Văn hóa - Giáo dục
Sách mới, quy trình liệu có khoa học?
09:12, 19/04/2014 (GMT+7)
Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT - SGK) giáo dục phổ thông sau năm 2015 tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Hiện nay, Bộ GD&ĐT, Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đang tích cực lấy ý kiến chuyên gia để hoàn thiện đề án trước khi trình Quốc hội ra Nghị quyết mới về CT - SGT sau năm 2015. Đây có thể coi là một cuộc cải cách giáo dục nằm trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo nước nhà.
Không thể phủ nhận những nỗ lực, quyết tâm của Bộ GD&ĐT trong quá trình xây dựng đề án, nhằm đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học ở tất cả các cấp học, bậc học. Nhưng chặng đường dài hơi này đòi hỏi phải có bước đi thận trọng, không vội vã, đòi hỏi một quy trình bài bản, có phản biện để không lặp lại những sai lầm đáng tiếc về CT - SGK như thời gian qua.
Sách giáo khoa mới là tất yếu
GS.VS Đào Trọng Thi, Ủy viên TW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã khẳng định sự cần thiết phải đổi mới CT - SGK giáo dục phổ thông, nhất là sau kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và CT - SGK do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện năm 2013 đã chỉ rõ những hạn chế, bất cập của CT - SGK, đồng thời cũng chỉ rõ những tồn tại trong quá trình, quy trình xây dựng CT - SGK giáo dục phổ thông hiện hành.
Đó là CT - SGK chưa đảm bảo tính hiện đại, cơ bản và thiết thực, chưa cân đối giữa lý thuyết và thực hành, chưa cân đối dạy kiến thức với giáo dục đạo đức, lối sống, lịch sử, văn hóa dân tộc cũng như định hướng nghề nghiệp. Một số nội dung thuộc nhiều môn học còn thiếu tính khả thi. Phân ban THPT không đạt được mục tiêu đề ra, không phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân…
Về phía Bộ GD&ĐT, khi xây dựng dự thảo Đề án đổi mới CT - SGK mới cũng thẳng thắn thừa nhận, việc xây dựng CT của bộ sách hiện hành còn làm theo kiểu cắt khúc (cấp tiểu học được tiến hành từ năm 1996, cấp THCS năm 1998 nhưng đến năm 2000 mới xây dựng đề án tổng thể về đổi mới CT - SGK). Thậm chí CT được ban hành sau khi SGK đã triển khai đại trà, điều này rất nghịch lý khiến báo chí tốn khá nhiều giấy mực bởi lẽ không ai xây nhà xong mới dựng bản thiết kế. CT - SGK chưa được xây dựng như một chỉnh thể xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12; số môn học bắt buộc của mỗi lớp học, cấp học còn khá nhiều. Do chưa xác định được tính liên thông xuyên suốt giữa một số môn học, giữa các môn học và giữa các cấp học mà nội dung có sự trùng lặp, thiếu cân đối giữa lý thuyết và thực hành, giữa dung lượng và thời lượng trong CT một số môn học.
Sách giáo khoa chuẩn phải được viết dựa trên chương trình chuẩn, hiện đại, vì quyền lợi của học sinh - Ảnh minh họa |
Đổi mới CT giáo dục phổ thông nhưng chưa thực hiện đồng bộ với việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận, nguyên nhân của tình trạng trên là do thiếu lực lượng chuyên trách và thiếu cơ chế quản lý hiệu lực để đảm bảo vận hành đồng bộ toàn bộ quá trình xây dựng, triển khai sách mới; thiếu đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, mâu thuẫn giữa yêu cầu cao về mục tiêu, chất lượng giáo dục với sự hạn chế về trình độ đội ngũ…
2% số trường phổ thông sẽ thử nghiệm SGK mới
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, Đề án đổi mới CT - SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015 lần này sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc từ lần làm sách trước. Đó là phải xây dựng ngay từ đầu Đề án đổi mới CT - SGK, có Ban chỉ đạo đổi mới CT - SGK cấp quốc gia và cấp tỉnh, thành phố; có các Ban xây dựng CT, biên soạn SGK quốc gia và các hội đồng thẩm định, bên cạnh đó phải xác định rõ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ giữa Ban chỉ đạo và các ban, hội đồng.
