Văn hóa - Giáo dục
Văn chương có ích gì?
14:56, 09/11/2014 (GMT+7)
"Văn chương có ích gì?", đó là chủ đề có vẻ "khiêu khích". Đó cũng là câu hỏi bị nhiều người cho rằng... thừa. Nhưng nó đã được nghiêm túc đặt ra trong buổi tọa đàm cùng 3 vị khách mời của Nhã Nam thư quán, TP Hồ Chí Minh vào sáng 8/11.
Ngay ban tổ chức cũng có vẻ băn khoăn khi nêu vấn đề: văn chương hiện nay có thực sự được coi trọng không nếu với rất nhiều người, giá trị của lao động văn chương đôi khi không được coi trọng bằng giá trị của lao động chân tay?
Ngay từ đầu chương trình, khách mời của chương trình, giảng viên Trần Lê Hoa Tranh, Phó trưởng Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh đã có câu trả lời lập tức cho người tham dự. Chị khẳng định, câu hỏi đặt ra là quá cũ. Bởi lẽ, từ rất nhiều thế kỷ trước, Platon đã có câu nói rất nổi tiếng, đại ý rằng: Hãy choàng vòng nguyệt quế vào cổ các thi sĩ và đuổi họ khỏi cộng đồng. Nhưng, cũng sau bấy nhiêu thời gian, cho đến hôm nay, văn chương vẫn bền bỉ tồn tại, bền bỉ vun đắp ngày càng nhiều hơn cho đời sống tinh thần của con người.
Giữa biển sách mênh mông, việc tìm đúng cuốn sách có giá trị với bản thân là điều không dễ với người đọc trẻ. |
Văn chương có ích cho con người. Tuy nhiên, vì sao văn chương đang bị coi nhẹ và có thực sự bị coi nhẹ trong đời sống hôm nay lại là câu hỏi được đặt ra từ rất nhiều người tham dự tọa đàm. Bạn đọc trẻ Tú Anh cũng cho rằng, sở dĩ văn chương bị coi nhẹ vì rất nhiều người đọc hiện nay đang có những cái nhìn rất thực dụng khi đánh giá văn chương. Nhưng, nhiều ý kiến khác lại khẳng định: Thực dụng trong chọn đọc sách, với tác phẩm văn chương cũng không có gì là xấu. Chọn đọc gì để có ích cho mình trong "biển sách" mênh mông hiện nay không dễ.
Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, người có rất nhiều đầu sách, bài viết được nhiều người yêu thích cho biết, quan điểm của chị là không bài xích loại sách nào, dù nó là truyện ngôn tình, loại văn chương vốn bị nhiều người phê phán với các nhân vật lơ lửng trên mây, "ngây ngây mà sầu, rầu rầu mà khóc".
Theo chị, mỗi sản phẩm văn chương đều có những vị trí nhất định trong đời sống xã hội, nếu không phù hợp, nó sẽ tự bị đào thải. Tuổi nào có tác phẩm văn chương dành cho tuổi nấy. Xưa, chị quan niệm, văn chương là những gì rất cao siêu, giàu mơ mộng. Nay, chị nhìn văn chương có phần thực dụng hơn. Văn chương phải là một nghề của xã hội mà sản phẩm làm ra càng cần cho nhiều người thì càng góp nhiều lợi ích cho xã hội. Bất cứ tác phẩm nào có người đọc thích thú đều chứng tỏ lợi ích của văn chương...
Văn chương có ý nghĩa quan trọng trong xã hội. Ý nghĩa của tác phẩm văn chương được phát huy đến đâu phụ thuộc vào ý chí, hành động chủ quan của từng cá nhân. Chỉ tiếc rằng, vì những lợi ích nhất định, không phải cá nhân nào cũng góp phần giúp tác phẩm văn chương có giá trị lan tỏa trong xã hội, nếu không muốn nói, không ít người vẫn đang vô tình hoặc cố ý tiếp tay phổ biến những cuốn sách mang danh nghĩa tác phẩm văn chương nhưng không có giá trị gì đối với cộng đồng.
Nguồn: Cand.com.vn