Văn hóa - Giáo dục
Tiếng vọng Điện Biên Phủ: Không thể đánh bại một dân tộc!
17:33, 26/04/2014 (GMT+7)
Giành thắng lợi ở Điện Biên Phủ là cuộc chạy đua nước rút quyết liệt nhất, cuộc đấu trí, đấu lực gay gắt nhất giữa nhân dân Việt Nam và thực dân Pháp xâm lược, là chiến thắng đầu tiên của phương Đông trước phương Tây, góp sức cùng nhân loại làm cho thế kỷ XX trở thành "Thế kỷ giải trừ chủ nghĩa thực dân".
Đó là nhận định của Nhà nghiên cứu sử học Trần Thái Bình, một cựu chiến binh từng trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Thắng lợi của Hòa bình - Độc lập - Tự do
Ông Trần Thái Bình cho biết tại Điện Biên Phủ, chúng ta đã tiêu diệt và bắt làm tù binh hơn 16.200 quân địch, trong đó có toàn bộ cơ quan chỉ huy của tập đoàn cứ điểm, một tướng (De Castries) cùng với 16 đại tá, 1.749 sĩ quan và hạ sĩ quan. Lực lượng của địch bị tiêu diệt gồm 17 tiểu đoàn bộ binh tinh nhuệ (có 7 tiểu đoàn dù), 3 tiểu đoàn pháo binh, gần 1 tiểu đoàn công binh. Tổng cộng là 21 tiểu đoàn.
Về không quân, thiệt hại của Pháp trong thời gian này cũng hết sức nặng nề. Số máy bay oanh tạc, chiến đấu và vận tải (kể cả máy bay oanh tạc B24 và máy bay vận tải hạng nặng C129 của Mỹ) bị bắn rơi và phá hủy trên mặt đất ở Điện Biên Phủ là 62 chiếc, nếu cả các chiến trường toàn quốc là 177 chiếc.
Tuy nhiên, ngoài 62 máy bay bị tiêu diệt tại Điện Biên Phủ còn có 167 chiếc đã bị bắn hỏng trên vùng trời thung lũng, trong đó có cả những máy bay từ hàng không mẫu hạm đậu ngoài biển bay vào.
Nước Pháp đã mất ở lòng chảo Điện Biên Phủ 1/3 quân số của mình, trong đó có những đơn vị tinh nhuệ nhất. Thất bại nặng nề này đã buộc Pháp phải chấp nhận cùng phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngồi vào bàn Hội nghị Genève để thương lượng việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Theo nhà nghiên cứu Trần Thái Bình, thất bại ở Điện Biên Phủ là thất bại của chủ nghĩa thực dân. Thắng lợi ở Điện Biên Phủ là thắng lợi của hòa bình, độc lập, tự do.
Người tù binh được ta trao trả tự do sớm nhất là cô Geneviève, nữ y tá lên Điện Biên Phủ để tải thương nhưng máy bay hỏng, phải ở lại và bị quân ta bắt. Theo lệnh đặc biệt của Hồ Chủ tịch, cô được trao trả ngày 24/5/1954, chỉ 17 ngày sau khi bộ đội ta toàn thắng.
Người tù binh được nhiều người chú ý, được trao trả ngày 3/9/1954 là trung tá Marcel Bigeard, chỉ huy Tiểu đoàn dù 6eBPC, người đã quyết liệt chống trả cho đến ngày cuối cùng của tập đoàn cứ điểm Pháp. Bigeard sau này đã kết thúc binh nghiệp với hàm cấp tướng. Mấy lần sang Việt Nam nhìn lại chiến trường cũ, năm 1993, trả lời một nhà quay phim nước ngoài, Bigeard đã có một câu nói nhiều ý nghĩa: “Nếu tôi là người Việt Nam, tôi cũng sẽ trở thành Việt Minh”.
Thất bại hoàn toàn của các lực lượng Liên hiệp Pháp ở Điện Biên Phủ cũng như ở các chiến trường phối hợp đã giáng đòn chí tử vào tinh thần và ý chí của giới thực dân phản động Pháp. Nó khiến cho chính những nhân vật đã tiến hành cuộc chiến tranh này phải nghiêm chỉnh và khách quan suy nghĩ, rút ra những bài học sâu sắc.
Chính viên chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tướng De Castries, sau khi thất bại trở về Pháp, đã thú nhận trước Ủy ban Điều tra của Bộ Quốc phòng Pháp: “Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc”.
