Văn hóa - Giáo dục
Hành trình về đất Phương Nam
“Từ là từ phu tướng
Bảo kiếm sắc phong lên đàng
Vào ra luống trông tin chàng
Năm canh mơ màng…”
Với nhiều người dân Việt nói chung và đặc biệt là với người miền Bắc, miền Trung hình ảnh những cánh rừng ngập mặn nguyên sơ ngút ngàn, hay hình ảnh cô gái mặc áo bà ba, vai quàng khăn rằn ngồi ôm nguyệt cầm ngân nga bản dạ cổ hoài lang có một sức lôi cuốn, hấp dẫn đến kỳ lạ.
Cùng với hơn 20 phóng viên, nhà báo đến từ các cơ quan báo chí và đài truyền hình trên khắp các vùng miền đất nước, phóng viên Báo Công an Nghệ An cũng đã có một chuyến đi về miền sông nước ấy; theo cuộc “hành trình về đất phương Nam” được tổ chức bởi Công ty Dịch vụ Du lịch Viettravel và hãng Hàng không Vietjet Air.
Vừa xuống sân bay, miền Tây đón chúng tôi bằng một cơn mưa đồng bằng, nhưng chỉ ít phút sau đã ráo tạnh, nắng lên, bầu không khí dịu mát, cảnh vật tươi sáng như chính nụ cười đôn hậu và tình cảm thân thiện của người dân ở những nơi đoàn chúng tôi đi qua.
Chợ nổi Cái Răng, nét văn hóa độc đáo của vùng sông nước miền Tây |
Du lịch về miền Tây chắc chắn không thể bỏ qua chợ nổi Cái Răng, nét độc đáo và đặc điểm chính của chợ nổi Cái Răng là chuyên buôn bán các loại trái cây, đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Người ta dậy từ rất sớm và tụ tập trên sông bằng các phương tiện như xuồng, ghe, tắc ráng,…trên mỗi phương tiện như vậy người dân dựng một cây sào dài ở mũi thuyền và treo loại hoa quả mình bán lên đó như một biển hiệu. Du khách chỉ cần nhìn lên là hiểu rằng “ở đây bán xoài” hay “ở đây bán dừa”…
Cứ thi thoảng lại có một con thuyền nhỏ cập sát vào thuyền của chúng tôi và rao bán các loại trái cây với chất giọng đậm chất miền Tây, ngọt như mía lùi, nhẹ nhàng đến mức xiêu lòng, không thể không mua vài trái. Tuy nhiên khi thấy ghe nào treo quần áo thì không nên hiểu là bán quần áo mà bởi vì các tiểu thương ở đây cũng sống và sinh hoạt luôn trên những chiếc ghe đó. Loại hình buôn bán đặc trưng này và sự tươi ngon của hoa quả vùng đồng bằng Sông Cửu Long chính là sự hấp dẫn và là nét văn hóa riêng của vùng sông nước miền Tây.
Rời chợ nổi Cái Răng, cuộc hành trình tiếp tục trên con đường hướng về Sóc Trăng, Bạc Liêu; về với văn hóa truyền thống của người Khmer, với ngôi chùa K’leang gần 500 năm tuổi và những truyền thuyết về các vị thần của người Khmer.
Nhắc tới Bạc Liêu, có lẽ nổi tiếng nhất vẫn là các câu chuyện về cậu Ba Huy, tức Công tử Bạc Liêu (tên thật là Trần Trinh Huy). Vị công tử nổi tiếng ăn chơi, tiền xài như nước. Ngôi nhà bề thế bậc nhất lục tỉnh Nam kỳ thời bấy giờ của Công tử Bạc Liêu nằm ngay trung tâm thành phố Bạc Liêu nay đã được tu sửa và trở thành nơi tham quan lí thú của du khách. Câu chuyện về các vật dụng quý hiếm, giá trị hàng chục tỷ đồng và các giai thoại về vị công tử này vẫn chưa bao giờ hết hấp dẫn.
Đài tưởng niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại Bạc Liêu |
Sau 1 đêm nghỉ lại tại Bạc Liêu và thưởng thức Đờn ca tài tử Nam Bộ, đoàn chúng tôi khởi hành đi Năm Căn, chạy xuồng cao tốc đi Mũi Cà Mau. Với đặc thù nghề nghiệp, những phóng viên như chúng tôi đã đi rất nhiều nơi, nhưng về với điểm cuối của cực nam trên dải đất hình chữ S là một trải nghiệm thật sự thú vị.
Đoàn phóng viên tác nghiệp tại Cà Mau |
“Tổ quốc tôi như một con tàu
Mũi thuyền ta đó – Mũi Cà Mau…”
Từ Năm Căn tới Mũi Cà Mau phải mất 1 tiếng đi xuồng cao tốc. Tới nơi, mọi cảm giác nôn nao, mỏi nhừ vì sóng đánh đều tan biến, cô phóng viên người Hà Nội ngồi cùng thuyền với tôi thốt lên: “Cà Mau đây ư, sao đẹp vậy?!”
Xuyên qua cánh rừng Tràm, rừng Đước, ngắm nhìn những bãi bồi phù sa, thoang thoảng trong làn gió mang theo mùi tanh tanh của bùn, mằn mặn của nước biển, chúng tôi cảm nhận được vẻ đẹp nguyên sơ của vùng đất này. Xen lẫn đó là cảm giác tự hào khi được đặt chân lên mảnh đất tận cùng thiêng liêng của tổ quốc.
Và không có gì thú vị hơn khi được tự tay trồng một cây Đước nhỏ trên đất Mũi Cà Mau, để rồi những năm sau, khi có dịp quay lại, ta thấy cây Đước nhỏ đó đã lớn, hòa vào thiên nhiên đất mũi như chính ta hòa vào đất trời tổ quốc.
Ảnh lưu niệm tại đất Mũi Cà Mau |
Kết thúc hành trình, với những trải nghiệm đầy thú vị, tôi cảm nhận được những độc đáo của miền Tây, có thêm được những người bạn đồng nghiệp trên khắp cả ba miền, và tự hứa với chính mình: “Tôi sẽ về lại miền Tây!”.
Vương Linh