Văn hóa - Giáo dục
'Kho tàng sống' về văn hoá một vùng quê
(Congannghean.vn)-Ông Trần Vương được biết đến là một nhạc sĩ nổi tiếng với những ca khúc về đất và người xứ Nghệ. Nhưng ít ai biết rằng, ngoài âm nhạc, ông còn là một nghệ sĩ đa năng, rất đỗi tài hoa ở nhiều lĩnh vực như kịch, truyện, ký, báo chí, nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân gian. Điều đặc biệt là, gia tài đồ sộ những tác phẩm văn hóa nghệ thuật ấy của ông đều hướng về mảnh đất vùng cao Con Cuông như là nguồn cảm hứng chưa bao giờ vơi cạn.
Người nhạc sĩ và tình yêu xứ núi
Chúng tôi gặp ông Trần Vương trong buổi chiều vàng xứ thượng ngàn. Người nhạc sĩ của “Tình ca sông Lam” và “Rừng xuân nhớ Bác” vang bóng năm nào nay đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”. Sức lực không được như xưa, lại thêm bệnh tật dày vò, niềm hạnh phúc lớn nhất bây giờ của ông là được quây quần bên con cháu, tận hưởng năm tháng tuổi già nơi phố huyện.
Giống như con ong cần mẫn bay khắp chốn núi rừng, chắt chiu để trao đời mật ngọt, chẳng quá lời khi nói, nhạc sĩ Trần Vương đã dâng hiến tất cả cho xứ núi mây ngàn này. Sức trẻ, tấm lòng và tài hoa ấy đã cho ra đời một khối lượng đồ sộ những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc nói về Con Cuông và dành riêng cho Con Cuông. Báo chí, văn thơ, nhạc, kịch, truyện, ký, nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân gian…
Không lĩnh vực, tác phẩm nào của ông không vương vấn bóng dáng mảnh đất vùng cao nơi miền Tây xứ Nghệ. Về văn học, ông có cuốn “Đóa hoa rừng”, tuyển tập các bài văn xuôi, bút ký, ghi chép về những điều mắt thấy tai nghe, người thật, việc thật của các nhà giáo ngày ngày lặng thầm gieo chữ nơi vùng cao heo hút.
Nhạc sĩ Trần Vương bên hai kỷ vật thân yêu nhất đời mình là cây đàn và sổ nhạc |
Một số tác phẩm như hồi ký “Bác về thăm trường miền núi chúng tôi” (ghi lại lời kể của cố nhà giáo Vi Văn Phúc về lần đón Bác Hồ đến thăm Trường Sư phạm Miền núi Nghệ An năm 1961), hay bút ký “Đóa hoa rừng” (viết về gương yêu trẻ của cô giáo Lương Thị Hiền) đã được đánh giá cao. Riêng “Đóa hoa rừng” từng đạt giải Nhì cuộc thi viết về gương những người yêu trẻ do báo Yêu trẻ và Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em TP Hồ Chí Minh trao tặng.
Về nghiên cứu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, Trần Vương đã có công biên soạn nhiều cuốn sách quý như: “Con Cuông - Vùng sinh thái hấp dẫn, di tích độc đáo”, “Lịch sử về Con Cuông, cửa ngõ miền Tây Nam xứ Nghệ ”, “Lịch sử Đảng bộ huyện Con Cuông”. Đặc biệt, cuốn “Con Cuông - Vùng sinh thái hấp dẫn, di tích độc đáo” không chỉ có giá trị bản địa mà còn là một tư liệu vô cùng quý giá cho những nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Để hoàn thành cuốn sách này, ông đã mất gần 40 năm miệt mài đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu, tra cứu truyền thuyết dân gian được truyền miệng và sử sách chép về lịch sử, văn hóa của vùng đất và con người nơi đây. Cuốn sách tập hợp các bài nghiên cứu về danh lam, thắng cảnh, hang động, di tích kỳ thú ở huyện Con Cuông như: Cây đa Cồn Chùa, thành Trà Lân, bia Ma Nhai, eo Vực Bồng, hang Thắm Nàng Màn, suối Nước Mọc, thác Bộc Bố, khe Kèm, Cửa Rọ…
Ngoài ra, Trần Vương còn là một nhà báo chuyên nghiệp với nhiều tác phẩm được chọn đăng trên các tờ báo lớn như: Nhân dân, Lao động, Nguyệt san Quân đội, Giáo dục thời đại, Tạp chí Văn nghệ, Tạp chí Sông Lam… Nhờ một phần không nhỏ các bài viết của ông mà Con Cuông ngày nay đã trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều du khách trong và ngoài tỉnh.
