Văn hóa - Giáo dục
Giảm thí sinh dự thi vào đại học, cao đẳng: Mừng và lo
(Congannghean.vn)- Theo thống kê tại thời điểm kết thúc việc nhận hồ sơ, năm nay, Sở GD&ĐT Nghệ An đã thu nhận được 52.133 hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng; so với năm ngoái, giảm 21.159 hồ sơ.
Tìm hiểu nguyên nhân năm nay có sự giảm mạnh số hồ sơ đăng ký dự thi vào đại học, cao đẳng là do các trường trung học phổ thông, các trung tâm giáo dục thường xuyên đã làm tốt hơn công tác tuyên truyền, hướng nghiệp cho học sinh, nên tình trạng hồ sơ ảo không nhiều như những năm trước.
Mặt khác, cũng phải nhìn rõ thực tế hiện nay có hàng trăm nghìn sinh viên tốt nghiệp ra trường đang thất nghiệp, trong khi sinh viên các trường nghề ra trường là có việc làm và có thu nhập đảm bảo.
Nhiều học sinh tự thấy khả năng của mình không đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi nên đã không nộp hồ sơ dự thi mà chuyển sang đăng ký học trung cấp hoặc học nghề. Đây là tín hiệu mừng, vì bắt đầu có sự phân luồng sau khi tốt nghiệp của học sinh. Bên cạnh giảm số lượng học sinh đăng ký dự thi, gia đình và xã hội đỡ phải tốn kém kinh phí, công tác tổ chức.
Một điều mừng nữa là hè này, các phương tiện giao thông sẽ không bị quá tải, lưu lượng người tham gia giao thông sẽ giảm đáng kể so với nhiều năm trước. Sức ép đầu vào cũng sẽ không căng như các năm trước, sự lãng phí sau đào tạo bị thất nghiệp từ nay cũng bắt đầu giảm theo.
Bên cạnh những điều đáng mừng trên còn nhiều cái lo, vì giảm đăng ký dự thi vào đại học, cao đẳng nghĩa là năm học này chắc chắn số lượng sinh viên vào các trường sẽ giảm, khoảng trống trường, lớp trong giáo dục đại học, cao đẳng bắt đầu xuất hiện và sẽ gia tăng trong những năm tới, nhiều trường sẽ phải đóng cửa.
Cái lo tiếp theo là tỉ lệ chọi thấp làm cho chất lượng đầu vào sẽ giảm theo, vì chỉ tiêu phải lấy cho đủ. Mặt khác, khi số sinh viên vào các trường đại học, cao đẳng giảm, nếu không có kế hoạch sát đúng, chất lượng nguồn nhân lực xã hội sẽ giảm theo.
Và khi học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, không thi vào đại học, cao đẳng, trong khi các trường nghề từ trước đến nay vốn không mặn mà với học sinh. Họ không đi học tiếp, tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng. Vấn đề việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa giải được, nay kéo thêm hàng chục nghìn học sinh sau khi rời ghế nhà trường về biết làm gì? Nếu không giải quyết tốt vấn đề việc làm, không động viên con em đi học nghề, không có việc làm, không có thu nhập, hệ lụy sau đó sẽ không nhỏ?!
Mục tiêu năm 2020, có trên 80% thanh niên trong độ tuổi có trình độ trung học phổ thông trở lên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” sẽ gặp khó khăn.
Những điều mừng và lo trên rất mong được các nhà hoạch định chính sách giáo dục quan tâm, để đưa đất nước đi lên và quan trọng là nền dân trí nước nhà ngày càng phát triển…
Phùng Văn Mùi