Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201407/xa-nghia-hung-nghia-dan-den-on-dap-nghia-bang-nhung-viec-lam-thiet-thuc-513004/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201407/xa-nghia-hung-nghia-dan-den-on-dap-nghia-bang-nhung-viec-lam-thiet-thuc-513004/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Đền ơn đáp nghĩa bằng những việc làm thiết thực - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 24/07/2014, 14:46 [GMT+7]
XÃ NGHĨA HƯNG (NGHĨA ĐÀN)

Đền ơn đáp nghĩa bằng những việc làm thiết thực

(Congannghean.vn)-Nằm bên dòng sông Hiếu hiền hòa, vùng đất Phủ Quỳ vốn được thiên nhiên ban tặng những mảnh đất màu mỡ, tươi tốt. Từ thuở sơ khai, đồng bào khắp nơi đã lên đây khai hoang, qua bàn tay chăm chỉ của con người, mảnh đất này đã từng ngày thay da đổi thịt, khoác lên mình những màu xanh trù phú ngút ngàn cây lá.
Nghĩa Đàn xưa kia là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của đế quốc Mỹ. Cũng như bao chàng trai cô gái thời đó, lớp lớp thanh niên xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn đã gác bút nghiên lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Bao nhiêu lần tiễn con ra trận là bấy nhiêu lần mẹ già cạn khô nước mắt vì các anh không thể trở về.

Trong những ngày tháng 7, cả nước hướng tới ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 để tri ân các anh hùng liệt sĩ, chúng tôi về xã Nghĩa Hưng, nơi có nhiều liệt sĩ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Theo giới thiệu của đồng chí Phan Phúc Vinh, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng: Xã có 116 liệt sĩ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, là địa phương có nhiều liệt sĩ nhất huyện. Ngoài ra, có 107 thương, bệnh binh và hơn 20 người đang phải chịu những nỗi đau do chất độc màu da cam, đioxin.

Xác định công tác đền ơn đáp nghĩa là một hoạt động quan trọng, những năm qua, xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn đã có nhiều việc làm thiết thực, thể hiện lòng tri ân đối với thế hệ cha anh, những người đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Đồng thời, góp phần động viên, chia sẻ, xoa dịu nỗi đau đối với thân nhân gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Thông qua các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Thông qua các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

Chúng tôi đến thăm nhà bà Lê Thị Rạng ở xóm 12, xã Nghĩa Hưng, có con trai là liệt sĩ Võ Sỹ Quế hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Bà Rạng năm nay đã ngoài 90 tuổi nhưng ký ức về người con trai xung phong lên đường nhập ngũ vẫn còn nguyên vẹn. Anh đi biền biệt, chỉ có những cánh thư còn dính vết tích bom đạn được gửi từ chiến trường. “Mất con ai mà chẳng đau, nhưng con đi làm nhiệm vụ đất nước, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, tôi cũng tự hào”, bà Rạng xúc động cho biết.

Con trai là người có công với Tổ quốc, phát huy truyền thống cách mạng, gia đình bà Rạng luôn là gia đình gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động của địa phương. Dù con cái làm ăn xa nhưng hàng năm bà vẫn động viên các con ủng hộ, đóng góp cho quê hương, đặc biệt là ủng hộ chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trở về sau chiến tranh, nhiều người mang theo thương tật, tuy nhiên, thực hiện lời dạy của Bác: “Thương binh tàn nhưng không phế”, được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, một số thương, bệnh binh đã vượt lên chính mình, tham gia lao động sản xuất, kinh doanh, các hoạt động công tác xã hội.

Nhiều tấm gương thương, bệnh binh làm kinh tế giỏi được địa phương biểu dương. Tuy nhiên, vẫn còn đó biết bao nhiêu mảnh đời bất hạnh sau chiến tranh, có những người bị nhiễm chất độc màu da cam phải từng ngày chống chọi, vật lộn với bệnh tật, với cuộc sống.

Trong những năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa được cấp ủy, chính quyền địa phương hết sức coi trọng. Hàng năm, địa phương đã kêu gọi, vận động nhân dân tích cực ủng hộ, quyên góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với số tiền 40 triệu đồng. Từ nguồn ngân sách của địa phương và kêu gọi, vận động các cơ quan, tổ chức và các nhà hảo tâm, địa phương đã xây mới và tu sửa 8 ngôi nhà cho thân nhân liệt sĩ, thương binh.

Xã còn có nghĩa trang liệt sĩ khang trang với diện tích hơn 8.000 m2. Công tác chăm sóc các đối tượng chính sách, chế độ ưu đãi cho con em của các đối tượng chính sách luôn được chú trọng. Ngoài ra, các chính sách tín dụng, đào tạo nghề, tạo việc làm, phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo cho các gia đình chính sách luôn được quan tâm.

Các hộ gia đình chính sách được vay vốn ưu đãi từ nhiều nguồn khác nhau để phát triển sản xuất nên đã động viên được các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công vươn lên khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu trong lao động sản xuất, ổn định cuộc sống gia đình, tiếp tục đóng góp cho cộng đồng và xã hội, xứng đáng là người công dân kiểu mẫu và gia đình cách mạng gương mẫu.

Có thể thấy phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn đã được quan tâm và phát triển ngày càng sâu rộng. Điều này đã thể hiện trách nhiệm của chính quyền địa phương với những anh hùng liệt sĩ, những người có công với đất nước. Thông qua đó nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ niềm tự hào về truyền thống đấu tranh của dân tộc và càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển địa phương.

.

Yến Nhi