo được chỉ tiêu kế hoạch năm học của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT giao.
Thiếu phòng học, Trường Mầm non Cửa Nam đang mượn nhà văn hóa khối cho các em theo học |
Theo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non của tỉnh thì mỗi xã, phường, thị trấn phải có ít nhất 1 trường mầm non công lập. Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn TP Vinh, 2 phường Lê Lợi và Hưng Phúc đến nay vẫn chưa có trường mầm non công lập. Phường Lê Lợi, từ khi phường Quán Bàu tách ra thì từ năm 2005 đến nay, phường không có trường mầm non. Điều này đã gây bức xúc trong nhân dân, bởi trung bình mỗi năm, phường có khoảng 600 cháu trong độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo phải đến lớp.
Vì không có trường nên lẽ đương nhiên, các bậc phụ huynh phải cho con em mình học ở các phường khác, hoặc xin học ở các nhà trẻ, nhóm trẻ tư... Với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì mức học phí tại các trường tư thục không phải là điều đơn giản. Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, phường đã có quy hoạch đất để xây dựng trường mầm non nhưng không có kinh phí.
Giống như phường Lê Lợi, phường Hưng Phúc đến nay cũng chỉ mới có trường mầm non tư thục. Với Trường Mầm non Cửa Nam, do thiếu phòng học nên trường đang phải mượn tạm nhà văn hóa khối để duy trì 2 lớp học 4 và 5 tuổi. Bên cạnh đó, diện tích chật chội, thiếu phòng học đang là một yếu tố để xét công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. TP Vinh hiện có 50 trường mầm non, trong đó có 28 trường công lập và 5 trường dân lập và 17 trường tư thục. Hiện nay còn 4 trường chưa được công nhận trường chuẩn quốc gia, đó là: Mầm non Hồng Sơn, Mầm non Lê Mao, Mầm non Cửa Nam và Mầm non Nghi Đức.
Không chỉ thiếu phòng học trên địa bàn thành phố, đồng bằng mà ở các huyện miền núi, tình trạng này cũng phổ biến. Tại huyện Quế Phong, tỉ lệ nhóm nhà trẻ đến trường mới chỉ đạt 15%, mẫu giáo 3 - 4 tuổi đạt tỉ lệ 87%. Với các xã vùng thấp của huyện như Mường Nọc, Quế Sơn..., do thiếu phòng học nên các trường đã làm phòng học tạm, phòng học mượn tại nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng để các em có chỗ học.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các phòng học mượn, tạm thường tạm bợ, không gian chật hẹp, đặc biệt là không có công trình vệ sinh đã ảnh hưởng rất nhiều đến công tác chăm sóc và dạy dỗ trẻ, cũng như mở lớp bán trú cho trẻ. Theo Quyết định số 14 của Bộ GD&ĐT về điều lệ trường mầm non quy định, một lớp nhà trẻ phải đảm bảo các yếu tố như phòng học độc lập, đủ diện tích, có công trình vệ sinh, có nơi để đồ dùng, đồ chơi và tổ chức bán trú cho trẻ. Với điều kiện miền núi còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được đầy đủ các điều kiện thì tỉ lệ nhóm trẻ đến trường thấp cũng là một điều dễ hiểu.
Để khắc phục tình trạng thiếu phòng học, thời gian qua, tỉnh Nghệ An, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các phòng giáo dục phối hợp với địa phương cho xây dựng thêm các phòng học thông qua công tác xã hội hóa. Các phòng cũng chủ động tham mưu để xin các chương trình, dự án xây dựng trường học, đảm bảo mỗi xã ít nhất có 1 trường mầm non. Hy vọng thời gian tới, với những giải pháp đồng bộ từ các cấp, ban, ngành, bậc học mầm non trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ không còn tình trạng học nhờ, học tạm. Đảm bảo ít nhất một xã, phường, thị trấn có 1 trường mầm non công lập và đạt chuẩn quốc gia, từ đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi...
Phan Tuyết