Văn hóa - Giáo dục
Trẻ mầm non học trong nhà truyền thống thị trấn
(Congannghean.vn)- Gần 170 học sinh mầm non lớp 4 tuổi và lớp nhỡ đến từ xã Thanh Ngọc và Đồng Văn sau khi về sáp nhập với thị trấn Dùng đang phải học tập trong khuôn viên chật chội và không đảm bảo theo quy định. Nói là lớp học cho trẻ mầm non nhưng thực chất cô và trò đang hàng ngày sử dụng trên diện tích của Nhà truyền thống nằm trong khuôn viên của thị trấn Dùng.
Trong chuyến công tác tại thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương mới đây, phóng viên lấy làm bất ngờ khi chứng kiến giờ ra chơi của các em học sinh trường mầm non lại tung tăng vui chơi ngay trước phòng làm việc của cơ quan UBND thị trấn. Tiếng cười nói, nô đùa của đám trẻ khiến cho không khí làm việc của Đảng ủy, chính quyền và các cơ quan đoàn thể nơi đây có phần nhộn nhịp hơn.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Châu, hiện điểm lẻ của bậc mầm non thị trấn gồm 1 lớp trẻ 4 tuổi (từ 25 đến 30 cháu) và 2 lớp nhỡ (mỗi lớp 40 cháu) đang phải học trên khuôn viên của Nhà truyền thống thị trấn sau khi được cải tạo thành 3 lớp học. Việc học trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, thiếu sân chơi, góc học tập và các điều kiện sinh hoạt khác đã ảnh hưởng đến khả năng phát triển cũng như tiếp nhận kiến thức liên quan của các cháu.
3 lớp học mầm non đang sử dụng trên diện tích Nhà truyền thống thuộc khuôn viên Đảng ủy, UBND thị trấn Dùng |
Qua quan sát của chúng tôi, ngoài diện tích đang sử dụng cho việc học của lớp mầm non, ở hai đầu phía phòng học nằm cùng dãy là phòng làm việc của UBND và các đoàn thể của thị trấn. Trao đổi với Chủ tịch UBND thị trấn, ông Nguyễn Doãn Quý cũng thừa nhận: Thực tế hiện nay các cô và trò của lớp mầm non điểm trung tâm đang phải học... nhờ trên diện tích của trụ sở Ủy ban, trước kia đây là dãy nhà truyền thống của thị. "Khi nhận bàn giao các cháu từ xã Thanh Ngọc (từ quyết định điều chỉnh, sáp nhập địa giới và dân số thị trấn - P.V) thì thiếu lớp học trầm trọng nên phải "mượn tạm" phòng. Hiện tại, ngoài 3 lớp học nằm trong khuôn viên thị trấn còn có 2 lớp mầm non đặt tại khối 4. Dù diện tích, không gian chưa đảm bảo theo quy định nhưng cũng phải cố gắng. Biết là việc trường học dùng chung trong khuôn viên làm việc của trụ sở Đảng ủy, Ủy ban là không đúng quy định giáo dục nhưng không có cách nào khác. Đặc thù là lớp cho trẻ mầm non, ngoài học văn hóa thì thời gian ngoài giờ của các cháu chiếm thời lượng nhiều hơn, vì thế tiếng ồn khi học hát, học múa, giảng bài của cô cũng ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của cán bộ, công nhân viên chính quyền thị trấn, nhưng không còn cách nào khác" - ông Quý bày tỏ.
Cũng theo ông Quý, trước thực trạng bất cập này, thị trấn cũng đã có quy hoạch lớp mầm non ở vùng Nhà máy sắn Thanh Ngọc, nhưng sau khi xem xét thấy không ổn, bởi nguy cơ ô nhiễm môi trường từ sản xuất kinh doanh của nhà máy. Sau này, qua khảo sát đã thống nhất chuyển lớp học về Nhà văn hóa khối 5.
Hiện tại, đất đã có, vấn đề còn lại là kinh phí thực hiện dự án. Bởi theo tính toán, để có 1 phòng học đảm bảo đạt chuẩn theo quy định (phòng ngủ, vệ sinh, nơi ăn, ở, vui chơi...) cũng lên đến 1 tỉ đồng. Vì thế, trước mắt địa phương phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách cấp trên.
Xuân Thống