Văn hóa - Giáo dục

Nên thành lập Hội đồng biên soạn chương trình - sách giáo khoa quốc gia

15:02, 22/04/2014 (GMT+7)
Tối 20/4, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận chính thức đăng đàn, “đính chính” và có lời nhận lỗi trước những thông tin liên quan đến con số hơn 34 ngàn tỷ cho đổi mới CT-SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015.
 
Bộ trưởng cho biết, đó chỉ là tính toán của một nhóm chuyên gia, trong tờ trình và hồ sơ gửi sang UBTVQH không có con số này. Tuy nhiên, GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn - nguyên Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục một mặt đánh giá cao lời nhận trách nhiệm của Bộ trưởng, một mặt ông vẫn không thể hiểu nổi, vì sao những tính toán chi tiết, có cả con số lẻ cho mỗi “hạng mục” đổi mới giáo dục bỗng chốc lại “không liên quan” gì tới Đề án. Ông thẳng thắn chia sẻ:
 
Tôi và nhiều chuyên gia giáo dục đều cho rằng, con số hơn 34 ngàn tỷ kia là một tính toán có thật. Đổi mới toàn bộ CT-SGK là một việc hệ trọng liên quan đến cả dân tộc, không thể bỗng dưng có con số ngàn tỷ, nhất là khi nó đã được tính toán kỹ: đổi mới CT-SGK sẽ tốn khoảng 105 tỷ; tổ chức dạy thử nghiệm CT-SGK mới khoảng 910 tỷ đồng; đầu mục triển khai dạy học đại trà theo CT-SGK mới khoảng hơn 8.000 tỷ; ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng kênh truyền thông giáo dục cả nước khái toán khoảng hơn 5.000 tỷ và 20 ngàn tỷ cho thiết bị giáo dục… Như vậy, tôi muốn biết, con số 34 ngàn tỷ kia chỉ là một nghiên cứu để tham khảo, hay là đề xuất của Bộ và giờ đề xuất đó không còn giá trị pháp lý nữa? Bộ GD&ĐT nên tiếp tục có thông tin chính thức để dư luận khỏi băn khoăn. Vì tôi được biết, cách đây hơn 2 năm, chính Bộ cũng đưa ra con số 70 ngàn tỷ cho đổi mới CT-SGK, sau đó bị dư luận phản ứng gay gắt và bây giờ là 34 ngàn tỷ, nhưng 34 ngàn tỷ trong điều kiện khó khăn của chúng ta thì vẫn là một con số cực lớn.
 
Dư luận đang chờ đợi một bản đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa thuyết phục, đạt chuẩn và bền vững
Dư luận đang chờ đợi một bản đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa thuyết phục, đạt chuẩn và bền vững
 
PV: Giáo sư còn điều gì băn khoăn về Đề án đổi mới CT–SGK mà Bộ báo cáo trước UBTVQH?
 
GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn: Tôi đã nghe các nhà xây dựng Đề án trình bày trước UBTVQH, những mục tiêu được đề cập trong Đề án còn xa vời lắm. Thực trạng của CT-SGK hiện nay, và  cách mà chúng ta đổi mới CT-SGK từ trước đến nay còn nhiều vấn đề tồn tại lắm. Chương trình là cốt lõi của nền học vấn, SGK mang tính pháp lý trong dạy và học. Song hiện nay xét về tổng thể từ lớp 1 đến lớp 12, ta vẫn chưa có CT chính thức của Nhà nước, nội dung SGK so với thế giới nặng hơn từ 1 đến 3 năm, nhưng kiến thức thừa từ 30% đến 50% , ví dụ môn Toán có chuyên gia nói hơn 50% kiến thức thừa. Cách viết trìu tượng khó học khó nhớ.
 
Từ năm 2002 đến năm 2011 theo Nghị quyết 40 của Quốc hội, ta đã tiến hành đổi mới CT và thay SGK. Ý kiến cá nhân của tôi là việc đổi mới này không thành công và năm 2013, UBTVQH cũng đã tiến hành khảo sát các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông, trong đó có CT–SGK cũng đã nêu ra nhiều nhược điểm của CT–SGK hiện hành. Chưa bàn đến kinh phí, xét con người và tổ chức vẫn là cũ, cách thức tiến hành không mới, tôi xin khẳng định - sẽ không có sản phẩm mới - sẽ lại rơi và vết xe đổ như những lần trước. Tôi xin dẫn lại câu nói của Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Chúng ta có ít tiền, nhưng ít tiền không sợ, miễn là biết cách làm, ít tiền không làm được thì nhiều tiền sẽ hỏng hơn” .
 
PV: Giáo sư và nhiều nhà khoa học đã từng hiến kế để chấn hưng giáo dục, trong đó đòi hỏi phải có một tổng chỉ huy, một “tướng lĩnh” đủ sức cầm quân chấn hưng giáo dục nước nhà. Vậy theo GS, một “tổng chỉ huy” phải là người như thế nào?
 
GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn: Xây một ngôi nhà vài tỷ cũng cần một kỹ sư trưởng. Với kinh phí vài chục ngàn tỷ mà không có tổng chỉ huy, liệu có nên đầu tư vào một việc lớn như CT-SGK của quốc gia, khi GD-ĐT được coi là quốc sách hành đầu. Phải chăng ta ném tiền qua cửa sổ? Tổng chỉ huy phải là người biết cách làm CT-SGK, biết trả lời công luận làm CT-SGK như thế nào để học sinh tốt nghiệp đạt chuẩn quốc tế, học xong phổ thông có thể vào học ở Harvard hay ĐH Tổng hợp Lomonosov. Ngoài những môn tự nhiên, người tổng chủ biên cũng phải biết chỉ đạo sách giáo khoa Văn, Sử, Địa... viết theo hướng nào? Người đó cũng phải đối thoại công khai với công luận tại sao làm thế này, chứ không làm theo kiểu khác.
 
PV: Nhiều nhà khoa học đang rất băn khoăn với cách thức “cuốn chiếu” SGK. Lại có ý kiến cho rằng, có nhất thiết phải soạn lại toàn bộ CT-SGK hay không? Những môn khoa học tự nhiên có thể dùng bộ sách nước ngoài dịch lại, như vậy vừa tiết kiệm được tiền và thời gian.
 
GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn: Chết là ở cách thức “cuốn chiếu”. Tôi đề nghị, làm luôn 12 bộ sách cùng lúc. Nếu “cuốn chiếu” phải mất 10 năm mới xong CT-SGK mới, như vậy có khi sẽ trải qua hai, ba đời bộ trưởng nữa, vậy CT-SGK lúc đó sẽ ra sao? Phó Giáo sư Văn Như Cương đề xuất mở trại viết SGK, tôi rất đồng tình, tập trung viết chỉ vài tháng là xong, lại tốn ít kinh phí. Cũng không cần thiết phải cho đi tập huấn ở nước ngoài. Việc thử nghiệm sách mới cũng chưa chắc cần thiết vì giáo dục phổ thông là tinh hoa nhân loại, có kế thừa rồi, mình cứ viết sách nghiêm túc, bài bản là ổn. Thời Giáo sư Hoàng Xuân Tùy chỉ 6 tháng là chúng ta có một bộ sách dùng trong vài chục năm. Vấn đề là nguyên tắc, quy trình ứng xử như thế nào thôi.
 
PV: Giáo sư từng nói, tiền chỉ là một phần để đổi mới giáo dục. Vậy điều gì quan trọng nhất trong quá trình làm CT-SGK mới để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục?
 
GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn: Muốn đổi mới CT-SGK chuẩn phải thay đổi gốc tư duy, cụ thể là con người và tổ chức. Chúng tôi rất phấn khởi khi biết Ủy ban Đổi mới giáo dục quốc gia sẽ được thành lập, Chủ tịch Ủy ban là Thủ tướng Chính phủ. Vậy chúng ta nên tổ chức Hội đồng biên soạn CT-SGK Quốc gia trực thuộc Ủy ban này. Hội đồng sẽ tập hợp các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, các nhà giáo uy tín, có kinh nghiệm viết sách, chứ không phải là một nhóm viết sách như thời gian vừa rồi. Bà Nguyễn Thị Bình - hồi còn là Phó Chủ tịch nước đã có lần phát biểu, phải giải phóng Bộ GD&ĐT khỏi việc biên soạn CT-SGK. Theo Điều 36 của Hiến pháp trước đây và Điều 100 của Luật Giáo dục, trách nhiệm về CT-SGK trước Quốc hội và nhân dân là Thủ tướng. Thế hệ GS Nguyễn Văn Chiển, GS Hoàng Tụy, nhà giáo Lê Hải Châu không có tiền vẫn làm  được CT-SGK chuẩn, lưu ý kinh phí đầu tư hầu như không đáng kể, và người có học hàm học vị hồi đó đếm trên đầu ngón tay. Thế hệ trí thức hiện nay được đào tạo bài bản, không ít người được học ở nước ngoài, điều kiện viết sách thuận tiện hơn nhiều lần, kế thừa những kinh nghiệm truyền thống của thế hệ trí thức trước đây, quan hệ mở rộng với giới học thuật quốc tế. Nếu được giao nhiệm vụ, tôi xin khẳng định chỉ cần 100 tỷ đồng là đổi mới được CT-SGK theo chuẩn mực quốc tế và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
 
PV: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
 
GS.TSKH Nguyễn Kế Hào:
Bộ nên mở diễn đàn rộng khắp để toàn dân góp ý kiến về SGK
 
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thẳng thắn nhận thiếu sót cũng là điều rất tốt. Bộ trưởng có nói rằng, Đề án CT-SGK mới sẽ được công bố rộng rãi để xin ý kiến công luận và chuyên gia, ý kiến của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực, Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục, hy vọng lần lấy ý kiến này sẽ được thực hiện bài bản, tạo thành diễn đàn rộng khắp để toàn dân đóng góp ý kiến. Có như thế Đề án mới được chỉnh lý một cách đầy đủ, có cơ sở khoa học để sao cho khi trình trước Quốc hội sẽ thuyết phục được các đại biểu.

 

Nguồn: CAND

Các tin khác