(Congannghean.vn)-Chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây 60 năm, nhưng ý nghĩa lịch sử của nó vẫn cần được khai thác để tìm ra những bài học bổ ích cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước hiện nay và mai sau. Một trong những ý nghĩa có tầm quan trọng hàng đầu là, với chiến lược kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, liên tục tiến công... nhân dân Việt Nam đã "chín năm làm một Điện Biên''.
Trong tháng 5 lịch sử hào hùng này, đọc lại bài thơ "Một chiều hè lịch sử" của Tố Hữu, ta thêm trân trọng, thêm yêu và thêm vững tin vào lịch sử dân tộc, rồi từ đó dốc hết sức trẻ xây dựng tương lai của đất nước mai sau: "Một chiều hè lịch sử/ Bố kể chuyện Điện Biên/ Bộ đội mình chiến thắng/ Lũ Tây bị bắt sống/ Ta giải đi từng hàng/ Tướng Đờ Cát xin hàng/ Bốt đồn đều san phẳng/ Cờ quyết chiến quyết thắng/ Tung bay trên nóc hầm/ Chiều mùng bảy tháng năm/ Một chiều hè lịch sử..." (Một chiều hè lịch sử - Tố Hữu).
60 năm, lật lại chiến thắng oanh liệt Điện Biên Phủ để ôn lại những năm tháng gian lao nhưng rất đỗi tự hào và để quyết tâm hơn trên chặng đường mới…
Cuối năm 1953, Chiến tranh Đông Dương đã kéo dài 9 năm, thực dân Pháp lâm vào thế bị động trên chiến trường và Pháp chỉ còn cách duy nhất là tìm một “lối thoát danh dự”, nếu không muốn dâng Đông Dương cho Mỹ.
Tháng 5/1953, Pháp bổ nhiệm Tổng chỉ huy Nava sang Đông Dương tìm kiếm một chiến thắng quân sự quyết định để làm cơ sở cho một cuộc thảo luận hòa bình trên thế mạnh. Kế hoạch Nava ra đời nhằm tổ chức khối chủ lực tác chiến, dự định tiến hành theo hai bước. Ngày 20/11/1953, Nava vội vàng điều một bộ phận quân cơ động nhảy dù xuống Điện Biên Phủ để che chở cho Tây Bắc và Thượng Lào, phá kế hoạch tấn công của quân ta. Nava đã chấp nhận một cuộc quyết chiến chiến lược với ta ở vùng rừng núi Tây Bắc bằng cách gấp rút tăng cường lực lượng, xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Chúng cho xây dựng hệ thống phòng ngự mạnh nhất với 49 cứ điểm, 2 sân bay và các công sự kiên cố nhất. Điện Biên Phủ được Pháp, Mỹ coi là “pháo đài bất khả xâm phạm”, là “con nhím khổng lồ giữa núi rừng Tây Bắc” và chúng tuyên bố giữ căn cứ này với bất cứ giá nào.
Lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát 7/5/1954 - Ảnh tư liệu |
Về phía ta, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã họp và nhận định: Đây là tập đoàn cứ điểm mạnh của địch nhưng có điểm yếu là bị cô lập, chỉ tiếp tế, tiếp viện được bằng đường không; quân đội ta đã trưởng thành và đủ sức đánh được tập đoàn cứ điểm với nguyên tắc chỉ đạo tác chiến là tiêu diệt sinh lực địch, đánh chắc thắng…
Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra qua ba đợt công kích, trong thế giằng co quyết liệt, với sự kiên cường của các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam: “…Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn!...”(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên - Tố Hữu). Đến chiều ngày 7/5/1954, tướng Đờ Cát cùng toàn bộ ban tham mưu của địch bị bắt sống. Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi hoàn toàn. Ta tiêu diệt và bắt 16.200 tên địch, gồm 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, bắn rơi và phá hủy 62 máy bay và thu toàn bộ trang bị, vũ khí của địch.
Với chiến thắng này, quân ta đã giành được thế chủ động trên khắp các chiến trường, giành thắng lợi cơ bản cho cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954; làm cho kế hoạch Nava hoàn toàn bị phá sản, tạo cơ sở thực lực để đi đến ký kết Hiệp định Giơnevơ. Chiến thắng đã trở thành biểu tượng ý chí cách mạng của các dân tộc bị áp bức và là minh chứng cho một chân lý: Một dân tộc đất không rộng, người không đông, nếu quyết tâm và biết đoàn kết chiến đấu theo đường lối cách mạng đúng đắn thì có thể chiến thắng bất kỳ tên đế quốc to lớn nào!
Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời, phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới".
Giờ đây, từ những vết sẹo hằn sâu của chiến tranh, Điện Biên đang từng ngày đổi mới. Những chứng tích lịch sử còn lưu lại là những minh chứng hùng hồn nhất cho những năm tháng máu và hoa tô thắm trang sử vàng dân tộc. Đồi Him Lam, đồi Độc Lập, sân bay Mường Thanh, lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp… tất cả vẫn còn đó, vẹn nguyên như vừa mới hôm qua. Và tất cả cũng để cho chúng ta biết ơn những người đã ngã, biết trân trọng hiện tại để sống đẹp với tương lai.
Bài học của chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử như vẫn còn tươi nguyên giá trị của nó. Đó là bài học về thắng lợi của sức mạnh đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, thắng lợi đường lối cách mạng sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đã 60 năm trôi qua, Điện Biên Phủ nói riêng, đất nước ta nói chung không ngừng thay da đổi thịt. Trên đống tro tàn, đổ nát ngổn ngang xác thù cùng đại bác xe tăng, bùn đất cày xới năm nào, nay là một thành phố Điện Biên hoành tráng, rộn rã cờ hoa đón bạn bè trong nước, quốc tế về đây tụ hội. Đường phố thênh thang, những công trình xây mới bề thế, vững chãi, sân bay nhộn nhịp khách đi về của một Điện Biên rạng ngời thời đổi mới và hội nhập năm châu... Điện Biên ngày càng ngời sáng tỏa rạng khắp núi rừng Tây Bắc. Và để vững tin ở hôm nay, sự sống mới lại bắt đầu: “… Hỡi các chị, các anh/ Trên chiến trường ngã xuống/ Máu của anh chị, của chúng ta không uổng/ Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam/ Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng...”(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên - Tố Hữu).
Trong hành trình vạn dặm của lịch sử nước ta, âm vang Điện Biên mãi mãi là khúc nhạc tiến công, khúc nhạc chiến thắng, nâng tâm hồn mỗi chúng ta, cổ vũ, thôi thúc chúng ta thông minh, sáng tạo hơn và bản lĩnh hơn để vượt qua tất cả những gì cản trở trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.