Văn hóa - Giáo dục
Sớm giảm tải hồ sơ sổ sách cho giáo viên
(Congannghean.vn)-Từ ngày 15/10/2014, Thông tư 30/TT/2014 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học bắt đầu có hiệu lực. Tại các trường tiểu học trên địa bàn TP Vinh, sau hơn 2 tuần triển khai thực hiện Thông tư 30, dẫu còn nhiều ý kiến trái nhiều, tuy nhiên, việc thực hiện đã dần đi vào nề nếp. Các giáo viên đã bước đầu làm quen với cách đánh giá học sinh, thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm sâu sát đối với học trò.
Đổi mới nhiều tính nhân văn
Nếu như trước đây, việc đánh giá học sinh để xác định kết quả đạt được theo kiến thức chuẩn kỹ năng từng môn học trong cả quá trình và sau mỗi giai đoạn học tập qua các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ của giáo viên, nhà trường thì theo quy định mới, đánh giá là hoạt động quan sát, theo dõi, nhận xét và kiểm tra của giáo viên, học sinh, phụ huynh nhằm tác động thường xuyên đến quá trình học tập, rèn luyện của học sinh, giúp học sinh tiến bộ từng ngày.
Khó khăn lớn nhất trong thực hiện Thông tư 30 là khối lượng hồ sơ của giáo viên đang bị quá tải |
Theo Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT, thay vì dùng điểm số, giáo viên sẽ nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học. Nội dung đánh giá gồm: Quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; sự hình thành và phát triển một số năng lực như:
Tự phục vụ, tự quản, giao tiếp, hợp tác, tự học và giải quyết vấn đề; sự hình thành và phát triển một số phẩm chất như: Chăm học, chăm làm, tích cực tham gia hoạt động giáo dục, trung thực, kỷ luật, đoàn kết...
Trong đánh giá thường xuyên, giáo viên dựa trên cả quá trình học tập và hoạt động giáo dục khác, trong đó gồm cả quá trình vận dụng kiến thức, kỹ năng ở nhà trường, gia đình và cộng đồng. Vì vậy, đòi hỏi các bậc phụ huynh phải thật quan tâm và có trách nhiệm với con cái chứ không phó mặc việc học tập của con cho giáo viên như trước.
Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư, Sở GD&ĐT Nghệ An đã ban hành Công văn số 1747, hướng dẫn các trường tiểu học thực hiện Thông tư 30 và Công văn số 2050, hướng dẫn sử dụng hồ sơ đánh giá học sinh. Qua hơn 2 tuần triển khai thực hiện, Phòng GD&ĐT TP Vinh đã tổ chức họp rút kinh nghiệm.
Mặc dù xung quanh việc thực hiện còn nhiều ý kiến trái chiều, tuy nhiên, hoạt động đánh giá đã dần đi vào nề nếp. Bà Ngô Thị Nguyệt, Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh cho biết: Thực hiện cách đánh giá học sinh theo Thông tư 30 là giúp cho giáo viên thay đổi phương pháp dạy học - yếu tố hết sức quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Hơn nữa, Thông tư 30 đặt niềm tin và trao quyền chủ động rất lớn cho giáo viên, nhà trường.
Ban đầu, có thể gặp khó khăn, nhưng nếu xác định được đánh giá là để giúp học sinh học tốt, tiến bộ hơn thì giáo viên sẽ phát huy được hết trách nhiệm của mình đối với trò. Bà Nguyệt cũng nhấn mạnh tính nhân văn của Thông tư này, đó là giảm tâm lý căng thẳng, không tạo áp lực cho học sinh. Thông qua việc đánh giá, giáo viên phải chỉ ra được lỗi sai để động viên, khích lệ trò mà không chê trách hay so sánh học sinh này với học sinh khác.
Thêm áp lực cho giáo viên
Bên cạnh những tính ưu Việt thì xung quanh việc thực hiện Thông tư vẫn còn nhiều bất cập. Khó khăn nhất đó là hồ sơ của giáo viên đang quá tải. Hiện nay, TP Vinh có khoảng 30 trường tiểu học, trung bình mỗi lớp có 40 - 45 học sinh, 1 cô giáo dạy nhiều môn, chưa kể giáo viên môn Nhạc, Họa, Tin học một lúc dạy nhiều lớp, vì vậy, số lượng hồ sơ là rất lớn.
Thạc sĩ Đặng Quang Canh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Mao cho biết: Đối với những giáo viên bộ môn Nhạc, Họa..., 1 giáo viên có thể dạy tới 15 lớp học, trung bình mỗi giáo viên dạy 400 em. Như vậy, số lượng hồ sơ là rất lớn, khiến các thầy cô không thể nhận xét hết. Thầy Canh cũng cho biết thêm, phương pháp này đã được áp dụng ở nhiều nước phát triển trên thế giới, ở đó 1 lớp học chỉ có 10 - 20 trò. Còn thực tế ở Việt Nam, như Trường Tiểu học Lê Mao, 1 lớp ít nhất có 45 học sinh.
Vì vậy, khối lượng hồ sơ mà giáo viên đứng lớp phải đảm nhận là rất lớn. Nếu như trước đây, vào giờ ra chơi hoặc giờ nghỉ trưa, cô giáo có thể tranh thủ thời gian để chấm bài cho học sinh thì hiện nay, số lượng bài được nhận xét cũng giảm đáng kể. Bởi so với việc chấm điểm thì việc nhận xét, đánh giá từng học sinh sẽ mất nhiều thời gian hơn. Chính vì thế, đã có một số trường tiểu học ở Hà Nội xảy ra tình trạng sử dụng lời nhận xét mẫu có sẵn, các giáo viên đổ xô đi khắc dấu lời nhận xét.
Để giảm tải khối lượng hồ sơ cho giáo viên, mới đây, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các Sở giảm bớt hồ sơ, thủ tục hành chính để giáo viên có thời gian chăm lo, đánh giá học trò. Tại buổi làm việc rút kinh nghiệm thực hiện Thông tư 30, đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An cũng hứa trong thời gian sớm nhất, sẽ thiết kế mẫu hồ sơ để giảm bớt áp lực công việc cho giáo viên.
Huyền Thương