Văn hóa - Giáo dục
Ký ức Điện Biên Phủ
07:49, 29/04/2014 (GMT+7)
Bài 3: Chuyện của người có hơn 2.000 bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
(Congannghean.vn)-Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Nghệ An có hàng vạn dân công, chiến sĩ đã góp sức người, sức của trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch, trong đó, cả chiến dịch có 6 người được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Đến nay, chỉ còn lại duy nhất Anh hùng Phan Tư còn sống tại xã Thọ Thành (Yên Thành). Mặc dù đã bước sang tuổi 84 và phải chống chọi với nhiều bệnh tật tuổi già, nhưng người anh hùng trên chiến trường Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên ký ức những ngày tháng Năm lịch sử của 60 năm về trước.
*Bài 4: Anh hùng xứ Nghệ trên chiến trường Điện Biên
Anh hùng trên mặt trận rà phá bom mìn
Anh hùng Phan Tư sinh năm 1931 tại xã Thọ Thành, huyện Yên Thành. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó, phải lăn lộn kiếm sống từ nhỏ nên con đường học hành của Phan Tư cũng lắm gian nan, gập ghềnh. Năm 1951, khi vừa tròn 20 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cùng với hàng vạn thanh niên quê lúa khác, Phan Tư hăng hái tham gia nhập ngũ, được phiên chế về Đại đội Phan Đăng Lưu, là chiến sĩ công binh thuộc Đại đoàn 351. Năm 1952, ông được bổ sung vào đơn vị công binh chủ lực tham gia chiến dịch giải phóng Tây Bắc. Từ khi vào quân ngũ đến trước lúc chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, Phan Tư đã tham gia 4 chiến dịch lớn ở Bắc bộ. Trong đó, đáng chú ý là chiến dịch Hòa Bình năm 1952. Phan Tư làm nhiệm vụ quan sát và phá bom nổ chậm đảm bảo đường giao thông vận chuyển. Trong 3 năm đầu tiên trong quân ngũ, Phan Tư đã đặt chân hầu như gần khắp các chiến trường Tây Bắc, từ vượt sông Hồng, chinh phục đèo Pha Đin đến sang cả chiến trường Sầm Nưa (Lào). Ở bất cứ nhiệm vụ, cương vị nào, ông luôn nêu cao tinh thần dũng cảm, vượt mọi khó khăn ác liệt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Tháng 10/1953, với cương vị là Tiểu đội phó, Phan Tư cùng Đại đội Công binh hành quân vượt qua đèo Lũng Lô để đóng chốt bên sườn đồi sông Đà trước khi vào chiến dịch Điện Biên, với nhiệm vụ chính là quan sát và phá bom nổ chậm đảm bảo giao thông. Rất nhiều lần máy bay địch quần thảo ném bom, Phan Tư đã dũng cảm nằm ngay tại mặt đường quan sát để nắm chắc vị trí bom rơi, đánh dấu cho anh em phá gỡ. Một quả bom nổ chậm nằm giữa mặt đường, không nắm được giờ an toàn, nên không ai dám vượt qua, dân công bị ùn lại. Đồng chí Phan Tư đã dũng cảm đốt đuốc đứng cạnh quả bom, làm lộ tiêu cho dân công vượt qua an toàn, nhanh chóng. Anh hùng Phan Tư nhớ lại, có nhiều lần ông bị đất hất đầy miệng, máu từ hai hốc mắt chảy ra. Mặc dù vậy, do yêu cầu bức thiết của cuộc chiến, với lại nhìn thấy cảnh hàng ngàn dân công xe thồ, xe vận tải, xe kéo pháo phải xếp hàng đứng chờ vì đường chưa thông, bom chưa gỡ hết, ông lại xung phong đốt đuốc làm lộ tiêu. Có lần, trong lúc phá bom tại dốc rừng Tuần Giáo, Phan Tư bị thương phải nằm viện. Lúc này, chuẩn bị chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đã vội vã cùng đồng đội ra chiến trường mặc cho vết thương chưa lành hẳn.
