(Congannghean.vn)-Tăng học phí là vấn đề nhạy cảm, mỗi quyết định đưa ra đều nhận được những luồng dư luận khác nhau. Thực tế qua các năm học, mức học phí ở các trường ĐH, CĐ đều tăng lên. Năm học 2014 - 2015, mức học phí tăng tùy theo nhóm ngành đào tạo. Điều này trở thành nỗi lo của nhiều sinh viên khi bước vào năm học mới.
Theo Nghị định 49/2010 của Chính phủ về mức trần học phí đối với đào tạo trình độ đại học tại trường công lập theo các nhóm ngành đào tạo, chương trình đại trà từ năm học 2014 - 2015 quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ và cơ chế học tập; cơ chế thu, sử dụng học phí với cơ sở giáo dục thuộc hệ giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015.
Theo đó, nhóm ngành Khoa học Xã hội, Kinh tế, Luật, Nông - Lâm - Thủy sản tăng từ 485.000 đồng/tháng (năm học 2013 - 2014) lên 550.000 đồng/tháng; nhóm ngành Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật, Công nghệ, Thể dục Thể thao, Nghệ thuật, Du lịch, Khách sạn tăng từ 565.000 đồng/tháng lên 650.000 đồng/tháng; nhóm ngành Y, Dược có mức tăng cao nhất từ 685.000 đồng/tháng lên 800.000 đồng/tháng. Với mức tăng như thế, nhiều sinh viên đã phải kêu “trời”.
Việc tăng học phí vào đầu năm học mới khiến sinh viên thấp thỏm, lo âu - Ảnh minh họa |
Trường ĐH Y khoa Vinh thuộc nhóm trường đại học công lập trực thuộc tỉnh quản lý, nên mức học phí được áp dụng trên 80 % mức quy định chung của Nhà nước. Năm học này, học phí hệ đại học ở trường là 700.000 đồng/tháng; hệ cao đẳng là 560.000 đồng/tháng. So với năm học trước tăng 10%.
Em Chu Thị Yến, sinh viên hệ cao đẳng, ngành Điều dưỡng chia sẻ: “Mức học phí như thế với một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đông con ăn học sẽ rất vất vả. Bởi xuống thành phố
không chỉ có đóng tiền học mà còn tiền nhà trọ, tiền ăn...”. Cũng theo chủ trương của UBND tỉnh, năm học 2014 - 2015, Trường ĐH Kinh tế Nghệ An thu mức học phí 480.000 đồng/tháng đối với hệ đại học, so với năm học 2013 - 2014 tăng 50.000 đồng, hệ cao đẳng là 380.000 đồng/tháng trong khi năm học 2013 - 2014 chỉ có 340.000 đồng/tháng.
Với các trường tổ chức đào tạo theo tín chỉ, việc đóng học phí thực hiện theo số tín chỉ đăng ký học của sinh viên. Mức thu học phí của một tín chỉ được xác định căn cứ vào tổng thu học phí của toàn khóa học theo nhóm ngành đào tạo và số tín chỉ đó, theo nguyên tắc là không vượt quá mức trần học phí quy định.
Theo quy định như vậy, năm học 2014 - 2015, Trường ĐH Vinh áp dụng mức học phí đối với ngành Khoa học Xã hội, Kinh tế, Luật, Nông - Lâm - Thủy sản là 190.000 đồng/tín chỉ; đối với các ngành Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật, Công nghệ, Thể dục Thể thao, Khách sạn, Du lịch là 180.000 đồng/tín chỉ. So với năm ngoái tăng 20.000 đồng/tín chỉ.
Em Đoàn Văn Diệm, sinh viên năm thứ 4 khoa Xây dựng dân dụng và Công nghiệp, cho biết: “Một tín chỉ thì không sao, nhưng một kỳ học có nhiều tín chỉ. Với những phụ huynh làm nghề nông có con học đại học thì khổ lắm. Như hệ kỹ sư bọn em, trung bình mỗi kỳ đăng ký học khoảng 18 - 20 tín chỉ, tương đương với mức học phí 3,2 - 3,6 triệu/kỳ. Năm nào cũng tăng khiến các bạn sinh viên kêu lắm”.
Tuy nhiên, có nhiều sinh viên lại tỏ ra không lo lắng trước việc tăng học phí mà điều các bạn quan tâm là đầu ra như thế nào? Tăng học phí nhưng chất lượng giáo dục tăng hay không?
Liệu có đảm bảo được công bằng xã hội đối với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn? Học bổng đối với những sinh viên khá, giỏi, xuất sắc được tính như thế nào? Và nếu không giải quyết thỏa đáng thì việc tăng trần học phí có thực sự đúng đắn và hợp lý?
Cũng có xu hướng tăng học phí so với năm học trước, nhưng mức học phí đối với các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề vẫn đang ở mức thấp so với hệ đại học. Học phí ở hệ cao đẳng nghề, ngành cao nhất là 350.000 đồng/tháng, ngành thấp nhất là 280.000 đồng/tháng.
Có một thực tế, nguồn kinh phí đào tạo của các trường ĐH, CĐ hiện nay vẫn đang dựa vào nguồn thu từ học phí. Mức học phí tăng đều qua các năm ảnh hưởng ít nhiều đến sinh viên đang theo học những nhóm ngành, nghề và là nỗi trăn trở, lo âu của các sinh viên nghèo, liệu có đủ điều kiện để theo hết khóa học hay không?
Thiết nghĩ, cần có sự điều chỉnh phù hợp từ phía ngành giáo dục, đồng thời sinh viên cũng nên tìm hiểu kỹ mức học phí ở từng trường, từng ngành để có sự lựa chọn phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình và cơ hội việc làm trong tương lai.