Một bài học đắt giá nữa là cần phải xây dựng chính sách hợp lý để huy động, thu hút các nhà khoa học, nhà sư phạm, cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên, giáo viên tham gia xây dựng biên soạn thẩm định CT - SGK. Cũng theo Bộ GD&ĐT, mỗi CT đều cần có các yếu tố đảm bảo, trong đó quan trọng nhất là chất lượng đội ngũ nhà giáo, năng lực cán bộ quản lý và cơ sở vật chất nhà trường. Vì vậy, việc bắt đầu áp dụng CT mới chỉ được thực hiện ở những nơi đã có đủ điều kiện đảm bảo, nơi nào chưa đủ thì tích cực chuẩn bị để sớm các điều kiện cần thiết.
Về CT, “xương sống” của SGK thì phải được xây dựng như một chỉnh thể, nhất quán, xuyên suốt từ cấp tiểu học đến THPT, nhất quán và liên thông giữa chương trình giáo dục phổ thông với CT giáo dục mầm non, CT giáo dục nghề nghiệp và CT giáo dục đại học. Về SGK, phải đảm bảo nhất quán với CT và đáp ứng tính vùng miền, trình độ nhận thức của các đối tượng khác nhau, trong đó đặc biệt chú trọng các tài liệu hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số và học sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Sau khi có CT - SGK thử nghiệm, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai thử nghiệm toàn bộ CT - SGK các môn học ở mỗi lớp và mỗi cấp học, trọng tâm là CT - SGK các môn học, nhằm phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.
Sách giáo khoa chuẩn phải được viết dựa trên chương trình chuẩn, hiện đại, vì quyền lợi của học sinh |
Bộ sẽ chọn cách thức thử nghiệm 1 vòng cuốn chiếu theo cấp học, bắt đầu thử nghiệm đồng thời ở các lớp đầu cấp học (lớp 1, lớp 6 và lớp 10) của cả ba cấp học. Mỗi vùng kinh tế xã hội sẽ chọn một số tỉnh, thành phố đại diện; mỗi tỉnh, thành phố chọn một số trường phổ thông tham gia thử nghiệm; mẫu thử nghiệm khoảng 2% số trường phổ thông của cả nước. Sau đó sẽ tổ chức chỉnh sửa CT - SGK thử nghiệm trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các trường thử nghiệm, các tổ chức, cá nhân và kết quả đánh giá CT - SGK thử nghiệm.
PGS.TS Lương Ngọc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Nên dịch thêm những bộ SGK tiên tiến của nước ngoài
“Song song với việc triển khai CT - SGK giáo dục phổ thông mới, chúng ta nên cho dịch CT - SGK của nước có nền giáo dục phổ thông tốt như Phần Lan, Nhật. Đây cũng là cách làm của nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, ông ta đã cho dịch và đưa toàn bộ CT - SGK của Anh vào dạy ở Singapore. Chúng ta nên cho dịch sách các môn khoa học tự nhiên vì những môn học này mang tính chất quốc tế, cho vận dụng vào những trường có điều kiện cơ sở vật chất tương đối tốt, mời chuyên gia của họ sang bồi dưỡng phương pháp dạy học, cách thức lãnh đạo, điều hành nhà trường. Làm như vậy, chúng ta sẽ có căn cứ để so sánh với CT - SGK của ta để học tập, rút kinh nghiệm, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được niềm tin cho xã hội”.
Sách giáo khoa chuẩn phải được viết dựa trên chương trình chuẩn, hiện đại, vì quyền lợi của học sinh.
Gần 35.000 tỷ đồng cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015
Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đưa ra tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới CT - SGK giáo dục phổ thông và Dự thảo Đề án đổi mới CT - SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015 được tổ chức vào sáng 14/4. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, số tiền đó là quá lớn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nhận định: Kinh phí hơn 34.000 tỷ đồng cho đề án đổi mới CT - SGK là tương đối lớn. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, Bộ GD&ĐT cần phải làm rõ việc sử dụng kinh phí này như thế nào trong Đề án. Liên quan đến nội dung của Đề án, nhiều đại biểu đã đề nghị Bộ GD&ĐT phải xây dựng bộ chương trình chuẩn thật chi tiết và phải có bộ tiêu chí đánh giá SGK.
Trong Đề án cần làm rõ tính tích hợp và kế thừa các thành tựu giáo dục của thế giới trong Nghị quyết lần này, đồng thời phải có tổng kết Nghị quyết 40 về đổi mới giáo dục phổ thông đã được Quốc hội thông qua năm 2000. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục xin ý kiến của các chuyên gia giáo dục để hoàn thiện Nghị quyết và Đề án để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 5/2014…
|
Nguồn: CAND