Trong số các tác phẩm nổi bật về Con Cuông của nhạc sĩ Trần Vương, không thể không kể đến gia tài hơn 30 bài hát về mảnh đất nơi thượng ngàn này. Như ông chia sẻ, mỗi ca khúc là một gợi nhớ về những địa điểm văn hóa, lịch sử, là những kỷ niệm được cất lên bằng giai điệu về Con Cuông kiên cường, anh dũng trong những năm tháng chiến tranh và xây dựng đời sống mới. Trong đó, có nhiều ca khúc nổi bật và được phổ biến rộng rãi trong quần chúng nhân dân như: Bài ca bia Ma Nhai, Cây đa Cồn Chùa, Hào khí Trà Lân, Phố huyện Con Cuông, Pù Mát - Du thuyền thượng nguồn sông Giăng…
Đặc biệt, có 13 ca khúc ông viết về 13 xã, thị trấn thuộc huyện Con Cuông và 2 ca khúc viết về lâm trường Con Cuông, nông trường Bãi Phủ. Về 2 ca khúc này, nhạc sĩ Trần Vương có kể một kỷ niệm vui rằng, đã viết tặng bài hát cho nông trường mà không lấy tiền công, nhưng vì cảm mến tấm lòng người nhạc sĩ nghèo, anh em công nhân đã bàn nhau góp gạch và gỗ xây dựng ngôi nhà mà hiện nay ông và gia đình vẫn đang ở.
Các bài hát về Con Cuông đã được in trong 2 tập nhạc “Trăng ngàn” và “Rừng xuân nhớ Bác”. Nhiều ca khúc trong số đó đã đoạt giải ở cả Trung ương và địa phương, được phát sóng trên Đài Truyền thanh và Đài Tiếng nói Việt Nam.
Một tấm lòng hồn hậu
Lạ thay cho một nhạc sĩ, một nhà văn hóa nổi tiếng lại nguyện gắn bó cả cuộc đời mình và cống hiến đến từng “giọt” tài hoa cuối cùng cho mảnh đất Con Cuông còn nhiều nghèo khó. Lý giải băn khoăn ấy, nhạc sĩ Trần Vương tâm sự rằng, tất cả đến với ông đều bắt đầu từ một chữ “duyên”.
Năm 1964, sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Nhạc họa Trung ương, ông được phân công dạy ở Trường Sư phạm Miền núi Nghệ An, đóng tại huyện Con Cuông. Là thầy giáo dạy nhạc, kiêm luôn cả môn lịch sử địa phương, Trần Vương đã có những chuyến đi thực tế tới các bản làng của người Thái, Khơ Mú, Đan Lai… để tìm tư liệu giảng dạy cho học trò.
Những chuyến đi ấy đã mang lại cho ông những khám phá thú vị về kho tàng thơ, truyện cổ, phong tục tập quán, về nền dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc miền núi xứ Nghệ. Và rồi, ông đã yêu từ bao giờ xứ sở thượng ngàn chỉ có núi và đá nhưng lấp lánh những sắc màu văn hóa mới lạ ấy. Nó níu lấy hồn ông như một người bạn tình tri âm, tri kỷ…
Cuộc đời của Trần Vương là một tấm gương vô cùng sáng trong về sự giản dị. Dù là một nhạc sĩ nổi tiếng nhưng đến nay, ông vẫn sống trong căn nhà cấp bốn cũ với đồng lương hưu ít ỏi, ngày ngày chiến đầu với tuổi già, bệnh tật. Vượt lên muôn vàn khó khăn về vật chất và điều kiện sáng tác, ông đã cống hiến cho đời với một tâm hồn vô tư, thơ trẻ mà chưa bao giờ đòi hỏi những phần thưởng hay ghi nhận cho những điều lớn lao ấy.
“Dù không có tiền bạc hay danh tiếng nhưng những tác phẩm của tôi đã được cán bộ và nhân dân nơi đây đón nhận nhiệt tình, trân trọng và thương mến. Với tôi, đó là điều quý giá hơn hết thảy…”, nhạc sĩ tâm sự.
Trần Vương - một người nghệ sĩ lớn, một tâm hồn lớn. Ông Lô Văn Ước, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông đã từng gọi ông là “Văn Cao của Con Cuông”. Anh hùng lao động Nguyễn Ngọc Lài so sánh Trần Vương như “Trần Hoàn của Con Cuông”. Còn các bạn trẻ ở xứ thượng ngàn hôm nay, lại yêu quý gọi ông bằng một danh xưng, mà theo tôi là trọn vẹn hơn cả: “Nguyễn Đình Thi của Con Cuông”. Bởi suy cho cùng, mấy ai có được sức sáng tạo dồi dào, sung mãn ở nhiều lĩnh vực văn hóa, học thuật và lĩnh vực nào cũng gặt hái được thành công nhất định như ông.
Hơn hết thảy, người ta sẽ nhớ đến Trần Vương như là người đầu tiên cất công xây dựng và đem đến một diện mạo mới cho Con Cuông trong dòng chảy văn nghệ sôi động của nước nhà.
Thu Phương