Văn hóa - Giáo dục
Góp phần bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hoá
(Congannghean.vn)-Trải qua 9 lần tổ chức, ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ 10 năm nay (23/11/2005 - 23/11/2014), thực sự trở thành một ngày đầy ý nghĩa, thắp sáng ngọn lửa văn hóa dân tộc trong trái tim người dân xứ Nghệ. Buổi giao lưu, gặp gỡ thân mật giữa các thế hệ trong khối di sản văn hóa nhân kỷ niệm ngày về nguồn diễn ra trong không khí ấm cúng, tươi vui.
10 năm, cùng với sự phát triển của sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch cả nước, công tác văn hóa, thể thao và du lịch ở Nghệ An đang chuyển mình, có những thành tựu khởi sắc, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, phải kể đến công tác quản lý Nhà nước về di sản văn hóa được quan tâm, góp phần tích cực vào việc bảo vệ, phát huy di sản văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh.
Tuy số lượng hội viên chưa nhiều, thời gian hoạt động chưa lâu, nhưng thông qua các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa đã đạt được những kết quả nổi bật. Đến nay, khối di sản văn hóa đã sưu tầm và tiếp nhận hơn 300 hiện vật và tài liệu, hình ảnh có giá trị về văn hóa, lịch sử, trong đó có 107 hiện vật do Chi hội cổ vật Sông Lam hiến tặng.
Hội cổ vật Sông Lam tổ chức triển lãm trưng bày hình ảnh, tư liệu liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung và Triều đại Tây Sơn |
Tổ chức được 17 đợt trưng bày, triển lãm tại chỗ và lưu động như: Kỷ niệm 50 năm Bác Hồ ký lời đề tựa cho Bảo tàng Xô Viết; những đóng góp của quân dân Nghệ An trong chiến dịch Điện Biên Phủ; Đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh - con đường huyền thoại, tổ chức trưng bày phục vụ các lễ hội và kỷ niệm các sự kiện cách mạng, danh nhân; tổ chức nhiều buổi giao lưu, nói chuyện truyền thống tại các đơn vị, địa phương, trường học…
Bên cạnh đó, cũng thu hút được nhiều du khách đến tham quan. Ước tính đến nay, Nghệ An đã đón 46.000 đoàn khách với gần 6 triệu lượt người, trong đó chủ yếu là khách tham quan Khu di tích Kim Liên, Quảng trường Hồ Chí Minh, bảo tàng...
Năm 2014, Phòng Di sản văn hóa lập hồ sơ xếp hạng được 30 di tích, tổ chức đón bằng công nhận di tích và tổ chức hơn 20 lễ hội trên địa bàn toàn tỉnh. Công tác bảo tồn, tôn tạo, tu sửa cấp thiết di tích được chú trọng. Trong đó, nổi bật là Dự án bảo tồn, tôn tạo di tích Kim Liên gắn với phát triển du lịch; Dự án tu bổ, tôn tạo đền Cồng; Dự án Khu lưu niệm Phùng Chí Kiên; Dự án Khu lưu niệm Nguyễn Duy Trinh...
Trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, đến nay, tại Nghệ An đã tiến hành kiểm kê được 760 di sản văn hóa phi vật thể thuộc 7 loại hình. Nhiều di sản đặc sắc, tiêu biểu như dân ca ví, giặm, ca trù, lễ hội... Tại các địa phương, ngoài việc tổ chức lễ hội, các huyện, thành, thị còn thực hiện vận động công đức, tu bổ di tích, hoạt động văn nghệ quần chúng, viết sử, sưu tầm cổ vật, giữ gìn bản sắc văn hóa, làng nghề truyền thống, góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn giá trị văn hóa, đưa văn hóa phục vụ nhân dân và tạo điều kiện cho nhân dân sáng tác các giá trị văn hóa...
Tuy nhiên, khi đất nước đang trong quá trình đổi mới, chuyển mình theo nền kinh tế thị trường, chúng ta có nhiều cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội chứ không riêng gì những người đang trực tiếp công tác trong lĩnh vực di sản văn hóa.
Tại buổi gặp gỡ, giao lưu, dẫu không nói ra nhiều nhưng với những người làm công tác trong lĩnh vực di sản luôn luôn tâm niệm một điều rằng, đã là người chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng thì cần phải nỗ lực phấn đấu hết mình để góp phần làm cho sự nghiệp bảo vệ, phát huy di sản văn hóa đạt được những thành tích tốt hơn, xứng đáng với niềm tự hào của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân xứ Nghệ nói riêng.
Phan Tuyết