Văn hóa - Giáo dục

Trẻ 6 tháng tuổi sẽ được vào mầm non công lập

09:50, 25/04/2014 (GMT+7)

Năm học 2014 - 2015, TP.HCM sẽ là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai thí điểm đề án cho trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi vào mầm non công lập và đến năm học 2016 - 2017 thực hiện đại trà.

Có thể thấy đây là một tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo TP.HCM đối với việc chăm lo trẻ mầm non. Tuy nhiên, so với điều kiện thực tế vẫn còn nhiều độ vênh giữa mong muốn và thực lực.

15 tỉ đồng thực hiện thí điểm

Cuối năm 2013, vụ hai bảo mẫu ở Q.Thủ Đức, TP.HCM có những hành vi dã man khi cho trẻ ăn đã gây bất bình trong dư luận. Phần lớn các ý kiến cho rằng nguyên nhân sâu xa của thực trạng này là hệ thống trường mầm non công lập không có chỗ cho những trẻ dưới 2 tuổi.

Theo thống kê, chỉ có 0,66% trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi đến trường, toàn TP chỉ có 18 trường nhận trông trẻ lứa tuổi này nhưng không có trường nào là công lập.

Trước tình hình trên, tại cuộc họp thường trực Thành ủy TP.HCM vào chiều 7.2.2014, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, nhấn mạnh: “Từ nay đến cuối năm 2015, TP.HCM phải phủ kín điều kiện chăm lo, nuôi dạy cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên”.

Đồng thời, Bí thư Thành ủy chỉ đạo Sở GD-ĐT xây dựng ngay kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non, cơ chế chính sách cho họ và xây dựng đề án có lộ trình nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi. Quan điểm của lãnh đạo TP.HCM là: “Ưu tiên chăm lo cho tất cả các cháu, không phân biệt thường trú hay KT3, KT4”.

Từ thời điểm này, đã có rất nhiều cuộc họp triển khai thực hiện đề án chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non từ 6 - 18 tháng tuổi trên địa bàn TP.HCM từ năm 2014 đến 2020.

Ngày 15.4, đoàn giám sát của HĐND TP.HCM đã có buổi làm việc với Sở GD-ĐT về công tác quản lý đối với giáo dục mầm non, trong đó tập trung vào đề án này.

Tại buổi làm việc, bà Trần Kim Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết Sở đang xây dựng 2 đề án: chăm sóc trẻ mầm non từ 6 đến 18 tháng tuổi và chính sách đầu tư, chế độ hỗ trợ đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thuộc ngành học này.

Năm học 2014 - 2015, TP sẽ triển khai thí điểm từ 1 đến 2 trường mầm non công lập tại mỗi quận huyện: 7, 12, Tân Phú, Thủ Đức, Bình Chánh, Bình Tân, Củ Chi, Nhà Bè; đến năm 2016 - 2017 thực hiện đại trà. Kinh phí thực hiện thí điểm là 15 tỉ đồng.

Thiếu từ con người đến phương tiện

Trong buổi họp ngày 7.2, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đã nêu ra không ít khó khăn ở bậc học mầm non. Ông Sơn cho biết TP hiện có 419 trường mầm non công lập với 161.072 trẻ.

Trong năm học 2013 - 2014, TP thiếu khoảng 5.000 giáo viên cho các trường mầm non công lập. Năm 2014, nếu các trường tuyển hết 1.300 giáo sinh mầm non tốt nghiệp trong năm (tính cả sinh viên các tỉnh) thì vẫn còn thiếu 3.700 giáo viên. Đến năm 2015, với sự đầu tư xây dựng trường lớp, sẽ thiếu 4.400 giáo viên. Trung bình mỗi năm TP cần bổ sung khoảng 3.000 giáo viên mầm non.

Còn trong buổi làm việc với đoàn giám sát của HĐND TP.HCM, bà Trần Kim Thanh cho biết vẫn còn 11 phường chưa có trường mầm non công lập, nhiều quận huyện phải xây trường mầm non liên phường vì không còn đất.

Số trường lớp công lập chỉ đáp ứng được 52% tổng số trẻ. Hiện nay, các trường cũng không có phòng học dành riêng cho trẻ từ 6 tháng đến 18 tháng tuổi; chưa có các trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi cho trẻ ở độ tuổi này.

Bà Thanh cho hay trong năm học 2014 - 2015 dự báo sẽ cần thêm 3.000 giáo viên mầm non. Tuy nhiên, khó khăn không chỉ nằm ở số lượng mà chính ở chất lượng.

Theo bà Thanh, chương trình đào tạo của các trường sư phạm  hiện nay chưa chú trọng việc dạy giáo viên mầm non những kỹ năng chăm sóc trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi.

Ngoài ra, các trường mầm non công lập hầu như không nhận trẻ ở độ tuổi này nên sinh viên không có chỗ kiến tập, thực tập. Vì thế, giáo viên hiện nay rất thiếu kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ nhỏ.

Nguồn: tienphong.vn

Các tin khác