Văn hóa - Giáo dục
Ký ức Điện Biên Phủ
12:45, 22/04/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Cách đây 60 năm về trước, ngày 7/5/1954, chiến thắng Điện Biên Phủ của quân và dân ta đã làm chấn động địa cầu. Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã khiến một Điện Biên Phủ “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Trong chiến dịch thần thánh này của dân tộc, có hàng vạn công dân, cán bộ, chiến sĩ từ Thanh - Nghệ - Tĩnh đã đóng góp sức người, sức của, tham gia vào cuộc chiến vĩ đại ấy. Hướng tới kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014), xin giới thiệu loạt bài về những nhân chứng lịch sử, là người Nghệ đã tham gia vào cuộc kháng chiến ấy, hiện đang sinh sống trên địa bàn.
*Bài 1: Gặp người chở Đờ Cát từ chiến trường Điện Biên Phủ về thị xã Tuyên Quang
Ông là một trong những lái xe đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, ông được giao trọng trách lái xe chở tướng Đờ Cát cùng các tướng lĩnh của thực dân Pháp từ chiến trường về thị xã Tuyên Quang để giao cho Bộ Quốc phòng. Trên chặng hành trình ấy, ông may mắn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 60 năm trôi qua, nhưng ký ức ấy trong lòng người cựu binh già vẫn như đang còn mới mẻ mới ngày hôm qua.
Ông Hoàng Tư những năm còn tham gia lái xe ở chiến trường |
Chuyện của một tài xế thời kỳ đầu kháng Pháp
Chúng tôi tìm về xã Diễn Lộc (Diễn Châu) để gặp ông Hoàng Tư (SN 1919), lái xe trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông Tư mặc dù tuổi cao nhưng vẫn còn rất minh mẫn, ngày ngày ông còn ra đồng chăn trâu, chăn bò cho con cái. Ông Hoàng Tư xuất thân trong gia đình nông thôn. Ngày 10/4/1947, khi mới bước sang tuổi 18, ông đã xung phong vào bộ đội, phiên chế tại Trung đoàn 57 Nghệ An (Trung đoàn Đội Cung). Tại đây, ông được cử đi học lái xe ở Trung Quốc theo chủ trương của Bác Hồ. Sau khi hoàn thành khóa học, ông được điều về Cục Vận tải (C201), sau đó tham gia chiến đấu tại chiến trường Mộc Châu, tham gia chở hàng và bộ đội sang Lào chiến đấu. Đến lúc chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, ông Hoàng Tư được điều về vận chuyển người, lương thực, thuốc men từ hậu phương vào tận chiến trường.
Ký ức người lính già vẫn còn nhớ rất rõ những chuyến xe xé toạc màn đêm, băng rừng, lội suối ra chiến trận chỉ bằng ánh đèn pha quả nhót. Lúc ấy, gần như chỉ chạy bằng cảm nhận, bằng niềm tin hơn là nhìn thấy đường đi. Đặc biệt, ông Tư vẫn chẳng thể nào quên chuyến đi kéo dài 3 ngày 3 đêm từ chiến trường Điện Biên Phủ về thị xã Tuyên Quang, với trọng trách được giao phó là đảm bảo an toàn cho Đờ Cát ngay sau khi tên này bị bắt giữ làm tù binh.
