Văn hóa - Giáo dục

Để kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả cao

08:57, 21/04/2014 (GMT+7)

(Congannghean.vn)- Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 có nhiều điểm mới so với các năm trước. Một trong những điểm mới đó là giảm từ 6 môn thi xuống còn 4 môn, trong đó 2 môn thi bắt buộc và 2 môn tự chọn. Để công nhận và xếp loại tốt nghiệp, không chỉ sử dụng kết quả thi như trước đây mà kết hợp giữa kết quả học tập, rèn luyện của học sinh lớp 12 (chiếm 50%) và kết quả 4 môn thi (chiếm 50%). Bộ GD&ĐT cũng đã có công văn hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT năm nay nhằm chuẩn bị tốt kiến thức, kỹ năng và tâm lý cho các thí sinh, giúp các em có một kỳ thi đạt kết quả cao.

Còn hai tháng nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 mới diễn ra, nhưng vào thời điểm này, các trường học đang tích cực chuẩn bị cho kỳ thi diễn ra đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đạt kết quả cao. Trong số 4 môn của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, ngoài 2 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) thì thí sinh được tự chọn hai môn trong số các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ. Đây là điểm đổi mới nhằm hướng tới sự phân hóa phù hợp năng lực, lực học thực chất của mỗi học sinh.

Do đó, trước khi nộp phiếu đăng ký dự thi, các em cần cân nhắc kỹ 2 môn tự chọn cho phù hợp với năng lực của mình. Sau khi chốt thời hạn đăng ký dự thi, thí sinh không được đổi môn thi tự chọn. Việc chọn môn thi phù hợp là cơ hội để thí sinh trau dồi kiến thức, rèn luyện một số kỹ năng cần thiết liên quan đến môn thi, phục vụ tốt cho nghề nghiệp sau này. Với cách thức thi mới này, học sinh phải học đều các môn và không nên chọn môn thi theo phong trào.

qe
Để đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, các thí sinh cần lựa chọn môn thi phù hợp với năng lực (Nguồn Internet)

Trong việc tổ chức ôn tập, nhà trường cần hướng dẫn học sinh vận dụng, lựa chọn các phương pháp phù hợp với nội dung của môn học. Ngoài ra, những điều chỉnh trong cấu trúc đề thi, cách thức ra đề thi năm nay sẽ tác động đến phương pháp dạy học, tổ chức ôn tập tại các nhà trường. Bộ GD&ĐT chủ trương tăng tính mở của đề thi, nhất là đối với các môn khoa học xã hội, nhân văn. Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức tự luận. Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thi trắc nghiệm.

Đề thi môn Ngữ văn có 2 phần: Đọc hiểu và làm văn. Đề thi các môn Ngoại ngữ có 2 phần viết và trắc nghiệm. Do đó, trước hết học sinh phải ôn đều các môn và tự học là chính. Các em tự rèn luyện bằng cách làm bài, diễn đạt vấn đề, học cách vận dụng kiến thức tổng hợp để giải quyết vấn đề và chú ý tới khả năng sáng tạo, lập luận của bản thân. Để làm bài tốt, học sinh cần chú ý phân tích, hiểu bản chất vấn đề chứ không chỉ học thuộc lòng, học tủ như trước đây. Đối với những môn như: Lịch sử, Ngữ văn, Ngoại ngữ, các em cần rèn luyện năng lực biểu đạt, diễn đạt.

Riêng ở phần tự luận, nếu học sinh không diễn đạt được bằng cách riêng của mình thì sẽ không thể hiện được đúng yêu cầu, kỹ năng cần thiết. Đối với giáo viên, trong quá trình ôn tập, chủ yếu giải đáp những thắc mắc, hướng dẫn, bổ sung những kiến thức còn thiếu của học sinh. Quá trình giảng dạy cần tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ học sinh trên cơ sở đánh giá năng lực, sở trường mỗi học sinh và định hướng nghề nghiệp cho các em.

Như vậy, năm nay ngoài việc phải học tốt các môn thi tốt nghiệp thì thí sinh còn phải học đều tất cả các môn học khác để có điểm tổng kết trung bình cả năm học cao. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên bộ môn có trách nhiệm tư vấn cho học sinh lựa chọn môn thi phù hợp, tránh tình trạng chọn môn thi theo phong trào. Đặc biệt, cần hướng đến những yêu cầu môn học để đổi mới phương pháp nhằm giúp học sinh có một kỳ thi tốt nghiệp THPT thành công, đạt kết quả cao.

P.V

Các tin khác