Đấy là tinh thần của quần chúng nhân dân, là óc sáng tạo của quần chúng nhân dân, để giải quyết những khó khăn của tình huống. Đó là sức mạnh của một cuộc chiến tranh nhân dân được phát động và lãnh đạo một cách tuyệt vời và khéo léo.
Nhà nghiên cứu Trần Thái Bình dẫn lại lời của tác giả người Pháp Jules Roy: “Nước Pháp bị đánh bại, không phải bởi các phương tiện mà bởi trí tuệ và ý chí quyết thắng của đối phương”.
Thật vậy, để chiến thắng mà chỉ có lòng dũng cảm không thôi thì chưa đủ. Trong số các nhà bình luận Pháp, đã có người xuýt xoa tiếc rằng: Giá như Tướng Giáp ở phút quyết định cuối cùng không thay đổi cách đánh như đã làm, thì chắc chắn cái bẫy Điện Biên Phủ đã nghiền nát được các lực lượng Việt Minh và Điện Biên Phủ đối với Việt Nam sẽ chẳng phải là một chiến thắng mà là một thất bại. Không có quyết định sáng suốt và dũng cảm hoãn việc mở chiến dịch đã định ngày 25/1/1954 để thay đổi cách đánh từ chiến thuật “đánh nhanh, thắng nhanh” sang chiến thuật “đánh chắc, tiến chắc” thì đã không thể có chiến thắng toàn vẹn ngày 7/5/1954 của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Công đóng góp ấy của Đại tướng - Tổng Tư lệnh chỉ huy chiến dịch thực sự là một công tích ghi sâu vào lịch sử. Điều đó được khẳng định cả phía ta và đối phương.
Hơn 10.000 tù binh được trao trả |
Khúc vĩ thanh đẹp đẽ
Trong số hơn chục nghìn tù binh ở Điện Biên Phủ, có nhiều người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Xuất phát từ những hoàn cảnh không giống nhau, họ đã có mặt trong các đơn vị được gọi là đơn vị lính lê dương người nước ngoài, trong đó có người là dân các nước Bắc Phi, Trung Phi, Trung Âu (Đức, Áo…) là binh sĩ, sĩ quan hoặc hạ sĩ quan.
Nhà nghiên cứu Trần Thái Bình hồi tưởng, dưới trời Tây Bắc, lúc khói súng, khói đạn bom mới dần tan, đi xuyên qua rừng là hàng đoàn lũ lượt tù binh hoặc bước bộ hoặc trên xe, được dẫn tới các trại tù binh. Ở đấy họ không bị đánh đập hoặc ngược đãi tàn bạo như đã sợ, mà chỉ tai nghe, mắt thấy được những điều mới, làm họ thay đổi cả tâm hồn và ý thức.
Trong những cuộc nói chuyện, trao đổi tự do ở các lớp học ở trại tù bình, những người lính từ khắp các châu lục thường được hỏi: Các anh là những chiến binh giỏi, tại sao các anh lại đánh thuê cho bọn thực dân? Sao các anh không chiến đấu cho chính các anh, để đất nước mình thuộc về tay mình?
Nhà nghiên cứu Trần Thái Bình nhớ như in hình ảnh tù binh Slimane Hoffman, một trung úy người Algeria đã xin gia nhập hàng ngũ Việt Minh, nhưng đã được khuyên rằng: Chúng tôi đã làm nghĩa vụ cho đất nước chúng tôi. Các bạn cũng có Tổ quốc, hãy làm nghĩa vụ cho đất nước của các bạn.
Được trao trả tự do, Slimane Hoffman đã trở về tổ quốc mình. Mấy năm sau, anh tham gia Mặt trận dân tộc giải phóng Algeria, chiến đấu và trở thành một đại tá cục trưởng. Anh đã thực hiện một Điện Biên Phủ ở tổ quốc mình.
Nhà nghiên cứu Trần Thái Bình nhận định: Chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam như một tiếng sấm rền vang khắp thế giới, người ta không lấy làm lạ khi sau Điện Biên Phủ, bao người châu Phi ở các thuộc địa cũng đứng lên chiến đấu giành độc lập với những tiếng hô vang đầy sức mạnh: Hồ! Hồ! Hồ Chí Minh! Giáp! Giáp! Điện Biên Phủ.
Nguồn: Chinhphu