Ông Hoàng Tư kể, ngày 7/5/1954, chiến dịch kết thúc thì một ngày sau, ông cùng đội xe được lệnh chở 150 sĩ quan và tướng lĩnh Pháp về sân bay Tuyên Quang. Vì là đảng viên nên xe của Hoàng Tư được “ưu tiên” chở tướng Đờ Cát và 12 quan năm, quan tư khác cùng 5 lính bảo vệ của ta. Lúc bấy giờ, với tư thế hiên ngang của người chiến thắng, ông Tư thấy Đờ Cát cũng rất đỗi bình thường, chân đi giày vải, quần áo rằn ri. Tiếp nhận tù binh, đoàn gồm 6 chiếc xe tải bắt đầu lên đường. Quan sát, ông Hoàng Tư thấy suốt chặng hành trình, Đờ Cát không ngủ mà chỉ nhai kẹo giải buồn, hết ngày sang đêm. Tướng Đờ Cát lúc ấy không bị trói, bị còng mà được cho ngồi trên xe, phía sau thùng. Chuyến đi ấy vô cùng gian khó, trọng trách gánh trên vai nên ông Tư cũng như những anh em còn lại đều hết sức nặng nề. Chủ yếu đi bằng đường đèo dốc, ban đêm không dám bật đèn mà chỉ chạy theo cảm tính. Đoạn nào hiểm trở quá chỉ dám bật đèn gầm. Mỗi xe cách nhau 5m, cứ thế nối đuôi nhau thẳng tiến. Thấy lái xe an toàn trong điều kiện như vậy, Đờ Cát đã liên tục kêu lên, đại ý là tài xế Việt Nam giỏi. Bác Tư cũng cho biết, suốt chặng đường đi, Đờ Cát luôn miệng kêu mệt, đau bụng để được dừng lại nghỉ ngơi. Quá trình ăn uống phục dịch, do không quen với khổ sở nên khi được ta mang cho xoong chảo, gạo để tự nấu ăn, nhóm tù binh Pháp đã phải rất chật vật mỗi khi đến bữa ăn hằng ngày.
Ông Hoàng Tư hôm nay |
Lời dặn của Đại tướng trên đỉnh đèo Pha Đin
Lúc xe lên đến đỉnh đèo Pha Đin thì đoàn xe của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt kịp đoàn xe chở tù binh. Đại tướng đã cho đoàn dừng lại nghỉ ngơi để động viên. Gặp riêng tài xế và phụ xe, Đại tướng ân cần căn dặn: “Đây là công lao của quân đội, là xương, là máu của nhân dân, các đồng chí phải hết sức cẩn thận”. Lời dặn ấy tiếp thêm sức mạnh, như kim chỉ nam dẫn lối mà cho đến hôm nay, sau 60 năm người lính già Hoàng Tư vẫn nhớ từng lời dạy. Cũng tại cuộc gặp gỡ, Đội trưởng Đội dẫn giải tù binh Kinh Chi đã thay mặt đoàn báo cáo với Đại tướng về tình hình sức khỏe của Đờ Cát không được tốt. Nghe vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho bác sĩ theo đoàn để thăm khám, theo dõi, cho Đờ Cát uống thuốc. Khi về đến thị xã Tuyên Quang, căn bệnh kiết lị của Đờ Cát cũng đã được chữa khỏi. Sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, Cục Công binh thành lập và ông Hoàng Tư được điều về đây để thành lập Đại đội xe (C3 E106). Tháng 8/1968, ông Hoàng Tư bị một cơn đau đột ngột hành hạ, bị xuất huyết dạ dày nên sức khỏe chỉ còn lại 31% và phải phục viên về quê nhà.
Tại quê hương Diễn Lộc, với tâm huyết còn sức còn cống hiến, ông Hoàng Tư đã tham gia nhiều hoạt động xây dựng quê hương, từ Thư ký tổ đổi công, Tài vụ HTX nông nghiệp đến Chủ nhiệm tín dụng, Xã đội trưởng rồi Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Lộc. Năm 1975, căn bệnh cũ lại tái phát nên ông Hoàng Tư xin nghỉ hưu để chữa bệnh lâu dài. Ông lập gia đình và sinh được 5 người con, tất cả đều phương trưởng, trong đó người con cả Hoàng Văn Phục cũng theo bước chân ông, phục vụ trong quân đội. Ông Hoàng Tư được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Kỷ niệm chương của Bộ Quốc phòng vì sự nghiệp quân sự địa phương, Huy hiệu Bác Hồ và Huân chương Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Thiên Thảo - Ngọc Anh