Văn hóa - Giáo dục
Cử nhân thất nghiệp và những hệ luỵ
09:02, 31/10/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, hiện nay, cả nước có hơn 162.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Riêng tại Nghệ An, mảnh đất có truyền thống hiếu học lâu đời, hiện đang có khoảng 4.000 cử nhân thất nghiệp hoàn toàn (nghĩa là không có công việc gì để làm). Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn có khoảng 8.000 người đã tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ đang thiếu việc làm, họ phải chấp nhận làm việc trái ngành, nghề để kiếm sống.
Ước tính mỗi năm, Nghệ An có khoảng 20.000 tân sinh viên và số lượng cử nhân tốt nghiệp ra trường của tỉnh cũng tương ứng con số trên. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, đơn vị và cơ hội việc làm hàng năm cho các cử nhân trên địa bàn tỉnh lại rất hạn chế. Ông Đinh Xuân Lâm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cho biết: Mỗi năm, theo nhu cầu các đơn vị gửi lên, toàn tỉnh chỉ có nhu cầu đối với 150 công chức và khoảng 1.000 - 2.000 viên chức, trong khi số lượng cử nhân ra trường quá đông. Ở một số cơ quan, nhu cầu chỉ tuyển 1 - 2 vị trí nhưng có đến hàng trăm bộ hồ sơ nộp vào. Như vậy, với tình trạng này, có thể nói, con số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ở tỉnh ta đã và đang ngày càng tăng.
Thực tế trên cho thấy, số lượng cử nhân ra trường hàng năm ngày càng nhiều, cộng thêm số cử nhân đang thất nghiệp đã làm cho cán cân việc làm ở Nghệ An “cung” lệch “cầu”, khiến bản thân các cử nhân và gia đình đều nôn nóng tìm kiếm việc làm bằng mọi giá. Nắm bắt được nhu cầu tìm kiếm việc làm, nhiều đối tượng lừa đảo đã lợi dụng cơ hội này để bày trò “chạy việc”, thực hiện ý đồ chiếm đoạt tài sản. Mới đây, Báo Công an Nghệ An đã phản ánh một số trường hợp bị lừa đảo số tiền hàng trăm triệu đồng vì tin lời “cò” chạy việc. Việc làm ở đâu chưa thấy nhưng số tiền mất đi thì đã hiện hữu.
Hẳn chúng ta còn nhớ, cách đây không lâu, đối tượng Bùi Xuân Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ An đã lợi dụng chiêu bài “chạy việc” để lừa đảo nhiều người, chiếm đoạt số tiền hơn 10 tỉ đồng. Sự việc bị phát hiện, Lâm phải trả giá cho những hành vi của mình, nhưng số tiền các gia đình đã trót đưa cho hắn thì không biết bao giờ mới lấy lại được.
Không ít sinh viên sau khi ra trường lâm vào cảnh tiền mất tật mang vì trót tin vào lời lừa đảo của “cò” chạy việc - Ảnh minh họa |
Cũng với câu chuyện ra trường không xin được việc làm rồi tin vào một đường dây “chạy việc”, Hoàng Thị B. trú tại huyện Nam Đàn chia sẻ với chúng tôi: Sau khi đọc mấy bài báo về lừa đảo chạy việc trên Báo Công an Nghệ An, em mới biết mình còn may mắn vì đã lấy lại được số tiền đặt cọc hơn 30 triệu sau gần 1 năm nhờ “chạy việc”. B. kể, em học Cao đẳng Sư phạm tiếng Anh, ra trường đã lâu nhưng không xin được việc làm. Cách đây hơn 1 năm, thông qua mối quan hệ quen biết, có người hứa xin cho em về công tác tại một trường học ở huyện Hưng Nguyên, với số tiền trọn gói là 120 triệu đồng. Ban đầu, họ yêu cầu đặt cọc 30 triệu đồng để làm chi phí.
Thấy tình cảnh ở nhà mãi không có việc làm nên bố mẹ quyết định vay mượn tiền khắp nơi để đưa cho họ, với mong muốn sẽ tìm cho em được một việc làm ổn định. Thế rồi, tháng này qua tháng khác, khi thấy mọi việc im lìm, gia đình em bắt đầu gọi hỏi người “chạy việc” thì họ nói phải chờ có đợt, nhưng chờ mãi cũng không thấy tin tức gì. Nhiều lần gia đình ngỏ ý xin lại số tiền đặt cọc thì họ nói, đã nốt công chờ rồi, chỉ còn mấy ngày nữa tuyển dụng, rút tiền về lại bỏ phí cơ hội hiếm có. Thế là gia đình lại tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi, nhưng thực chất đó là cách trì hoãn của họ. Sau gần 1 năm, thấy tình thế không khả quan, gia đình em quyết xin rút lại khoản tiền đặt cọc, may nhờ chỗ quen biết nên họ vẫn trả lại.
Để có được tấm bằng đại học, người học phải mất khoảng thời gian 4 - 5 năm liên tục “đèn sách”, nhưng học xong không có việc làm hoặc chấp nhận làm trái ngành để kiếm sống là một sự lãng phí quá lớn về thời gian, công sức và tiền bạc. Hiện nay, nhiều gia đình nông dân nghèo đang rơi vào tình cảnh khốn đốn bởi không biết lấy đâu ra hàng trăm triệu đồng để hoàn trả cho Ngân hàng Chính sách xã hội khi thời hạn cho vay ưu đãi đối với sinh viên đã hết. Trong khi đó, con cái học xong ra trường đang vất vưởng, không có việc làm.
Trong điều kiện việc làm khó khăn như hiện nay, một số cử nhân đã chấp nhận “học ngược”, nghĩa là đã có bằng đại học nhưng đi học lại hệ trung cấp hoặc học nghề để tìm việc làm kiếm sống. Anh Tr. - thợ sửa xe máy ở phường Quán Bàu, TP Vinh, cho biết, anh từng tốt nghiệp đại học sư phạm. Ra trường cũng mang hồ sơ xin việc chạy khắp nơi nhưng đồng lương hợp đồng thời vụ không đủ sống. Sau 3 năm phiêu bạt, anh trở về quê học nghề sửa chữa xe máy. Tr. bảo: Trước mắt, em sửa chữa xe máy rồi sẽ học sửa chữa ôtô để theo kịp xu thế phát triển. Hiện tại, ki-ốt sữa chữa xe máy mang lại cho anh nguồn thu nhập 400.000 - 500.000 đồng/ngày.
Có thể nói, vào đại học không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp. Bằng chứng là đã có nhiều người trở thành những ông chủ doanh nghiệp lớn nhưng họ không có bất cứ tấm bằng cử nhân nào. Trong khi, hiện nay có những người có đến 2 tấm bằng cử nhân, thạc sĩ nhưng vẫn thất nghiệp, hoặc chấp nhận làm trái nghề để kiếm sống.
Trong những năm gần đây, các trường đại học ở nước ta liên tục phát triển. Khi các trường chạy đua, cạnh tranh để tuyển sinh bằng mọi giá thì cánh cửa đại học sẽ rộng mở hơn với nhiều người. Tuy vậy, nếu không lường trước được cơ hội, tìm ngành nghề phù hợp với xu thế phát triển của đất nước, sẽ còn nhiều cử nhân “gác” bằng đi học nghề, hoặc chấp nhận làm trái ngành để kiếm sống.
Đức Thắng