Văn hóa - Giáo dục
Ký ức Điện Biên Phủ
Bài 2: “Binh đoàn ngựa sắt” qua kí ức của một dân công hỏa tuyến
(Congannghean.vn)-Nhắc đến Chiến dịch Điện Biên Phủ là nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, người đã trực tiếp đưa cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đi đến thắng lợi chấn động địa cầu. Năm 2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần ở tuổi 103 đã để lại tiếc thương vô hạn cho hàng triệu trái tim đồng bào Việt Nam và thế giới. Ít ai biết rằng, suốt 20 năm cuối đời, có một người con của quê hương Hà Tĩnh đã luôn theo sát Đại tướng để ghi lại những khoảnh khắc đời thường rất dung dị và ông đã có trên 2.000 tác phẩm nhiếp ảnh về đời thường của anh Văn. Ông là Đại tá - Nhà báo Trần Hồng.
*Bài 3: Chuyện của người có hơn 2.000 bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Từ “chân dung mẹ”
Nói về Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đúc kết rằng, Điện Biên Phủ mãi mãi sẽ được ghi vào lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc ta và của nhân dân các dân tộc trên thế giới. Nói vậy nhưng Đại tướng của lòng dân hẳn cũng không biết rằng, cùng với Điện Biên Phủ được lưu danh, hình ảnh của Người từ sau chiến dịch này cũng đã được triệu triệu người dân Việt Nam khắc ghi trong tâm khảm.
Đặc biệt, những ngày cuối đời, vì lý do sức khỏe, bệnh tật nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp không còn xuất hiện thường xuyên trước công chúng. May mắn thay, nhà báo Trần Hồng, phóng viên ảnh báo Quân đội nhân dân, đã dành trọn 20 năm để theo chân Đại tướng, ghi lại hơn 2.000 khoảnh khắc đời thường rất giản dị của vị Tổng Tư lệnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhằm truyền tải đến hàng triệu đồng bào cả nước thông điệp, rằng Đại tướng của muôn dân vẫn tỏa sáng giữa đời thường và hướng về nhân dân với tấm lòng yêu thương, trìu mến.
Trần Hồng bên một bức ảnh về Đại tướng do mình chụp |
Nhà báo Trần Hồng sinh ra và lớn lên tại Hà Tĩnh. Tốt nghiệp khóa 1 chuyên ngành Nhiếp ảnh Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) và trở thành phóng viên ảnh báo Quân đội nhân dân. Trong cuộc đời làm báo và cầm máy của mình, Đại tá Trần Hồng chụp rất nhiều ảnh ở nhiều nội dung khác nhau, nhưng ông nổi tiếng nhất là chụp ảnh chân dung. Trước khi nổi tiếng với việc chụp ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà báo Trần Hồng từng được nhiều người đánh giá cao với bộ ảnh “Chân dung mẹ” - chụp về các bà mẹ Việt Nam. Ông nhấn mạnh từ “mẹ” vì với ông, “tất cả các bà mẹ Việt Nam đều anh hùng”. Những bức ảnh chân dung rất dung dị, mộc mạc nhưng vẫn toát lên được cái tôi của chủ thể bức ảnh.
Với nhiều thế hệ người dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một tượng đài lịch sử với tài năng kiệt xuất, một con người vĩ đại… Thế nhưng, nếu có thời gian xem ảnh Đại tướng qua ống kính nhà báo Trần Hồng, hình ảnh Đại tướng hiện lên rất bình dị nhưng cũng vô cùng cao quý. Những bức ảnh của ông đã lột tả hết được cái dung dị đời thường của Đại tướng, điều mà lúc sinh thời Người rất khao khát để đạt đến. Cũng bởi vậy, khi “nhìn” những bức ảnh của Trần Hồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã rất thích. Và khi nhận được “lời đề nghị” của Trần Hồng, Đại tướng đã vui vẻ nhận lời và còn bảo với đồng chí Nguyễn Huyên (thư ký riêng của Đại tướng) rằng: “Cậu cho Trần Hồng vào chụp tôi bất kể lúc nào nhé”.
Hình ảnh bình dị của một vị tướng tài ba
Nếu ai đã từng có dịp ghé thăm căn nhà của Đại tá Trần Hồng ở phố Đường Thành (Hà Nội), hẳn cũng đều cảm nhận được tình cảm mà ông dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ở đó, căn phòng dù rất nhỏ nhưng tràn ngập hình ảnh Đại tướng. Tất cả đều là ảnh ông mang về từ các cuộc triển lãm. Với 20 năm chụp hơn 2.000 bức chân dung Đại tướng, nhà báo Trần Hồng đã thực hiện 4 cuộc triển lãm ở bốn địa điểm khác nhau là Hà Nội, Kon Tum, Quảng Bình và Hà Tĩnh.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm triển lãm của Nhà báo Trần Hồng |
Với nhiều người, mỗi khi triển lãm ảnh, có khách mua là sẵn sàng bán, nhưng với Đại tá Trần Hồng, tất cả đều được ông giữ như những kỷ vật của đời mình. Trừ một số bức ông gửi tặng địa phương mình tổ chức triển lãm, số còn lại đều được mang về Hà Nội, xếp gọn gàng trong nhà. Thỉnh thoảng hàn huyên với bạn bè, Đại tá lại chỉ những bức ảnh và cười vui: “Của riêng còn một chút này”.
Nhà báo Trần Hồng bảo rằng: “Trong mắt ông, Đại tướng như hai con người riêng biệt. Một Đại tướng thời đạn lửa và một Đại tướng bình dị của đời thường. Lúc Đại tướng đang trong thời đạn lửa, tôi chỉ là cậu bé chăn trâu ở một vùng quê nghèo Hà Tĩnh. Hình ảnh vĩ đại của ông là do tôi đọc sách, xem phim và nghe các thế hệ đàn anh kể lại. Cho đến khi có cơ hội chụp Đại tướng, đất nước đã hòa bình và tôi muốn ghi lại những hình ảnh của ông trong cuộc sống đời thường”.
Trần Hồng cũng cho rằng, sinh thời, Đại tướng đã tuyệt vời, sự ra đi của Đại tướng cũng có sức mạnh đến kì lạ, làm lay động và kết nối muôn triệu trái tim con người. Nhà báo Trần Hồng bảo, Đại tướng trong đời thường rất giản dị. Sự giản dị ấy được thể hiện khi Người về thăm quê hương Quảng Bình bằng tàu hỏa, dù được ưu tiên ngồi toa VIP nhưng Người đã cùng với một số cán bộ đi tàu chợ như những người dân bình thường. Rồi khi về đến quê, ông ăn uống sinh hoạt y như một lão nông chính gốc.
Thiên Thảo - Ngọc Thúy