Vợ chồng Anh hùng Phan Tư |
Chinh phục thác dữ trên dòng Nậm Na
Chiến công của Anh hùng Phan Tư đáng nhớ nhất vẫn là quãng thời gian chinh phục hàng chục con thác dữ trên dòng sông Nậm Na để vận chuyển hàng hóa, lương thực, vũ khí từ biên giới Việt Trung về phục vụ cho chiến trường Điện Biên Phủ. Đó là thời điểm Việt Nam nhận được sự viện trợ quân sự từ Liên Xô và Trung Quốc và đến đầu năm 1954 thì số lượng hàng hóa đã được đưa đến sát biên giới. Lúc bấy giờ, mọi con đường giao thông huyết mạch về Điện Biên Phủ đều bị chặn nên chỉ còn cách mở đường thủy trên dòng sông Nậm Na ở thượng nguồn sông Đà. Dòng sông này tính từ đường biên về mặt trận dài 120 km, có trên 90 thác lớn, nhỏ chặn dòng, 21 khối đá khổng lồ chặn đứng. Tháng 2/1954, Trung đội 51 của Phan Tư nhận nhiệm vụ phá thác trên sông Nậm Na. Vị Anh hùng Điện Biên nhớ lại, lần đầu phá thác chưa có kinh nghiệm, gặp nhiều khó khăn như nước chảy xiết, trời mùa đông rét buốt, địa hình khó, nhảy xuống không khéo sẽ bị nước cuốn trôi, hoặc người đập vào đá.
Trong hoàn cảnh đó, Phan Tư xung phong nghiên cứu phá trước, rút kinh nghiệm cho toàn đơn vị. Sau nhiều lần lặn xuống nghiên cứu tìm nơi đặt bộc phá, ông đã quyết định ôm khối thuốc nổ 6 kg, ngòi đốt sẵn, nhoài người xuống ấn khối thuốc nổ vào kẽ đá, rồi nhanh chóng ngoi lên bơi vào bờ, vừa xong thì bộc phá nổ. Tiếp theo, Phan Tư trực tiếp phá 4 thác khác để rút kinh nghiệm. Nhờ đó, Trung đội đã phá được hơn 30 thác, đảm bảo thời gian quy định, thông luồng cho thuyền chở vũ khí phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ được dễ dàng và an toàn. Sự đóng góp sức người, sức của của Phan Tư cũng như Trung đội 51, đã góp phần quan trọng đưa chiến dịch Điện Biên Phủ đi đến thắng lợi toàn diện.
Anh hùng giữa đời thường
Với những chiến công oanh liệt của mình, ngay sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, ngày 31/8/1955, Phan Tư được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Những năm sau đó, ông tiếp tục tham gia chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 11 lần được trung đoàn, đại đoàn và Tổng cục Chính trị khen thưởng.
Sau chiến tranh, Phan Tư được Bộ Quốc phòng cử đi học ở Trường Sỹ quan Lục quân Trần Quốc Tuấn. Ông lập gia đình và sinh được 5 người con, ngoại trừ anh con trai cả theo nghiệp bố, còn lại những người con khác đều hoạt động ở các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục. Từ năm 1987, trở về với đời thường, Anh hùng Phan Tư hăng hái tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương, âm thầm gây dựng phong trào Hội Cựu chiến binh huyện Yên Thành khi được bầu giữ chức Chủ tịch hội này. Hiện, Anh hùng LLVTND Phan Tư sống cùng với người con út là giáo viên của một trường trung học trên địa bàn. Mặc dù tuổi cao, phải chống chọi với nhiều bệnh tật của tuổi già nhưng mỗi khi tháng Năm về, ký ức về những người đồng đội, đồng chí và dư âm của chiến dịch Điện Biên Phủ luôn làm ông xao xuyến, bồi hồi và vẫn vẹn nguyên theo ông suốt 60 năm qua.
Thiên Thảo